Chúng ta có rất nhiều con đường để đi tới cái đích nói trên, song không thể không có những doanh nhân giỏi, doanh nghiệp mang tầm thế giới. Chính họ với “bệ phóng” quyết tâm đổi mới, sáng tạo của Đảng, Nhà nước trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ định vị được thương hiệu Việt Nam trên toàn cầu – một quốc gia kiên định con đường Xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế bền vững, ổn định chính trị, vì hạnh phúc, thịnh vượng của người dân.
Khát vọng hùng cường
Năm 2023, chúng ta thực sự “ngấm đòn” khó khăn, thách thức. Chính trị thế giới bất ổn, xung đột nổ ra tại nhiều khu vực; lãi suất tăng cao, cầu sụt giảm… nền kinh tế nhiều quốc gia rơi vào suy thoái. Trong nước, dù đã rất nỗ lực, nhưng như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thẳng thắn đánh giá, cùng với những kết quả đạt được thì vẫn còn những hạn chế như tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra; ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc do phải chịu nhiều áp lực từ bên ngoài; tiếp cận tín dụng còn khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu có xu hướng tăng; các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn rủi ro; du lịch quốc tế phục hồi chậm…
Tuy nhiên nhờ sự chủ động, linh hoạt trong điều hành, chúng ta đạt được một số kết quả tích cực. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới. Đặc biệt, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỉ USD, tăng 1 bậc lên vị trí 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Việt Nam cũng được đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập niên qua, theo báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) năm 2023.
Thương hiệu quốc gia không chỉ được định vị bởi các chỉ số nói trên, 2023 là năm đặc biệt thành công trên mặt trận đối ngoại. Các chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình – hai cường quốc hàng đầu thế giới – đã chứng minh vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Đúc kết lại, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta…”.
Đổi mới, sáng tạo là then chốt
Vấn đề quan trọng hơn cả là năm 2024 chúng ta cần làm gì để lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ và nhìn chặng đường dài hơn thì giải pháp nào để phát triển bền vững, thịnh vượng? Xét về xu hướng hiện nay trên thế giới, đổi mới sáng tạo được đánh giá là một trong những chỉ số phát triển quan trọng, là yếu tố định hướng trung tâm phát triển của mỗi quốc gia. Nằm trong số những quốc gia có quyết tâm cao về đổi mới sáng tạo, Việt Nam đã có nhiều biện pháp đầu tư nâng cao các chỉ số đổi mới, như xây dựng các nền tảng công nghệ số quốc gia trên các lĩnh vực từ nền tảng chia sẻ, tổng hợp, phân tích dữ liệu trong các ngành, họp trực tuyến, thanh toán, định danh đến thiết bị Internet vạn vật (IoT), AI, trợ lý ảo, chuỗi cung ứng…
Song, đổi mới sáng tạo của chúng ta cũng còn nhiều hạn chế. Đơn cử việc thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được thực hiện từ 10 năm nay với nhiều chương trình, đề án nhưng chúng ta vẫn có ít những doanh nghiệp unicorn (kỳ lân – định giá trên 1 tỉ USD). Vì vậy, chúng ta cần có ngay chính sách hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo, tập trung vào các mục tiêu hỗ trợ vốn cho các hoạt động đổi mới công nghệ; mở rộng hình thức hỗ trợ tài chính cho dự án đổi mới công nghệ; từng bước thực hiện bảo lãnh vay vốn bằng công nghệ cho doanh nghiệp có thể vay vốn từ các ngân hàng thương mại…
Bên cạnh đó, đổi mới và sáng tạo cần có một nền giáo dục có chất lượng cho tất cả mọi người. Hệ sinh thái đổi mới mở phải bao gồm các trường đại học, viện nghiên cứu, các ngành công nghiệp đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp khởi nghiệp… Trong đó, các trường đại học giữ vai trò trung tâm, kết nối thông qua các hoạt động hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, có tiềm năng đổi mới sáng tạo; đào tạo các thế hệ nghiên cứu mới, giàu tiềm năng và nhiệt huyết; gắn kết giữa nhu cầu đổi mới sáng tạo và các sản phẩm đầu ra tại các doanh nghiệp, luân chuyển nguồn nhân lực giữa các trường đại học với các công ty, doanh nghiệp.
Cùng với đó, để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, hoạt động đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới phải đáp ứng các yêu cầu số hóa và chuyển đổi số; yêu cầu tăng trưởng xanh và bền vững. Câu chuyện của Vinfast cũng sẽ gợi mở cho chúng ta nhiều điều về một doanh nghiệp thay đổi mạnh mẽ và mang khát vọng dân tộc. Chúng ta cần phải có nhiều hơn những doanh nghiệp tiên phong, dám “bơi ra biển lớn” và đối đầu với thách thức, cạnh tranh toàn cầu.
Lẽ tất nhiên, để quốc gia thịnh vượng, hùng cường thì nhà nước cần phải phát huy vai trò đối với mục tiêu đó. Chính phủ cần tạo ra một hệ sinh thái giúp cộng đồng doanh nghiệp có thể phát triển mạnh mẽ. Cụ thể, phải tạo ra một thể chế nền kinh tế thị trường thực sự minh bạch, thực sự có lợi, thực sự an toàn cho các doanh nhân. Cần đẩy nhanh hoàn thiện, cải cách và nâng cao chất lượng thể chế cũng như thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Đổi mới thể chế, trong đó đổi mới tư duy về thể chế, tư duy quản lý nhà nước phải đi đầu… tức là phải đổi mới tư duy lãnh đạo và tầm nhìn của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Và mọi đổi mới, cải cách cũng phải được bắt đầu từ những người có khát vọng, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Việt Nam là dân tộc hiếu học, cần cù, thông minh, chịu khó, chỉ cần chủ trương đúng, triển khai quyết liệt, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, cùng đoàn kết vì một mục tiêu hùng cường, thịnh vượng, chắc chắn chúng ta sẽ sớm đi tới đích.
Ngôi sao sáng trên bầu trời kinh tế thế giới
Việt Nam là ngôi sao sáng trên bầu trời kinh tế thế giới, kinh tế duy trì ổn định, tốc độ tăng trưởng khả quan trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động mạnh, nhiều rủi ro, chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Chính sách điều hành kinh tế – xã hội hiệu quả đã giúp Việt Nam sớm kiểm soát dịch bệnh Covid-19, chuyển nhanh sang mở cửa nền kinh tế. Việc thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ rất phù hợp, giúp Việt Nam duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn vừa qua. Thời gian tới, IMF sẽ tiếp tục có những giải pháp nhằm giúp các nền kinh tế thành viên tăng cường khả năng chống chịu trước các cú sốc trong tương lai. Trước xu thế phân mảnh của kinh tế thế giới hiện nay, IMF mong muốn ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ phát huy vai trò kết nối các nền kinh tế và có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc thúc đẩy hợp tác toàn cầu, trên cơ sở những thành tựu tăng trưởng kinh tế đạt được dựa trên chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế.
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva
Cơ hội phi thường cho Việt Nam
Hiện nay là cơ hội phi thường cho Việt Nam. Việt Nam đã chuẩn bị tốt và đây là thời cơ của các bạn. Thời điểm cực kỳ tuyệt vời cho hai bên thiết lập quan hệ chiến lược, AI và chip – cả hai ngành mang tính sống còn cho sự phát triển thịnh vượng của các quốc gia. Việt Nam là đối tác của Nvidia. Chúng tôi sẽ mở rộng hơn nữa mối quan hệ đối tác đã có sẵn với Việt Nam, đương nhiên sẽ đóng góp cho AI Việt Nam trong tương lai. Chúng tôi cam kết để biến Việt Nam thành quê hương thứ hai và thành lập pháp nhân tại Việt Nam.
Ông Jensen Huang, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Nvidia (Tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới có giá trị thị trường gần 1.200 tỉ USD)
Mai Thu (ghi)