Bài thơ Gặp lá cơm nếp tôi viết giữa Trường Sơn, khoảng tháng 3 năm 1971, tới nay cũng đã 53 năm rồi. Thời gian trôi quá nhanh, nhưng bài thơ nhỏ thì còn lại. Và các em học lớp 7 đã và sẽ học bài thơ nhỏ ấy.
Lúc làm thơ dọc đường Trường Sơn mùa xuân năm 1971, tôi luôn có cảm giác như mình đang ghi nhật ký. Ngồi trên võng, lúc chờ cơm, hay khi vừa ăn cơm xong mà giờ hành quân tiếp chưa tới, đó là lúc có thể yên vị làm thơ.
Do sự thúc ép của thời gian, nên những bài thơ viết dọc đường Trường Sơn của tôi đều là những bài thơ ngắn. Chúng như những ánh chớp bất chợt lóe sáng trong đầu mình, và mình ghi những con chữ ra giấy, vào một quyển sổ tay nhỏ. Tôi quá tiếc là đã làm mất quyển sổ ghi thơ ấy ở một con kênh rạch nào đó tại vùng ven lộ 4 – Cai Lậy – Mỹ Tho.
Nhiều người hay thần thánh hóa chuyện làm thơ, nhưng theo tôi, làm thơ cũng là một loại lao động bình thường như mọi loại lao động khác, có khi còn nhẹ nhàng hơn, và dễ gây được cảm giác “tự sướng” hơn là những lao động khác.
Đi Trường Sơn, nhiều người hẳn còn nhớ một loại lá rừng, lính ta gọi là lá cơm nếp. Do mùi thơm đặc trưng của nó khi nấu lên, không khác với mùi thơm lá dứa, và gợi nhớ tới mùi xôi, mùi cơm nếp ở quê nhà ta.
Đơn vị tôi khá nhiều anh lính biết loại cây cơm nếp này, nên tìm nó không khó. Giữa Trường Sơn thì làm gì có nếp để nấu xôi, may mà có lá cơm nếp độn vào gạo thổi (nấu) lên, tự nhiên cơm có mùi… xôi, ăn cho đỡ nhớ những nồi xôi mẹ ta nấu cho ăn ở nhà.
Gặp lá cơm nếp
xa nhà đã mấy năm
thèm bát xôi mùa gặt
khói bay ngang tầm mắt
mùi xôi sao lạ lùng
mẹ ở đâu chiều nay
nhặt lá về đun bếp
phải mẹ thổi cơm nếp
mà thơm suốt đường con
ôi mùi vị quê hương
con quên làm sao được
mẹ già và đất nước
chia đều nỗi nhớ thương
cây nhỏ rừng Trường Sơn
hiểu lòng, nên thơm mãi
Tháng 3 năm 1971
Nhớ những buổi trưa, hành quân vừa tới trạm dừng nghỉ, thổi cơm ăn, thế nào cũng có anh lính nhà mình chạy trong rừng một lúc, là có lá cơm nếp cầm về. Những hăng-gô cơm được gia lá cơm nếp, cơm vừa chín tới thì mùi thơm cơm nếp cũng bay ra, không ngào ngạt, chỉ thoang thoảng, nhưng khiến lính ta ai cũng hít hà. Đó cũng là một cách “ăn vào hoài niệm”, mà ở đây, là hoài niệm một mùi thơm rất đỗi thân quen, rất đỗi quê nhà.
Khi chưa kết thúc chiến tranh, bài thơ nhỏ Gặp lá cơm nếp của tôi đã “vượt Trường Sơn” ra Hà Nội. Số là bản thảo tập thơ Dấu chân qua trảng cỏ của tôi, nhờ một người bạn làm báo vụ nhận lệnh từ chiến khu Nam bộ ra Bắc, mang giùm tận Hà Nội, và tới tay thầy má tôi. Thầy tôi quá mừng, đọc bản thảo viết tay tập thơ mà như thấy con mình về. Ông đã ngồi chép lại toàn bộ tập thơ (chữ ông cụ tôi rất đẹp, chứ không xấu như chữ tôi).
Rồi có một lần, một người bạn tù già của thầy tôi thuở cùng ở nhà đày Buôn Ma Thuột tới nhà chơi, thầy tôi đã chọn bài Gặp lá cơm nếp này cho người bạn tù đọc. Người bạn của thầy tôi khi đọc xong bài thơ đã khóc và nói: “Thằng con anh trung hiếu vẹn toàn”.
Sau ngày đất nước thống nhất, khi tôi ra Hà Nội, thầy tôi đã kể chuyện này cho tôi nghe. Tôi cho đó là lời khen cao nhất đối với mình. Nó còn cao hơn tất cả các giải thưởng về thơ mà sau này tôi được nhận.
Đừng bao giờ nghĩ “trung, hiếu” là những tiêu chí đạo đức thời phong kiến. Đó là phẩm chất tối thượng của con người trong mọi thời đại. Trung với nước, hiếu với dân, và hiếu với cha mẹ mình. Không có cha mẹ thì không có ta. Không có nhân dân thì không có đất nước. Còn không có đất nước thì không có tất cả.
Bao năm, tôi đã không chỉ lang thang qua chiến tranh, mà còn lang thang qua những cách sống, những quan niệm sống, những trải nghiệm sống. Tôi nghĩ, mình còn giữ được mình cho tới ngày hôm nay là nhờ hai chữ trung và hiếu.
Khi đứa con phải xa cha mẹ, phải gác lại chữ hiếu, là để hành chữ trung. Nhiều khi, trong những hoàn cảnh nhất định, phải có sự chọn lựa, và không thể cùng lúc đáp ứng cả trung và hiếu. Thầy má tôi hiểu điều ấy, và các cụ không trách gì tôi cả.
Tôi vốn là đứa rất ham vui, nhưng từ ngày thầy má tôi về lại quê Quảng Ngãi, thì tết năm nào cả gia đình tôi cũng về quê Đức Tân, Mộ Đức ăn tết với thầy má mình. Cho tới lúc ông bà cụ qua đời: cha mẹ ở đâu thì đó là nhà/quê hương mười mét vuông/nhưng đất nước rộng hơn (thơ Thanh Thảo).
Vâng, đất nước rộng hơn, và tôi đã may mắn gặp một biểu tượng nhỏ bé của đất nước mình, của quê hương mình, gặp một mùi thơm bình dị của loài lá rừng có tên gọi lá cơm nếp.
Mong và chúc các em học sinh lớp 7 hôm nay khi đọc và học bài thơ nhỏ bé này của tôi, sẽ cảm nhận được mùi thơm lá cơm nếp mà hơn nửa thế kỷ trước tôi đã cảm nhận giữa rừng Trường Sơn.
Tết Giáp Thìn 2024