Tác nghiệp ngày Tết nơi xứ người
5 năm công tác tại thủ đô Cairo của Ai Cập trong vai trò phóng viên thường trú của TTXVN, cũng là từng ấy năm nhà báo Nguyễn Tùng trải qua những khó khăn trong quá trình tác nghiệp do có sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và sự khắc nghiệt của xứ sở Kim tự tháp.
Anh Tùng chia sẻ, cũng như hoạt động báo chí tại Việt Nam, vào những dịp quan trọng như Tết Nguyên đán, các phóng viên phải chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, nội dung từ rất sớm. Do đó, Tết với các phóng viên tại đây đến sớm hơn bình thường nhưng cũng trôi qua nhanh hơn. Bởi ngay sau đêm Giao thừa, khi nhiều người còn đang tiếp tục tận hưởng không khí Tết mùng 1 thì anh Nguyễn Tùng đã bắt đầu một ngày làm việc như mọi ngày ở Ai Cập.
“Khác với đồng nghiệp ở Việt Nam, phóng viên công tác tại nước ngoài không có khái niệm trực Tết bởi công việc diễn biến liên tục. Như trong đợt Tết Quý Mão 2023, chương trình Tết cộng đồng với các hoạt động truyền thống được tổ chức tại trụ sở Đại sứ quán ở thủ đô Cairo từ rất sớm. Nhưng sau đó, khi mọi người vẫn đang tưng bừng không khí Tết thì chúng tôi vẫn phải trực chiến với các hoạt động của Ai Cập”, nhà báo Nguyễn Tùng chia sẻ.
Vì lý do đó mà giai đoạn trước Tết Nguyên đán còn là những ngày bận rộn, bởi ngoài các loại bài tổng kết tình hình khu vực Trung Đông, châu Phi, tình hình Ai Cập nhân dịp kết thúc một năm, các phóng viên còn tác nghiệp bằng ba loại hình: truyền hình, báo viết và ảnh để nhìn lại một năm hoạt động của Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập, cũng như của cộng đồng người Việt sinh sống tại đây…
Thế nhưng, sự tất bật của công việc ấy cũng không giúp nhóm phóng viên quên đi được nỗi nhớ xa quê hương, đặc biệt là vào các dịp quan trọng. Vì thế, vào mỗi giai đoạn trước Tết, nhà báo Nguyễn Tùng cũng như các đồng nghiệp khác luôn cố gắng tìm ra những đề tài văn hóa đặc sắc, gắn liền với không khí Tết Việt.
Đơn cử như vào giai đoạn trước Tết Quý Mão, nhóm phóng viên tại Ai Cập đã tìm hiểu được thông tin về một trang tại trồng đào nằm trên đường cao tốc Cairo-Alexandria. Để có thể trồng được một vườn đào dài tít tắp trên sa mạc Sahara, người dân nơi đây phải bỏ công, tốn sức đến mức nào.
Phải biết được rằng, khí hậu tại Ai Cập vô cùng khắc nghiệt. Nếu trong mùa đông, nhiệt độ ngày đêm chênh lệch khá lớn, ban ngày có thể lên đến 30 độ C, ban đêm có khi nhiệt độ xuống 8 độ C. Còn trong mùa hè, nhiệt độ có thể lên đến 38 – 40 độ C, tại khu vực sa mạc với số cơn mưa mỗi năm đếm trên đầu ngón tay, nhiệt độ có thể lên đến 50 độ C và đôi khi còn có bão cát vào giai đoạn tháng 3 – 4.
“Với khó khăn như vậy, mỗi cây đào ở đây đều rất quý bởi để nuôi nấng bất kì một loại thực vật gì trên “vùng đất chết” cằn cỗi này đều tốn rất nhiều công sức. Nhưng khi biết chúng tôi là người Việt Nam, có tục lệ trang trí cành đào đón Tết, nhiều chủ vườn còn tặng cho chúng tôi cành đào đang chuẩn bị ra hoa”, nhà báo Nguyễn Tùng nhớ lại.
Gian nan tìm kiếm hương vị Tết quê hương
Dù phải trực chiến không ngơi nghỉ nhưng nhóm phóng viên thường trú tại Ai Cập vẫn đón Tết với đầy đủ các hương vị quê hương, thông qua các hoạt động gói, luộc bánh chưng, trưng bày mâm ngũ quả,… Nhưng để làm được điều đó là cả một hành trình gian nan, đặc biệt là ở một đất nước như Ai Cập.
“Do đây là một quốc gia Hồi giáo không ăn thịt lợn, nên chúng tôi phải vượt quãng đường gần 50 km tới khu vực sinh sống của cộng đồng Cơ đốc giáo Coptic tại quận Maadi ở thủ đô Cairo, để mua. Còn các nguyên liệu khác như gạo nếp, đỗ, lạt buộc, lá dong… được anh em đặt mua từ Việt Nam trước đó, nhân tiện có người thân hay đoàn công tác sang Ai Cập thì sẽ nhờ mang hộ”, nhà báo Nguyễn Tùng chia sẻ.
Sau hành trình 7.500km, lá dong sẽ được bảo quản trong tủ lạnh để giữ lại màu xanh. Thời điểm gói bánh chưng cũng thường được lựa chọn sát nhất khoảng 1-2 ngày trước thời điểm giao thừa – thời khắc chuyển giao giữa năm cũ với năm mới, để lưu giữ được nhiều nhất cảm giác đón Tết.
Với những yêu cầu phức tạp như vậy, việc gói bánh chưng đón Tết thường phải chuẩn bị trước nhiều tháng. Mọi người đều được thông báo và ấn định ngày thực hiện từ rất sớm do mọi hoạt động ở Ai Cập vẫn diễn ra bình thường.
Bên cạnh đó, để thêm phần không khí, mọi người ai nấy đều tự tay bày biện mâm ngũ quả, trang trí lại nhà cửa, nấu thêm một số món ăn truyền thống dịp Tết, để đón một năm mới với nhiều hy vọng thành công.
“Vào ngày mồng Một Tết, anh em phóng viên thường trú cũng tổ chức hoạt động thăm viếng chúc Tết Đại sứ quán, các cơ quan bên cạnh tại địa bàn và một số Việt Kiều, mừng tuổi đầu năm cho các cháu nhỏ, nhằm tăng cường tình đoàn kết và gắn kết cộng đồng. Qua đó duy trì được một nét văn hóa truyền thống của Tết Nguyên đán trên mảnh đất của các Pharaon”, nhà báo Nguyễn Tùng chia sẻ.
Được biết, cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại Ai Cập chỉ có số lượng khiêm tốn chưa đầy 100 người nhưng sống tình cảm, đoàn kết và luôn duy trì tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau lúc khó khăn. Do đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập thường xuyên tổ chức Tết Cộng đồng, nhằm gặp gỡ bà con, người thân và con em của họ, để cùng tạo không khí đầm ấm đón Xuân, hướng về quê hương đất nước và chia sẻ những thành tựu phát triển của quê nhà.
Lê Phong