“Khách Tây đón Tết ta” tập hợp những chia sẻ thú vị của du khách nước ngoài về ngày Tết truyền thống Việt Nam. Ban đầu họ bỡ ngỡ với Tết Việt bởi sự khác biệt văn hoá, nhưng lâu dần, những phong tục ý nghĩa, những đặc sản “ăn một lần nhớ mãi” và những tình cảm đong đầy, ấm áp của người Việt đã khiến các vị khách Tây thích thú tận hưởng Tết Việt Nam.
Ngày cuối năm, dù bận rộn với công việc kinh doanh và các lịch trình quay video cho đối tác, chị Sofia vẫn dành thời gian trang trí căn hộ nhỏ, mua thêm cây mai, lọ hoa, tự tay chọn từng chiếc bao lì xì để dành tặng con gái, bố mẹ chồng, bạn bè…
Đây là năm thứ 6 chị Sofia (30 tuổi, quốc tịch Ukraine) đón Tết truyền thống tại Việt Nam. Cô nữ sinh Ukraine từng “sốc nhẹ” với Tết Việt, giờ đây đã trở thành người vợ, người mẹ, người con dâu đảm đang, thuần thục làm chả nem, xếp mâm ngũ quả, thích đi chùa đầu năm, nhận lì xì, diện áo dài… và đam mê chia sẻ khoảnh khắc ngày Tết bên gia đình trên kênh Tiktok gần 900.000 người theo dõi. Những video chia sẻ về ẩm thực, phong tục tập quán, cảnh đẹp Việt Nam của vợ chồng chị Sofia thu hút rất nhiều người xem.
“Mỗi năm đón Tết truyền thống tại Việt Nam, mình đều có những kỷ niệm đáng nhớ. Mỗi mùa Tết là những cung bậc cảm xúc khác nhau”, chị Sofia chia sẻ.
Tết Nguyên đán 2024, thay vì về quê nội của ông xã đón Tết, vợ chồng chị Sofia – anh Phan Vũ Sơn (32 tuổi, quê Nam Định) quyết định bay từ TP.HCM ra Nha Trang. Bố mẹ và em trai anh Sơn sẽ bay từ Hà Nội vào thành phố biển này. Cả gia đình sum vầy vừa đón Tết vừa du lịch, nghỉ dưỡng. Nha Trang cũng là thành phố cặp đôi gắn bó 2 năm. Họ muốn dành chuyến nghỉ Tết này để quay nhiều video về vẻ đẹp, ẩm thực, con người Nha Trang, giới thiệu tới gần 900.000 người theo dõi.
“Bé Alice, con gái mình vừa vào TP.HCM sống nên gia đình lo lắng, bé khó thích nghi với thời tiết lạnh tại Hà Nội cũng như việc di chuyển xa, đông đúc ngày giáp Tết. Cả nhà quyết định đón Tết khác đi một chút để đảm bảo sức khỏe cho con. Năm 2025, chắc chắn cả nhà sẽ lại về miền Bắc đón Tết”, anh Sơn và chị Sofia cho biết.
Chị Sofia từng là sinh viên Đại học tổng hợp Kiev (Ukraine). Năm đó, thích thú với khoa Tiếng Việt mới mở tại trường, chị Sofia đăng ký theo học.
Đầu năm 2013, chị Sofia có 6 tháng sang Việt Nam học tập theo dạng trao đổi sinh viên. “Chân ướt chân ráo” tới một quốc gia châu Á xa lạ vào đúng dịp cận Tết, cô nữ sinh Ukraine “chết lặng” với khung cảnh vắng vẻ, hàng quán “cửa đóng then cài”.
“Mình thấy rất kỳ lạ. Vừa tới Hà Nội, mình chưa có bạn bè để hỏi thăm họ. Gần một tuần chuyển tới căn hộ, mình lúng túng, khó khăn khi muốn tìm mua đồ dùng cá nhân, đồ ăn. Mãi sau này mình mới biết, người dân Việt Nam nghỉ ngơi, về quê đón Tết”, chị Sofia nhớ lại.
Thời gian du học ở Việt Nam không quá dài nhưng chị Sofia đã rất yêu thích văn hóa người Việt. Năm 2014, khi trở về Kiev, qua giới thiệu của bạn bè, chị Sofia biết tới anh Sơn – chàng trai Việt Nam đang học ngành Quan hệ Quốc tế cùng trường.
Lần đầu gặp, anh Sơn và chị Sofia đều có ấn tượng tốt về nhau. Chị Sofia thích chàng trai Việt vì sự ân cần, chu đáo, lãng mạn còn anh Sơn bị thu hút bởi đôi mắt trong veo và ngoại hình xinh xắn của cô gái Ukraine. Biết Sofia đang học tiếng Việt và muốn tìm hiểu văn hóa Việt Nam, anh Sơn nhiệt tình giúp đỡ ngay.
Sau nửa năm tìm hiểu, họ chính thức ngỏ lời yêu. Nhưng cũng từ đây, cặp đôi Việt – Ukraine phải yêu xa. Họ cùng học lên hệ thạc sĩ nhưng anh Sơn sang Đức học tiếp còn chị Sofia tới Việt Nam. Tình yêu của cặp đôi chủ yếu là những “cuộc hẹn hò qua điện thoại, xuyên châu lục”.
Nhờ có bạn trai là người Việt Nam, quá trình học thạc sĩ của chị Sofia thuận lợi hơn rất nhiều. Anh Sơn như “thầy giáo riêng”, dạy bạn gái nói tiếng Việt, văn hóa, thói quen, cách nấu món Việt…
Năm 2018, sau 4 năm yêu nhau, cặp đôi tổ chức đám cưới. Hôn lễ của cặp đôi được tổ chức ở cả Kiev lẫn Việt Nam. Năm 2019, anh Sơn và chị Sofia quyết định về Nha Trang sinh sống và lập nghiệp.
“Chúng mình là gia đình đa văn hóa nên rất thích khám phá những điều mới mẻ, thích thay đổi môi trường sống. Sau 2 năm ở Nha Trang, cả nhà chuyển ra Hà Nội sống 2 năm rồi tiếp tục chuyển vào TP.HCM. Có thể chúng mình sẽ tiếp tục thay đổi để tìm kiếm những nguồn cảm hứng mới”, gia đình này chia sẻ.
Tết Nguyên đán năm 2019 là lần đầu tiên chị Sofia trải nghiệm đón Tết truyền thống cùng gia đình chồng tại Việt Nam.
Để hòa hợp với văn hóa của quê hương chồng, chị Sofia tìm hiểu và học từ những điều nhỏ bé nhất, ví dụ như thói quen, trước khi dùng bữa, con cháu phải mời ông bà, bố mẹ ăn cơm. Anh Sơn cùng vợ tập làm một số món ăn truyền thống như canh măng, chả nem để… nàng dâu trưởng dễ dàng “lấy lòng” đại gia đình chồng.
“Mình nhớ ngày Tết năm đó, cả gia đình về quê, cùng dọn dẹp, nấu ăn, đi chọn mua hoa, thăm bà con. Ngày mùng 1, cả nhà xúng xính áo dài rất đẹp, đi chùa cầu may, không khí rộn ràng, hạnh phúc”, chị Sofia kể.
Lần đầu thử bánh chưng, chị Sofia hơi e ngại. Cô dâu ngoại quốc không nghĩ món bánh kết hợp từ gạo, đỗ, thịt lợn lại hấp dẫn được mình. “Thật không ngờ, bánh rất dẻo, thơm và ngon. Tết nào mình cũng tăng cân vèo vèo vì ăn bánh chưng”, chị Sofia cho hay.
Năm đầu tiên về quê chồng ăn Tết, chị Sofia “choáng váng” vì tới thăm nhà ai cũng được mời ăn cơm. Trong bữa ăn, mọi người thích thú hỏi chuyện cô cháu dâu ngoại quốc và gắp đầy các món giò, chả, thịt gà… mời chị Sofia. “Ban đầu mình thấy lạ lẫm lắm vì ở nước mình mọi người không gắp thức ăn mời nhau. Nhưng sau này, mình dần quen. Mình vui vẻ đón nhận và cũng gắp miếng ngon mời mọi người”, chị kể.
“Ở Ukraine mình chỉ đón Giáng sinh và Tết Dương lịch. Ngày Tết, mọi người chủ yếu nghỉ ngơi bên gia đình nhỏ, đi chơi cùng bạn bè. Ở Việt Nam, Tết là ngày đại gia đình, họ hàng sum vầy, không khí rộn ràng, ấm áp tình thân hơn rất nhiều”, nàng dâu ngoại quốc chia sẻ cảm nhận.
Anh Phan Sơn cũng cho biết, bản thân anh sinh ra ở Ukraine. Tới năm 4 tuổi, anh lần đầu được về Việt Nam ăn Tết. Quá thích thú với không khí ngày Tết quê hương, cậu bé năn nỉ bố mẹ cho ở lại sống cùng ông bà, cô bác. “Vì mê Tết Việt mà mình ở lại Việt Nam 7-8 năm. Mãi tới khi lên cấp 2, mình mới quay về Ukraine”, anh Sơn kể.
Khoảng 3 năm nay, vợ chồng anh Sơn và chị Sofia có thêm một công việc mới, bên cạnh kinh doanh đồ chơi giáo dục, đó là chia sẻ cuộc sống gia đình đa văn hóa trên Tiktok.
Ban đầu, họ coi đó như một cách để giải trí, lưu lại kỷ niệm của hai vợ chồng và bé Alice. Tuy nhiên, những video của cặp chồng Việt – Ukraine đã nhận được nhiều sự yêu thích từ cộng đồng mạng, thu hút “triệu view” bởi sự hài hước, đáng yêu của bé Alice, sự chịu khó, cố gắng học hỏi văn hóa Việt của chị Sofia.
“Bây giờ, ngoài chia sẻ những khoảnh khắc kỷ niệm của gia đình, vợ chồng mình muốn thông qua kênh Tiktok để giới thiệu những nét văn hóa, ẩm thực, cảnh đẹp của Việt Nam tới bạn bè trong và ngoài nước”, chị Sofia chia sẻ.
Để nội dung kênh đa dạng, phong phú, cặp đôi đến nhiều vùng đất hơn, học cách nấu các món ngon đặc sản như chả cá Lã Vọng, lươn, bún chả, canh chua… Loạt video “Chồng Việt mua đồ ăn sáng cho vợ Tây” của cặp đôi cũng hút hàng triệu lượt xem. Khán giả thích thú khi xem chị Sofia ăn ngon lành xôi xéo, bánh dày giò, bún phở, vịt quay…
“Tết này, gia đình mình sẽ quay thêm những video ngày Tết ở Nha Trang, giới thiệu mọi người cảnh đẹp thành phố biển và những hoạt động đón Tết của gia đình mình như Sofia cùng mẹ chồng nấu món Việt, Alice mặc áo dài, chúc Tết ông bà và nhận lì xì…”, cặp đôi chia sẻ.
“Điều tuyệt vời nhất trong văn hóa Tết truyền thống của người Việt là tình cảm gia đình. Chúng mình muốn lan tỏa điều đó để mọi người cùng cảm nhận được phần nào sự ấm áp, hạnh phúc”, chị Sofia chia sẻ.
Bài viết: Linh Trang – Thiết kế: Nguyễn Ngọc
Vietnamnet.vn