Chính quyền Nga ngày 13.2 đã tuyên bố Thủ tướng Estonia Kaja Kallas là người bị truy nã, theo AFP. Cơ sở dữ liệu người bị truy nã của Bộ Nội vụ Nga cho thấy bà Kallas bị truy nã theo Luật Hình sự nhưng không nêu rõ cáo buộc.
Ngoài Thủ tướng Estonia còn có Quốc vụ khanh Estonia Taimar Peterkop và Bộ trưởng Văn hóa Lithuania Simonas Lairys bị Nga đưa vào danh sách truy nã. Hãng TASS dẫn nguồn tin tiết lộ những vị trên bị cáo buộc “phá hoại các công trình tôn vinh binh sĩ thời Liên Xô”.
Trong cuộc họp báo cùng ngày, phát ngôn viên Dmitry Peskov của Điện Kremlin nói rằng Thủ tướng Kallas và các chính trị gia vùng Baltic bị truy nã vì những hành động thù địch chống Nga và “xúc phạm ký ức lịch sử”.
Estonia và Lithuania chưa lập tức bình luận về thông tin này.
Nhà Trắng, đồng minh chỉ trích bình luận ‘bất ổn’ của ông Trump về NATO
Mối quan hệ giữa Nga và Estonia, nước có một cộng đồng người Nga đáng kể, vẫn luôn căng thẳng từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nga thường xuyên phản ứng về việc Estonia, từng là một phần trong Liên Xô, dỡ bỏ các công trình tưởng niệm chiến tranh, theo AFP.
Thủ tướng Kaja Kallas lãnh đạo chính phủ Estonia từ năm 2021. Bà là một trong những chính trị gia châu Âu ủng hộ Ukraine mạnh mẽ trong cuộc chiến chống Nga.
Trả lời phỏng vấn báo Der Standard của Áo mới đây, bà Kallas nói rằng cuộc chiến của Ukraine sẽ kéo dài cho đến khi Nga nhận ra rằng họ không thể giành chiến thắng. Nhà lãnh đạo cho rằng phương Tây cần tiếp tục ủng hộ Ukraine và cung cấp mọi thứ mà nước này cần.
Cụ thể, khi bình luận về câu hỏi liệu 2024 có phải là năm quyết định cho số phận của Ukraine, nữ thủ tướng nói: “Chiến tranh vẫn tiếp tục. Chúng ta không nên rơi vào những cái bẫy đã được giăng ra. Sẽ là một sai lầm khi tin rằng chiến tranh có thể ngã ngũ nhanh chóng. Nga đang chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài. Nó sẽ kéo dài cho đến khi Nga nhận ra rằng họ không thể thắng”.
Trong một báo cáo an ninh ngày 13.2, Cơ quan Tình báo nước ngoài Estonia cho rằng Nga đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu quân sự với phương Tây trong một thập niên tới và điều đó chỉ có thể được ngăn chặn bằng việc xây dựng lực lượng vũ trang để đối phó, theo Reuters.
Ông Kaupo Rosin, lãnh đạo cơ quan nói trên, cho biết bản đánh giá dựa trên kế hoạch của Nga trong việc tăng gấp đôi quân số dọc biên giới với các thành viên NATO như Phần Lan, Estonia, Lithuania và Latvia.
NATO đã đánh giá thấp cỗ máy quân sự của Nga
Vị quan chức nói thêm rằng khả năng xảy ra một cuộc tấn công quân sự của Nga trong ngắn hạn là khó xảy ra nhưng nếu NATO không chuẩn bị, khả năng đó sẽ tăng cao hơn nhiều.
Ông Rosin nhận định năng lực cung cấp đạn dược cho binh sĩ của Nga vẫn vượt trội so với Ukraine, và Kyiv khó có thể thay đổi tình hình chiến trường nếu thiếu sự ủng hộ của phương Tây. Dù vậy, ông dự báo sẽ không có bước đột phá của Moscow tại Ukraine trước cuộc bầu cử tổng thống Nga vào tháng 3.