An Bang – điểm đảo cực Nam của quần đảo Trường Sa, là đảo nổi tiếng với những con sóng dữ. Hành trình lên đảo An Bang chỉ cần một giây bất cẩn thiếu tập trung là có thể gặp nguy hiểm, nhưng qua được thử thách thì ai nấy cũng đều nhớ mãi về An Bang dịu dàng, thân thương.
Cán bộ chiến sĩ đảo An Bang vẫy chào tạm biệt các đại biểu. Ảnh: MINH ÁNH
Vượt sóng thăm An Bang
Những con sóng nước đưa con tàu 571 nhô lên rồi lại hạ xuống. Tôi cảm nhận được từng con sóng đang xô vào mạn tàu.
Tôi không còn nhớ hôm nay là ngày thứ bao nhiêu Đoàn Công tác số 13 vượt sóng, vượt gió ra thăm Trường Sa, nhưng tôi biết ngày mai chúng tôi sẽ ra thăm đảo An Bang.
5h sáng, tiếng chuông báo thức đánh thức cả phòng D2. Tôi cố nán lại trên chiếc giường vì đêm qua mất ngủ, nhưng rồi lại bị tâm trạng háo hức kéo dậy. “Không thể vì say sóng mà bỏ lỡ chuyến thăm đảo An Bang” – tôi thầm nghĩ.
Thời tiết thay đổi, sóng lớn và mưa nên đoàn đại biểu hạn chế di chuyển lên đảo. Tàu 571 neo cách đảo An Bang khoảng chừng 1 hải lý. Mặc vội chiếc áo mưa tôi men theo hành lang đi xuống xuồng đang cập sát mạn tàu. Con xuồng bé nhỏ như chiếc lá, tiếp cận tàu trong những cơn sóng dồn dập. Sóng chồm lên, rồi lại ép xuống, như muốn dúi con xuồng xuống biển.
Ở trên xuồng trong trạng thái bập bềnh liên tục, các chiến sĩ phải hết sức tập trung, vừa giữ thăng bằng, vừa nhanh chóng hỗ trợ người lên xuống và vận chuyển hàng hóa. Tiếng hô giục nhau cẩn thận át cả tiếng động cơ và tiếng sóng xô mạn tàu: “Chú ý bước chân xuống… đỡ lấy tay tôi. Xuống ngay…”. “Tất cả không được đưa tay ra ngoài…”. Thời tiết không ủng hộ và cũng không chờ đợi ai vì vậy ai nấy cũng tất bật, khẩn trương.
Ngay khi ổn định chỗ ngồi, tôi đưa mắt nhìn quanh và nhận ra nhiều người mặt đã sầm lại vì say sóng. Để vào đảo An Bang, xuồng chuyển tải đoàn công tác phải được kéo bằng một xuồng máy khác. Xuống kéo khi đến gần bãi cát sẽ đột ngột rẽ để xuồng chuyển tải lao vào bờ theo quán tính. Đây là đặc điểm chỉ có riêng An Bang mới có vì cầu cảng nơi đây đã hỏng, chỉ có lối lên duy nhất là bãi cát.
Trong cơn say sóng, tôi loáng thoáng nghe có đồng chí hô lên: “Mọi người bám chắc, từng có trường hợp xuồng chuyển tải bị lật úp khi tiếp cận bờ”.
Đảo ngay trước mắt, nhưng xuồng của đoàn công tác chạy mãi vẫn chưa vào bờ. Con sóng lớn cuộn lên đứng ngay trước mặt, thách thức xuồng chúng tôi lao đến. Một tay ghì chặt người vào phía một người bạn, một tay ôm chặt chiếc máy ảnh, tôi nghiến răng, chân ghim xuống sàn trong thế tấn, chuẩn bị tinh thần đáp trả lời thách thức. Rồi chiếc xuồng ập tới, cắt sóng, nhô lên cao rồi hạ xuống ngay lập tức. Cứ thế qua 2-3 con sóng, tôi nghĩ bản thân không còn chịu được nữa. “Ói mất” – tôi nói qua kẽ răng.
An Bang là hòn đảo mang đặc điểm, tính chất khí hậu, thủy văn của quần đảo Trường Sa. Thời tiết nơi đây khắc nghiệt, nhiều nắng nóng nhưng cũng nhiều ngày giông tố lớn. Từ xa, đoàn chúng tôi đã nhìn thấy một trung đội đang đợi sẵn để tiếp đón, tôi vui mừng chỉ chờ đến giây phút được đặt chân lên đảo.
Ngay khi xuồng vào gần bãi cát, một đồng chí thủy thủ ném dây thừng về phía đảo, các chiến sĩ trên đảo lao tới, túm chặt lấy dây rồi ra sức kéo vào phía bờ. Các chiến sĩ hỗ trợ người và hàng hóa xuống xuồng hết sức khẩn trương. Hơn nửa tiếng để cập bến đảo, vượt qua thử thách, tôi dịu lòng khi nhìn thấy những nụ cười chào đón của các chiến sĩ trên đảo.
Do địa hình tiếp cận khó khăn, nên đảo đã huy động lực lượng lớn các cán bộ, chiến sĩ để kéo thuyền vào bờ khi đoàn công tác lên thăm. Cán bộ chiến sĩ đảo An Bang hỗ trợ đoàn công tác tiếp cận bờ. Ảnh: Minh Ánh
Tác giả Minh Ánh trên hải trình ra Trường Sa.
An Bang vươn lên từ biển khơi, ruộm vàng nắng gió
Sau những cơn say sóng và một loạt thử thách, An Bang trong tôi bỗng dịu dàng đến lạ. Mùi của biển cả, mùi của cỏ cây và mùi của những gian phòng khiến tôi đắm chìm trong một chuỗi cảm xúc. Vừa thân thương nhưng cũng hết sức ấn tượng.
Dù phải hứng chịu những bất lợi từ thiên nhiên với những trận giông tố, bão bùng, nhưng giữa màu xanh của biển cả, của mây trời, An Bang vẫn đẹp dịu dàng với màu xanh tốt tươi của bàng vuông và nhiều loại cây trồng trên đảo. Thêm nữa, dưới chân đảo cũng có một bãi cát san hô di chuyển theo mùa chạy vòng quanh đảo. Có một chiến sĩ giới thiệu nhanh cho tôi rằng, khi bãi cát chạy hết vòng là cũng vừa tròn một năm…
Thấy đoàn công tác ướt hết cả, một đồng chí tiến lại gần và mời chúng tôi dùng trà nóng, bố trí quạt điện để giúp chúng tôi hong khô quần áo. Hỏi ra mới biết, An Bang thiếu đủ thứ, dòng diện đang chạy qua chiếc quạt cây nhỏ cũng là nguồn điện mà các cán bộ, chiến sĩ trên đảo dành dụm. Vì sự hiếu khách và trân trọng tình cảm của đoàn công tác mà cán bộ chiến sĩ ai nấy cũng đều dành sự đối đãi tốt nhất cho chúng tôi.
Đời sống vật chất tuy có thiếu thốn nhưng tư tưởng cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang luôn xác định sẵn sàng nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Nói về công tác chăm sóc đời sống cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo, Đại úy Phan Văn Anh – Chính trị viên đảo An Bang cho biết, ngoài việc được nhận các đồ cung ứng của các cấp hàng tháng, hàng quý, cán bộ chiến sĩ đảo An Bang còn trồng rau xanh, tạo lương thực thực phẩm phục vụ cho đời sống hàng ngày. Các giống cây trồng trên đảo cũng đều xuất phát từ các hạt giống mà các đoàn công tác tặng cho cán bộ chiến sĩ trên đảo.
Chỉ có 1 giờ đồng hồ chúng tôi lưu lại trên đảo. Chào tạm biệt các chiến sĩ, chúng tôi men theo con đường bê tông nhỏ, trở lại bãi cát để chờ xuồng chuyển tải quay trở lại.
Một đồng chí thấy tôi mặt chùng xuống liền ân cần hỏi: “Sao chị buồn thế, chị vẫn còn say sóng sao?”. Tôi cười và đáp: “Không, thấy yêu đảo An Bang quá nên muốn ở thêm với các anh”. Cứ thế qua cuộc trò chuyện, các chiến sĩ hồ hởi hẹn chúng tôi một ngày gặp lại, có chiến sĩ đùa rằng tôi có thể ở lại luôn cũng được. Quả thật, rất khó để quên được nụ cười tươi giòn của những chàng trai nơi biển cả thật rắn rỏi và trẻ trung.
Lên xuồng, chúng tôi hướng trở lại tàu HQ 571, những con sóng vẫn mãnh liệt như thế…
Giữa màu xanh của biển cả, của mây trời, An Bang đẹp dịu dàng với màu xanh tốt tươi của bàng vuông và nhiều loại cây trồng trên đảo. Đời sống vật chất tuy có thiếu thốn, nhưng tư tưởng cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang luôn xác định sẵn sàng nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Laodong.vn