Các nền kinh tế lớn ngày càng hạn chế sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhưng nhiều nền kinh tế mới nổi và các nước xuất khẩu hàng hóa khác vẫn tiếp tục phụ thuộc nhiều hơn vào Bắc Kinh.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc: Bắc Kinh đã bị tụt lại phía sau, quan hệ với Washington và EU nguội lạnh dần? (Nguồn: Adobe stock) |
Mỹ, Nhật Bản và các nền kinh tế lớn khác đã hạn chế sự phụ thuộc vào Trung Quốc kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh bắt đầu cách đây 5 năm, “phủ bóng đen” lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Theo dữ liệu từ Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) được Nikkei phân tích, thương mại kết hợp của Trung Quốc với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đạt tổng cộng 2.000 tỷ USD, chiếm 35% tổng khối lượng thương mại G20.
Năm 2023, Trung Quốc tụt lại phía sau Mexico với tư cách là nước xuất khẩu hàng đầu sang Mỹ, do người Mỹ đã nhập khẩu nhiều đồ điện tử và các sản phẩm khác từ nơi khác hơn.
Nhập khẩu điện thoại thông minh của Mỹ từ Trung Quốc đã giảm khoảng 10% trong 11 tháng kể từ đầu năm 2023, trong khi nhập khẩu từ Ấn Độ tăng gấp 5 lần. Nhập khẩu máy tính xách tay từ Trung Quốc giảm khoảng 30%, trong khi nhập khẩu từ Việt Nam tăng gấp 4 lần.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu vào năm 2018 dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, với việc Washington áp đặt mức thuế sâu rộng đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Tổng thống Joe Biden đã giữ nguyên nhiều cơ chế trong số đó khi ông thúc đẩy “kết nối bạn bè” hoặc chuyển nhiều chuỗi cung ứng hơn sang các nước thân thiện với Mỹ.
Trong khi đó, trong giai đoạn này, xuất khẩu của Nhật Bản và Hàn Quốc sang Trung Quốc cũng giảm. Mỹ đã trở thành điểm đến lớn nhất cho hàng xuất khẩu của Nhật Bản vào năm ngoái lần đầu tiên sau 4 năm, vượt qua Trung Quốc. Xuất khẩu hàng tháng của Hàn Quốc sang Mỹ cũng vượt xa xuất khẩu sang Trung Quốc vào tháng 12/2023, lần đầu tiên sau 20 năm.
Ngay cả châu Âu, nơi có mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc, dường như cũng đang thu hẹp quy mô. Trung Quốc đã tụt xuống vị trí thứ ba từ vị trí đầu tiên trong số các nhà xuất khẩu sang Anh trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11/2023.
Nhà kinh tế cấp cao Benjamin Caswell tại Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội quốc gia ở Anh, cho biết, các công ty đang tìm cách tách chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc trong bối cảnh mối quan hệ giữa Bắc Kinh với Mỹ và châu Âu trở nên nguội lạnh.
Nhập khẩu của Đức từ Trung Quốc đã giảm 13% trong năm 2023 do chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz có lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Mỹ, quốc gia đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, dự kiến sẽ vượt Trung Quốc trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Đức trong năm nay.
Mỹ và các đối tác đang theo đuổi chiến lược “giảm rủi ro” hoặc giảm sự phụ thuộc vào thương mại Trung Quốc để tăng cường an ninh kinh tế của họ. Suy thoái kinh tế của Trung Quốc càng đẩy nhanh xu hướng này.
Tuy nhiên, nhiều nước mới nổi và các nước xuất khẩu hàng hóa vẫn tiếp tục phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.
Xuất khẩu của Brazil sang Trung Quốc đã tăng khoảng 60% trong khi nhập khẩu tăng khoảng 50% kể từ năm 2019 – trước khi dịch Covid-19 lan rộng ra toàn cầu – vượt xa đáng kể tốc độ tăng trưởng thương mại với Mỹ của quốc gia Nam Mỹ này.
Xuất khẩu quặng sắt và đậu nành đặc biệt mạnh mẽ. Brazil mong muốn tăng cường quan hệ thương mại với Trung Quốc, bao gồm cả việc mở rộng các giao dịch dựa trên đồng nhân dân tệ và đồng real mà không sử dụng đồng USD làm trung gian.
Trong số các đối tác của Mỹ, Australia chứng kiến xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 17% vào năm 2023. Thủ tướng Anthony Albanese đã nỗ lực hàn gắn mối quan hệ với Bắc Kinh kể từ khi nhậm chức, dẫn đến xuất khẩu bông và đồng tăng lên.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc báo cáo rằng, tỷ trọng của Mỹ trong tổng thương mại của Trung Quốc đã giảm 2,5 điểm phần trăm trong 5 năm tính đến năm 2023. Nhật Bản và Hàn Quốc chứng kiến tỷ trọng của họ giảm lần lượt 1,7 và 1,5 điểm phần trăm, trong khi Đức giảm 0,5 điểm và Anh thêm 0,1 điểm.
Ngược lại, thị phần của các thành viên ASEAN tăng 2,6 điểm phần trăm, khi ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc thâm nhập vào Đông Nam Á. Thị phần của Brazil tăng 0,7 điểm. Nga tăng 1,7 điểm.
Trung Quốc tăng cường nhập khẩu năng lượng từ Nga khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với việc Moscow buộc nước này phải bán dầu thô và khí đốt tự nhiên với giá chiết khấu.
Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang đổ xô vào Mexico, quốc gia có hiệp định thương mại tự do với Mỹ. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Mexico đã đạt mức kỷ lục vào năm ngoái, khiến Washington phải kêu gọi chính quyền Mexico tiến hành sàng lọc chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên, sự gia tăng nhập khẩu của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của nước tiếp nhận với Bắc Kinh. Thâm hụt thương mại của Italy với Trung Quốc đã tăng khoảng 40% kể từ năm 2019, khi nước này trở thành quốc gia Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) duy nhất ký tham gia sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI). Tuy nhiên, vào tháng 12 năm ngoái, Italy đã tuyên bố họ sẽ rời khỏi BRI.