1.Năm hết Tết đến. Tâm lý chung của tất cả mọi người, dù thế nào, dù vừa trúng độc đắc, dù thất nghiệp không một xu sắm Tết nhưng rồi bất kỳ ai cũng thở phào nhẹ nhõm: “Tết đến rồi”. Tết, từ ngàn xửa ngàn xưa đến nay, dù nhân loại có trải qua hình thái kinh tế – xã hội thế nào thì tâm trạng của con người ta bao giờ cũng giống nhau, vẫn là nỗi niềm hân hoan, là ước vọng: “Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa/Sáng mồng một, rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông phúc vào nhà”.
Được như thế, bây giờ người ta mới có thể “chill” một cách hào hứng nhất, còn có từ tương đương hiện nay ở lớp người trẻ là “bung xõa” – có thể hiểu nôm na là thư giãn, tận hưởng lấy mọi niềm vui cuộc sống; muốn như thế, lúc đó họ không chịu bất kỳ một áp lực gì cả. Bởi nếu lúc vui xuân chơi Tết, trong lòng còn cánh cánh điều gì đó, làm sao gọi là “chill”?
2.Có câu hỏi được đặt ra như thế này: “Tết chill trong mắt nhìn của người làm báo”, nói cách khác, với nhà báo sẽ “chill” thế nào đây? Một câu hỏi hết sức thú vị và hấp dẫn với bạn đọc. Để trả lời câu hỏi này, trước hết, cần thấy rằng, khác với mọi ngành nghề chung trong xã hội, nhà báo là người đeo đuổi cái nghề… “không giống ai”, dĩ nhiên đây là cách nói tự trào, có tính hài hước.
Thí dụ, dù cũng trong ngày Tết, cũng có mặt tại khu vui chơi, chợ Tết hoặc hội hoa Xuân… trong lúc mọi người đến đó với tư cách tiếp nhận, tham quan nét đẹp, mua sắm theo nhu cầu… còn nhà báo thì sao? Tất nhiên, nhà báo cũng thế, thế nhưng các sự vật/sự việc ở đó lại được thâu nhận ở nhiều góc độ khác nhau, chứ không chỉ ngắm nhìn, thích đâu tạt đó mà là sự quan sát có chủ đích.
Từ đó, họ phải tìm hiểu một cách thấu đáo, có như thế mới cung cấp thông tin chính xác và đầy đủ cho bạn đọc; hoặc bắt gặp sự vật/ sự việc thời sự nào đó cũng là cái cớ để nhà báo trình bày quan điểm, chính kiến của mình nhằm góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. Rõ ràng, khi vui xuân thì nhà báo cũng như mọi người nhưng lại khác ngay từ trong tâm thế. Điều này có phải bạn đọc yêu cầu? Không, bởi là nhà báo nên tự thân họ nhận thấy mình phải có trách nhiệm trước vấn đề nào đó. Vậy, yêu cầu đó là từ ý thức của nghề báo đã buộc họ như vậy.
Khi viết những dòng này, tôi sực nhớ đến nhà văn hóa, nhà báo Phan Khôi khi ông từ Quảng Nam vào làm báo tại Sài Gòn. Vào chiều ngày 30 Tết Kỷ Tỵ (năm 1929), ông đã đi chợ Tết như tất cả mọi người nhưng do là nhà báo nên ông còn phải “tác nghiệp” nữa. Các nhà báo hiện nay, ở thế kỷ XXI này nếu thật sự yêu nghề thì cũng thế thôi. Ở đây, tôi trích bài báo ông viết vào năm đó không chỉ vì còn có ý nghĩa thời sự mà còn cho thấy hễ là nhà báo thì bất kỳ ngày nào trong năm, kể cả Tết thì họ cũng đâu cho phép mình… nghỉ xả hơi.
Ông Phan Khôi viết: “Bữa ba mươi, đi chợ Tết thấy có một hàng các chú bán ròng những bức tượng giống nhau. Bức nào cũng vẽ cái “ông chi ăn ớt mặt đỏ gay”, bên kia một chú trẻ người mà đẹp trai, còn bên này một anh như Chà Và mà cầm “cái dao chém bánh xèo quá lớn”. Đây cũng như nhận xét của mọi người nhưng đã nhà báo thì không dừng lại ở phản ánh, ông Phan Khôi viết tiếp:
“Họ nói là tượng Quan Công, hay là Đức Quan Thánh đó. Thiên hạ mua như vỗ tay, trong một lát mà hết trơn hết trọi. Thế mới biết dân Nam Kỳ ta thờ Quan Thánh thật nhiều. Nghĩ mà lấy làm tội nghiệp cho cụ Trần Hưng Đạo. Cụ Trần Hưng Đạo đã là người An Nam ta, có công dẹp giặc cho nước nhà Nam, mà còn nói ra trung nghĩa, nói ra tướng tài thì cũng chẳng kém gì ông Quan Võ; cụ Hưng Đạo lại cũng từng hiển thánh ở Kiếp Bạc chẳng khác gì ông mặt đỏ kia hiển thánh ở núi Ngọc Tuyền. Ấy thế mà người An Nam ta chỉ có mấy vùng ở Bắc Kỳ thờ cụ mà thôi, còn mọi nơi khác chẳng có đâu thờ cụ hết, trở lại thờ ông thánh Quan là người ngoại cần câu đối với An Nam ta” (Báo Thần chung, Số Tết Kỷ Tỵ – 7/2/1929).
Vậy, khi du xuân chợ Tết trong tâm thế đó, thử hỏi các nhà báo có thể “chill” được không? Tôi nghĩ rằng không. Bởi như ta đã biết, đặc thù của nghề báo vốn thế, trong cuộc sống bề bộn thông tin, thậm chí thông tin diễn ra chóng vánh, họ có thể thờ ơ, “bịt tai nhắm mắt” để tận hưởng với thư giãn của sự “bung xõa”?
Không thể.
3. Nói như thế, nhà báo lúc nào cũng bận rộn với công việc, kể cả ngày Tết? Khẳng định như thế nào còn tùy thuộc vào tâm thế, phép ứng xử với nghề. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, để có thể “chill” ngày Tết, tôi nghĩ rằng, bất kỳ nhà báo nào cũng mong muốn một cái Tết diễn ra thật bình yên, an lành, tức là trong xã hội không có những “sự cố” mà dù muốn dù không nhà báo phải lập tức tác nghiệp. Tôi biết có những đồng nghiệp với đối mặt với tình huống mà người nhà lẫn bạn bè ngạc nhiên. Rằng, ngay khi vừa về đến quê nhà nghỉ Tết, đã có thể ung dung với gia đình nhưng rồi anh bạn tôi lại tất tả… rời khỏi nhà.
Tại sao thế?
Đơn giản chỉ vì ngay lúc ấy, anh được báo tin là vừa xảy ra sự việc nghiêm trọng. Ấy là ở xóm nọ vừa rộ lên những tràng pháo đinh tai nhức óc, bất chấp quy định cấm đốt pháo mà Chính phủ đã ban hành. Với người bình thường, có thể chỉ nghe để mà nghe, buông vài câu bình luận rồi tiếp tục “chill” mà không ai phàn nàn. Nhà báo thì không thể. Chuyện vừa xảy ra có thể tòa soạn không biết, không phân công phải “tác nghiệp” kịp thời phản ánh lên mặt báo nhưng rồi với trách nhiệm nhà báo thì làm sao có thể dửng dưng đứng ngoại cuộc?
Vậy, trong ngày Tết ngày Xuân, nhà báo có thể “bung xõa”, thư giãn tận hưởng mọi thú vui như biết bao người khác hay không? Tôi nghĩ là khó lắm. Dù không ai cấm họ có quyền “xả láng sáng về sớm”, tắt máy điện thoại, mặc tình vui chơi tùy thích, sáng xỉn chiều say… nhưng họ cũng phải tự ý thức nhiệm vụ của mình. Vì thế, khi nói, nhà báo nào cũng mong muốn một cái Tết diễn ra thật bình yên, an lành, tức là trong xã hội không có những “sự cố” – tức là khi đó họ mới có thể bình tâm vui chơi thỏa mái như mọi người khác.
Bạn có đồng ý không?
4. Cách làm báo hiện nay đã khác xưa. Công nghệ thông tin đã hỗ trợ cho nhà báo nhiều thuận lợi hơn trong nghề nghiệp. Do đó, để nhà báo có thể “chill” theo ý mình, điều mong ước trong thời buổi này của họ là gì nhỉ? Tôi nghĩ chính là họ luôn mong muốn “thông suốt đường truyền”, thông tin liên lạc ngon lành để có thể xử lý mọi tin bài thời sự trong những ngày thư giãn cùng Tết.
Còn nhà báo nghĩ về Tết “chill” của tất cả mọi người thế nào? Thiết tưởng cũng là mơ ước trong tâm thế chung của xã hội, vẫn là nghĩ về một đời sống sung túc, bình yên, thu nhập ổn định để được hòa nhịp vào niềm vui chung cả nước trẩy hội đón Xuân.
Lê Minh Quốc