Chạy đà việc học sau tết sao cho hiệu quả để đảm bảo vừa ôn tập kiến thức cũ, vừa tiếp nhận kiến thức mới nhưng không quá bị áp lực, căng thẳng là vấn đề mà nhiều học sinh, thầy cô lẫn cha mẹ quan tâm.
Đừng gây áp lực học tập
Nhiều lãnh đạo trường và giáo viên xem việc tăng cường kiểm tra bài cũ là một biện pháp hiệu quả bởi quan niệm phải kiên quyết chấm dứt tư tưởng nghỉ lễ, “ăn chơi” trong học trò.
Nhiều thầy cô ngay tiết học đầu tiên của năm mới đã không ngần ngại “lì xì” một bài kiểm tra thường xuyên, hay kiểm tra miệng vài em để uốn học sinh vào nền nếp học tập “ngay và luôn”.
Phương pháp này có thể hiệu quả với học sinh chăm, ngoan, sợ điểm kém nhưng thường không có nhiều tác dụng đối với các em ương bướng hoặc không chăm chỉ.
Nhưng điều này có một điểm chung là thầy cô đã tạo một không khí căng thẳng, bức bối không cần thiết ngay những ngày đầu năm, làm giảm đi đáng kể niềm vui học tập của các em.
Khởi động nhẹ nhàng, phù hợp
Một số giáo viên thường tổ chức những tiết học đầu năm rất thú vị. Có cô giáo lì xì cho cả lớp theo hình thức rút thăm may mắn, tặng học trò lời chúc đầy ý nghĩa trong phong bì đỏ kèm sticker, móc khóa, huy hiệu vui tươi… Có giáo viên còn cho học sinh chia sẻ những hy vọng trong năm mới về việc học tập, gia đình, bạn bè.
Sau hoạt động chào năm mới khoảng 15 phút này, giáo viên mới bắt đầu vào phần bài học thông qua những câu hỏi nhẹ nhàng, dần giúp học sinh ôn tập bài cũ và bước vào bài mới với tâm lý thoải mái, vui tươi.
Có thầy giáo lì xì điểm cộng qua câu hỏi ôn tập, câu hỏi trong bài mới, và tạo điều kiện để học trò nào cũng được lì xì vài điểm cho bài kiểm tra sắp tới, tạo một không khí hào hứng học tập.
Những thầy cô sáng tạo, năng động còn tổ chức trò chơi cho học trò để ôn tập kiến thức với giải thưởng là điểm cộng, hoặc phần quà lì xì nhỏ, thông qua các trò chơi như giải ô chữ, lật hình, ai là triệu phú…
Các hoạt động như thế có thể giúp học sinh nhanh chóng lấy lại hứng thú học tập, có được niềm vui trong việc đến trường ngày đầu năm mới.
Thiết nghĩ, việc xây dựng trường học hạnh phúc không ở đâu xa. Ban giám hiệu, thầy cô hãy quan tâm đến tâm sinh lý học trò, giúp các em có được niềm vui, sự đam mê học tập, hứng thú với trường lớp, nhất là sau những ngày dài nghỉ tết thú vị đã qua.