Bóng đá trẻ – chuyện muôn thuở
Trong đêm đội tuyển Qatar thắng Jordan để vô địch Asian Cup 2023, ở đâu đó đã có những tiếng thở dài cho… bóng đá Việt Nam. Đó là bởi, người hâm mộ có lẽ vẫn chưa quên hồi ức ở Thường Châu năm nào, khi U.23 Việt Nam đánh bại U.23 Qatar của Akram Afif, Almoez Ali để hiên ngang vào chung kết, tạo ra câu chuyện đầy cảm hứng.
Sau 6 năm, Afif và Ali đã cùng nhau 2 lần vô địch Asian Cup, cùng Qatar quật ngã một loạt ông lớn châu lục. Trong khi phần lớn “người hùng Thường Châu” năm nào của bóng đá Việt Nam đã chững lại hoặc đi xuống, ở độ tuổi đáng ra những cầu thủ này (26 đến 28 tuổi) phải đang ở đỉnh cao.
Tuy nhiên, đó là những tiếng thở dài chẳng đáng có vào ngày đầu năm vì hai lý do. Thứ nhất, lứa U.23 Qatar bại trận trước U.23 Việt Nam năm 2018, thực ra chỉ còn sót lại Afif, Ali, Barsham, Basham Al-Rawi, và Sultan Al-Braik trong danh sách dự Asian Cup 2023.
Trong đó Afif và Ali là trụ cột, thủ môn Barsham cũng đóng vai trò quan trọng, nhưng 6 năm trước anh chỉ ngồi dự bị. 2 cái tên còn lại cũng dự bị ở Asian Cup. Những cầu thủ còn lại của U.23 Qatar đã đi đâu? Câu trả lời cũng giống những người hùng Thường Châu của U.23 Việt Nam. Họ vẫn chơi bóng, nhưng không phát triển như ý.
6 năm là quãng thời gian rất dài để thay đổi một cầu thủ, một thế hệ, hay xa hơn là vận mệnh của một đội tuyển. Hãy lật lại vấn đề: Việc tỏa sáng ở cấp độ trẻ, trưởng thành rồi sau đó trở thành trụ cột ở đội tuyển quốc gia, phải chăng là điều hiển nhiên với một cầu thủ? Chắc chắn là không. Nếu có cầu thủ như vậy, xin chúc mừng, anh ta là một trong số không nhiều cầu thủ làm được điều đó.
Mà ngược lại, trong bóng đá, có khi chuyện cầu thủ phát tiết tinh hoa khi còn trẻ để rồi tàn lụi khi trưởng thành, hoặc cầu thủ mờ nhạt khi còn trẻ nhưng sau đó lại tỏa sáng ở đội tuyển quốc gia… lại phổ biến hơn.
Trên bình diện châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc là những cường quốc đào tạo nhân tài. Nhưng lứa U.20 Hàn Quốc từng lọt vào chung kết U.20 World Cup 2019, đến nay chỉ còn 2 cầu thủ được gọi đá Asian Cup (trong đó chỉ có Lee Kang-in là ngôi sao thực thụ).
Hay khi HLV Philippe Troussier còn dẫn dắt U.20 Nhật Bản lọt vào chung kết U.20 World Cup 1999, ông cũng chỉ giữ lại 6 cầu thủ để đôn lên đội Olympic Nhật Bản sau đó 1 năm, rồi lại chỉ lấy tiếp 6 nhân tố của đội Olympic đôn lên đội tuyển quốc gia.
Với bất kỳ lứa cầu thủ nào, việc sau đó chọn lọc được khoảng 2, 3 gương mặt là trụ cột đội tuyển, đó đã là thành công lớn. Với Qatar, dù đào tạo cả nghìn con người cũng chỉ lọc ra Afif và Ali từ lứa U.23 năm ấy, nhưng thế là quá đủ nếu nhìn sang Uzbekistan – nhà vô địch U.23 châu Á nhưng giờ được mấy người ở đẳng cấp châu Á. Với Hàn Quốc hay Nhật Bản, tỷ lệ cũng chẳng cao hơn là bao.
Đó là sự khắc nghiệt của bóng đá. Có cầu thủ trẻ giỏi chỉ là bước đầu. Việc của nền bóng đá ấy không phải là biến toàn bộ lứa trẻ này trở thành ngôi sao, mà là tạo ra môi trường giàu tính cạnh tranh, hiện đại để mọi cầu thủ (chứ không riêng lứa cầu thủ ấy) phát huy tối đa năng lực.
Quy luật thịnh suy
Sáng 12.2, Olympic Brazil đón nhận cú sốc khi thua 0-1 trước Olympic Argentina. Sau 2 kỳ đại hội liền đều giành ngôi vô địch, Brazil sẽ vắng mặt ở môn bóng đá nam Thế vận hội. Bất ngờ không? Nếu những ai theo dõi bóng đá trẻ, câu trả lời chắc chắn là không.
Thực ra, vô địch liền 2 kỳ Olympic như Brazil làm được trước đây mới thực sự là bất ngờ, bởi đảm bảo sự thống trị ở “địa hạt” có quá nhiều biến động như bóng đá trẻ, luôn là cơn đau đầu với mọi nền bóng đá.
Cũng như nhiều nền bóng đá khác, bóng đá Việt Nam từng có một lứa cầu thủ vàng. Dẫu cái “vàng” của chúng ta còn khiêm tốn khi mới chớm ở tốp 15 châu Á, nhưng cũng được xem là kỳ tích với hệ thống bóng đá còn nhiều điều chưa chuyên nghiệp, cơ sở vật chất, sân bãi nhiều CLB không đảm bảo, số cầu thủ xuất ngoại thành công cực ít ỏi.
Tuy nhiên, khi thời của lứa tài năng ấy đã trôi qua rồi, nền bóng đá ấy không nên vấn vương hay nuối tiếc quá khứ. Đừng nói câu “Giá như”. Và cũng đừng đặt áp lực phải có một lứa “vàng” khác thay thế ngay lập tức.
Bóng đá Việt Nam cần củng cố nền móng, tức là khâu đào tạo con người trước, nâng tầm nội lực CLB cũng như giải trong nước… Đó mới là gốc rễ của nền bóng đá. Gốc rễ chắc chắn rồi, mới có thể tính toán đến phần ngọn, đó là kết quả. Còn nếu cứ nhìn ngọn đoán gốc, thụ động chờ thành tích giải trẻ như cơn mưa “tưới tắm” vào nền bóng đá vốn chưa bền được cái gốc, giấc mơ World Cup sẽ còn rất xa vời.