Dưới mái nhà Rông truyền thống, dân làng vui đón xuân sang, cùng nhau tổ chức các lễ hội nhằm tạ ơn thần linh đã giúp họ có một vụ mùa bội thu, no đủ.
Mùa xuân – mùa của lễ hội
Nhà Rông là biểu tượng niềm tin, sức mạnh của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, đây cũng là nơi lưu giữ các vật linh thiêng của các buôn làng. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, dân làng lại cùng sum vầy dưới mái nhà Rông truyền thống. Bên bếp lửa bập bùng, các cô gái Jrai, Ba Na nắm tay nhau thực hiện những điệu múa xoang nhịp nhàng, uyển chuyển hòa vào tiếng cồng, tiếng chiêng rộn ràng của các thanh niên trai tráng mừng một năm mới may mắn, ấm no, hạnh phúc.
Từ bao đời nay, đối với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, mùa xuân luôn là mùa của lễ hội, của niềm vui. Những ngày này, tiếng cồng, tiếng chiêng luôn ngân vang giữa đại ngàn gắn kết con người với trời đất, với cộng đồng. Với mong ước một năm thuận lợi, cuộc sống sung túc, thóc lúa đầy kho, cứ vào dịp Tết, người đồng bào Ba Na ở làng Kte Kchăng, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) lại sửa soạn cùng nhau thực hiện nghi lễ cúng năm mới trong không khí rộn ràng, vui tươi.
Theo đó, Kte Kchăng là ngôi làng vùng sâu nhất của huyện Kông Chro với hơn 90% là người Ba Na sinh sống. Thế nhưng, về với ngôi làng vùng khó vào những ngày đầu năm mới, chúng tôi cảm nhận được không khí rộn ràng của mùa xuân đang len lỏi khắp các ngôi nhà sàn.
Trên con đường làng bê tông khang trang sạch đẹp, bà con đang hối hả quét dọn sạch sẽ, chung tay chuẩn bị lễ vật để thực hiện nghi lễ đặc biệt quan trọng – cúng năm mới. Nghi lễ khởi nguồn cho một năm bình an, đủ đầy, mùa màng tươi tốt giúp dân làng ấm no. Theo đó, dân làng Kte Kchăng sẽ tổ chức đón năm mới trong 3 ngày, đầu tiên là tổ chức tại nhà rông, sau đó tổ chức riêng từng hộ gia đình.
Theo anh Đinh Alenh – Bí thư chi bộ làng Kte Kchăng: “Hằng năm làng đều tổ chức lễ cúng mừng năm mới, đây là nghi lễ có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân làng Kte Kchăng. Bên cạnh mong ước về một năm mới mọi việc được thuận lợi, dân làng có sức khỏe, bình an, dịp này già làng cũng không quên cầu mong các vị thần linh ban mưa thuận, gió hòa để cây giống lên đều, bà con có được mùa màng bội thu”.
Chia sẻ với PV, già làng Đinh Blin (65 tuổi) người điều hành lễ cúng mừng năm mới của làng Kte Kchăng cho biết: “Sau một năm lao động vất vả, Tết đến, Xuân về là dịp để dân làng chuẩn bị những lễ vật quan trọng dâng lên Yàng – thần linh. Nghi lễ này là dịp để dân làng xin thần linh ban cho người dân được mạnh khỏe, không bệnh tật và luôn no đủ. Vật hiến tế thần linh gồm: 3 con heo, 3 con gà, 3 ghè rượu. Riêng phần cúng lễ sẽ do Hội đồng già làng đảm nhận (gồm 3 người), trong đó, sẽ cử một già làng làm chủ tế, đứng ra cầu khấn thần linh”.
“Sau khi hoàn thành việc cúng, già làng sẽ rót tiết heo và rượu phân phát cho mọi người mang về nhà. Hôm sau, già làng sẽ tiếp tục được mời đến từng gia đình để tiến hành thủ tục lấy tiết heo, rượu ghè bôi lên nhà cửa, thiết bị máy móc, dụng cụ lao động… và bôi lên trán của các thành viên trong gia đình, với mong muốn năm mới sẽ xua tan mọi tai ương, xui xẻo, đồng thời rước phước lành, ăn nên làm ra” – già làng Blin cho hay.
Xuyên suốt những ngày diễn ra lễ hội, dân làng cùng nhau tổ chức đánh chiêng, nhảy múa, cùng uống rượu ghè và chúc nhau những điều tốt đẹp nhất. Đây cũng là dịp để mọi người thắt chặt tình đoàn kết, cùng hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa thông qua lễ hội
Ngoài lễ cúng mừng năm mới, mùa xuân này ở các huyện, thị trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng tổ chức nhiều lễ hội quan trọng như: Lễ mừng lúa mới, mừng chiến thắng, cúng bến nước, cúng sân… Trong đó đặc biệt có lễ cúng mừng nhà rông mới, một trong những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo luôn được đồng bào Jrai đặc biệt coi trọng.
Theo quan niệm của người Jrai, nhà Rông là biểu tượng văn hóa, tín ngưỡng chung của cộng đồng. Nhà Rông không chỉ là nơi sinh hoạt, hội họp, lễ hội của cả cộng đồng mà còn là chốn linh thiêng, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh. Vì vậy, lễ cúng nhà rông mới là một trong những nghi lễ quan trọng, độc đáo của người Jrai. Sau khi di dời, tu sửa lại hoặc làm mới nhà rông, các làng phải tổ chức cúng Yàng để cảm tạ thần linh đã ủng hộ, giúp đỡ dân làng trong thời gian qua và cầu xin bình an, phồn thịnh khi về nhà rông mới.
Ông Đỗ Văn Đông – Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, cho biết: “Lễ cúng nhà rông mới là một trong những nghi lễ truyền thống đặc sắc của đồng bào Jrai được huyện giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Cùng với nhiều lễ hội được tổ chức trong năm, huyện mong muốn, thông qua các nghi lễ truyền thống sẽ nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân làng. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa tạo điểm nhấn, nét đặc trưng riêng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân”.
Nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, trong đó có phục dựng, tái hiện các nghi lễ truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Theo đó, ở những lễ hội này, nhiều nghi lễ truyền thống của các dân tộc thiểu số đã được phục dựng. Chính những nghi lễ này đã tạo nên một không gian văn hóa đầy màu sắc và trở thành một trong những yếu tố độc đáo cuốn hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Đây chính là điểm nhấn tạo nên nét đặc trưng riêng và sự bứt phá mạnh mẽ cho du lịch Gia Lai. Đặc biệt, tạo động lực để đồng bào dân tộc thiểu số giữ gìn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Song song với việc lưu giữ, phát huy các giá trị truyền thống của cộng đồng, việc phục dựng các nghi lễ truyền thống còn là dịp để người dân, du khách cùng tìm hiểu, trải nghiệm những giá trị bản sắc từ ngàn đời của cha ông để lại. Đặc biệt có thể kể đến Tuần Văn hóa – Du lịch Gia Lai được diễn ra vào cuối năm 2023.
Nhiều hoạt động hấp dẫn như: Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng, phục dựng các nghi lễ truyền thống… với sự tham gia của hơn 1.300 nghệ nhân đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên đã thu hút 165.000 lượt khách du lịch tham quan, trải nghiệm.
Theo ông Trần Ngọc Nhung – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai: “Thời gian tới, ngành văn hóa tỉnh Gia Lai sẽ đẩy mạnh việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tăng cường đầu tư cho công tác bảo tồn văn hóa; các di sản văn hóa, các phong tục, tập quán của các dân tộc. Sở sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa theo kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đa dạng hóa các chương trình du lịch gắn với tìm hiểu văn hóa địa phương; tăng cường công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa và di sản văn hóa tại địa phương”.
Trần Hiền