Đặt cặp bánh chưng, mua thêm cân giò, chị Lê Thị Ngọc, công nhân nhà máy cơ khí ở Đài Loan, góp tiệc tân niên với đồng nghiệp nhưng không thể vui vì nhớ con ở quê nhà.
“Con mặc đồ mới rồi nhờ bà ngoại quay xa xa cho mẹ ngắm nào”, chị Ngọc nói với con trai 4 tuổi khi gọi video về nhà ở Hải Dương. Nói chuyện được một lúc, chị quay mặt đi, cố không để con thấy mình đang khóc. Đây là cái Tết thứ ba người mẹ 37 tuổi ở xa con.
Gần 3 năm trước, chị bỏ ra 150 triệu đồng cho một công ty môi giới để lo thủ tục xuất khẩu lao động, thời gian đi ba năm. Chị được một nhà máy chuyên tiện các loại ốc vít ở Đài Trung nhận vào làm việc. Lương cơ bản gần 2,3 vạn đài tệ (tương đương hơn 17 triệu đồng) mỗi tháng.
“Ở quê quá khó khăn, tôi chấp nhận xa con mới một tuổi để đi làm nhưng mọi thứ không được như mong đợi”, chị Ngọc nói. Qua Đài Loan đúng lúc Covid-19 bùng phát, tiếp đến kinh tế suy thoái nên nhà máy không có nhiều đơn hàng. Chị không được tăng ca nhiều nên gần như suốt thời gian dài chỉ có lương cơ bản.
Không làm thêm được ở nhà máy, chị xin vào các quán ăn, nhà hàng để phụ quán với quyết tâm mỗi tháng gửi về Việt Nam được 3 vạn đài tệ (gần 23 triệu đồng).
Tết Nguyên đán, chị Ngọc được nghỉ 7 ngày. Nhà máy có gần 30 lao động, hầu hết là người Việt. Chị và một số đồng nghiệp xa quê dành dành hai ngày đầu năm để nghỉ ngơi, viếng chùa cầu an năm mới và kết thúc bằng buổi liên hoan. Chị đặt cặp bánh chưng hơn 300.000 đồng, mua thêm cân giò chả góp tiệc. Đồng nghiệp mua các món mặn rồi tính tổng lại chia tiền theo đầu người.
Nữ công nhân xác định ăn Tết chỉ hai ngày còn lại đi làm kiếm thêm. Ngày Tết, nhiều hàng quán cần tuyển phục vụ, lương cũng tốt hơn nên chị xem đây là cơ hội kiếm thêm thu nhập.
Nỗ lực làm việc khi ở xứ người, tích lũy để sớm được về Việt Nam ăn Tết cũng là mong ước của Phan Chí Thành, 30 tuổi, có 5 năm liên tiếp đón năm mới ở Nhật.
Hơn 7 năm trước, Thành vay mượn 200 triệu đồng để đi Nhật diện thực tập sinh. Anh đi đơn xây dựng, làm ở khu vực nông thôn nên thu nhập mỗi tháng không cao. Hết thời hạn ba năm, Thành gia hạn thêm hai năm. Tiền dành dụm được đủ trả nợ, xây nhà. Hai tháng trước, Thành tiếp tục sang Nhật theo dạng kỹ năng đặc định. Vợ anh cũng vừa sang, làm hộ lý ở một viện dưỡng lão.
“Năm nay ở đón Tết xa quê nhưng vui hơn vì có vợ đồng hành”, Thành nói. Do Nhật không còn đón năm mới theo lịch âm nên các doanh nghiệp không cho lao động nghỉ như Đài Loan. Người lao động phải tự thu xếp thời gian để họp mặt cùng nhau. Năm nay, mùng 1, 2 Tết rơi vào thứ 7, chủ nhật nên vợ chồng Thành cùng bạn bè tụ họp liên hoan, gọi điện về gia đình.
Trong khi đó, đối với Bùi Thị Diễm Ngọc, 27 tuổi, thực tập sinh đi đơn thực phẩm, Tết năm nay là lần đầu tiên cô xa gia đình. “Xác định đi làm để kiếm tiền nên em không về nhưng vẫn không cầm lòng được khi có người thu xếp bay về Việt Nam”, Diễm nói. Những ngày này, nhiệt độ ở Nhật xuống thấp. Trời lạnh càng khiến cô gái trẻ nhớ gia đình.
Cô gái quê Vĩnh Long cho biết rất muốn tổ chức cúng giao thừa, tổ chức một buổi liên hoan vào ngày đầu năm mới để vơi nỗi nhớ quê nhưng cả phòng không thu xếp được thời gian. Công ty làm hai ca, một số đi ca đêm nên tự dặn lòng bỏ qua Tết.
Theo số liệu của Cục Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và xã hội), tính đến cuối tháng 10 năm ngoái, Việt Nam có khoảng 650.000 lao động làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Nhật Bản có khoảng 300.000 người, chiếm trên 46%, Đài Loan đứng thứ hai với khoảng 250.000 người, và một số nước như Hàn Quốc khoảng 50.000 người.
Anh Phan Việt Anh, từng là thực tập sinh, tác giả sách Tôi đi Nhật, nói rằng do Nhật đã bỏ Tết Nguyên đán nên lao động không có ngày nghỉ. Tuy nhiên một số chủ doanh nghiệp sử dụng nhân sự người Việt vẫn tặng cho lao động 1-2 ngày nghỉ hoặc linh động cho công nhân sử dụng phép năm để đón năm mới.
Nhiều năm tư vấn, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, Việt Anh cho rằng hầu hết lao động là thực tập sinh trong suốt ba năm sẽ chọn ở lại Nhật vào dịp Tết để tiết kiệm chi phí. Chỉ số ít dồn 10 ngày phép, không nghỉ bất kỳ ngày nào, cả năm chi tiêu tiết kiệm, để dành được một khoản mới dám về Tết.
“Thực ra các ông chủ không thích lao động về Tết”, Việt Anh nói. Nhiều xưởng sản xuất ở Nhật có hơn một nửa là người Việt nên chỉ cần 1-2 người xin nghỉ phép để về sẽ gây tâm lý “muốn hồi hương” của những người ở lại, ảnh hưởng năng suất làm việc.
Từ phía công ty đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, ông Võ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Haindeco Sài Gòn, cho rằng cuối năm tâm lý thực tập sinh hay dao động. Nguyên nhân là thấy người thân, bạn bè ở quê đăng ảnh năm mới vui vẻ lên mạng xã hội. Trong khi vào dịp Tết Nguyên đán, Nhật thường lạnh, nhiều bạn mới chưa quen nên cảm giác buồn, nhớ gia đình hơn.
Theo ông Tuấn, trong suốt thời gian làm việc ở Nhật, thực tập sinh thường có ba kỳ nghỉ dài ngày kéo dài một tuần gồm Golden Week vào tháng 4, Obon trong tháng 8 và Tết dương lịch. Tùy vào một số ngành nghề như dịch vụ, nhà hàng khách sạn thì thời gian nghỉ sẽ linh động do nhu cầu công việc.
“Hầu hết lao động đã xác định đi làm để kiếm tiền nên thường gác niềm vui Tết sang một bên, rất ít bạn về Tết trong ba năm đi làm”, ông Tuấn nói. Tuy nhiên, công ty sẽ chủ động thăm hỏi, nhắn tin chúc mừng năm mới với lao động mới qua để động viên.
Từng là thực tập sinh ở Nhật ba năm rồi mới đến Đài Loan, chị Lê Thị Ngọc đúc rút nơi nào đón Tết tưng bừng thì nơi đó lao động xa xứ càng buồn. Người Nhật xem Tết Nguyên đán như ngày thường nên chị không thấy lạc lõng trong khi đó Đài Loan thì ngược lại. “Tôi phải nỗ lực làm việc để sớm được về với Việt Nam, ở bên con mới thực sự có Tết”, nữ công nhân nói.
Lê Tuyết