Năm 2024, theo can chi âm lịch, là năm Giáp Thìn. Ngày đầu xuân, mở trang sử nước Việt, xem lại quá khứ gian lao mà hào hùng của ông cha, thấy nhiều điều rất đáng để suy ngẫm.
Người xưa thường gắn việc thiết lập quốc gia với tạo lập đế vương. Và vào những năm Thìn, có những vị vua nước Việt xưng đế, khẳng định độc lập chủ quyền “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”…
Thìn là chi thứ năm trong 12 con giáp, tương ứng với rồng, gắn với mùa xuân. Người Việt xưa tin rằng rồng là linh vật mang biểu tượng “Thiên tử”.
Rồng xuất hiện là có điềm lành hoặc minh chúa ra đời để mang thái bình thịnh trị cho thiên hạ.
Phải vậy chăng, mà trong quá khứ dựng và giữ nước Việt, nhiều triều đại đã ra đời vào năm Thìn, nhiều vị vua anh minh cũng lên ngôi vào năm Thìn và trở thành những vị Rồng nước Việt.
Sau khi dẹp xong loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: Vua đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời kinh về Hoa Lư, xây dựng đô mới, đắp thành đào hào, làm cung điện, đặt triều nghi.
Bầy tôi dâng tôn hiệu của vua là Đại Thắng Minh Hoàng đế. Năm đó là Mậu Thìn 968. Trong Đại Việt sử ký – bộ quốc sử đầu tiên, sử gia Lê Văn Hưu có lời bàn:
“Tiên Hoàng tài năng sáng suốt hơn người, dũng lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không chủ, các hùng trưởng cát cứ, đánh một cái mà 12 sứ quân thần phục hết, rồi mở nước đóng đô, đổi xưng hoàng đế, đặt trăm quan, dựng sáu quân, chế độ gần đủ, chắc là ý trời, vì nước ta lại sinh ra bậc thánh triết để tiếp nối chính thống của Triệu Vương chăng?”.
Chú bé phất cờ lau trở thành vua Đinh Tiên Hoàng. Tranh dân gian Đông Hồ – Ảnh tư liệu
Vua đặt niên hiệu của triều đại là Thái Bình, cho đúc đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo; định ra giai phẩm cho bá quan văn võ và tăng đạo; tổ chức quân đội quy củ; phát triển nghề tiểu thủ công và buôn bán; khai hoang, lập làng mới; xác lập cương vực quốc gia, rồi sai sứ thần sang nước Tống để đặt quan hệ giao hảo.
Các sử gia hậu thế đều đánh giá rằng triều đại nhà Đinh đã chính thức chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc kéo dài gần 1.000 năm của nước Việt, mở ra kỷ nguyên mới- độc lập, tự chủ.
Khi vua mất, triều đình đã tôn miếu hiệu Tiên Hoàng Đế, tức vị hoàng đế đầu tiên.
Dấu ấn quan trọng nhất của vua là đã xưng hiệu “hoàng đế” để thể hiện bình đẳng với hoàng đế nước Tống ở phương Bắc, vốn tự cho mình là “thiên triều” và vua nước Nam chỉ là một vị quan với tước hiệu Giao Chỉ quận vương.
Nhà nước Đại Cồ Việt cũng là nhà nước quân chủ đầu tiên của Việt Nam đặt quan hệ bang giao với Trung Quốc trong tư cách một quốc gia độc lập, có quốc hiệu, đế hiệu, niên hiệu… Quốc hiệu Đại Cồ Việt (có nghĩa là nước Việt lớn) được dùng suốt ba triều đại Đinh, Lê, Lý với tám đời vua, kéo dài đến 86 năm (968 – 1054).
Có nhiều năm rồng, nhưng rồng Mậu Thìn 968 đáng nhớ là như vậy!
Triều Đinh duy trì được hơn 12 năm thì gặp rối ren, nhà Tống ở phương Bắc liền xua quân trở lại xâm chiếm Đại Cồ Việt. Ở phía Nam, quân Chiêm Thành cũng nhân đó kéo ra đánh chiếm kinh đô Hoa Lư. Vệ vương Đinh Toàn, con trai vua Đinh Tiên Hoàng, lên nối ngôi chỉ mới 6 tuổi.
Tình thế quá nguy ngập, tướng sĩ liền tôn Thập Đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Thái hậu thấy mọi người đều vui lòng quy phục, sai lấy áo long cổn mặc cho Hoàn, mời Hoàn lên ngôi hoàng đế”.
Vậy là tròn một giáp sau khi Tiên Hoàng Đế khai lập triều Đinh, nước Đại Cồ Việt lại xuất hiện một Rồng mới.
Tương truyền vào một ngày mùa đông lúc còn nhỏ, cậu bé Lê Hoàn nằm ngủ trong chiếc cối, đêm có ánh sáng lạ đầy nhà, mọi người đến xem thì thấy một con rồng vàng nằm cuộn ấp lên trên. Chuyện này cũng do Đại Việt sử ký toàn thư chép lại.
Vua Lê ra tay dẹp yên loạn lạc trong nước rồi thân chinh cầm quân ra trận đánh lui giặc Tống, thắng quân Chiêm Thành. Đất nước thanh bình trở lại, vua liền bắt tay kiến thiết đất nước, xây đắp kinh đô, cải cách quan chế, binh chế, tổ chức lại nền hành chính, phát triển kinh tế, vỗ yên trăm họ.
Năm Ất Tỵ 1005, mùa xuân, tháng 3, vua băng hà. Triều đình tôn là Đại Hành Hoàng đế, đời sau gọi là vua Lê Đại Hành. Ông là một trong 14 vị anh hùng tiêu biểu nhất trong lịch sử Việt Nam, do Nhà nước Việt Nam tôn vinh vào năm 2013, cùng với Đinh Tiên Hoàng và Lý Thường Kiệt.
Nhà Hậu Lê do vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) lập ra (năm 1428), thịnh trị được 32 năm thì bắt đầu nảy sinh tranh chấp quyền lực trong hoàng gia, khiến triều đình rối ren.
Quần thần đã nghĩ đến hoàng tử út của vua Lê Thái Tông là Gia Vương Lê Tư Thành. Các đại thần bàn với nhau rằng: “Ngôi trời là khó khăn, của báu rất quan trọng, nếu không phải là người có đức lớn thì không thể kham nổi.
Nay Gia Vương thiên tư thông tuệ, tài lược trầm hùng, hơn cả mọi người, các vương không ai bằng, lòng người đều thuận, đủ biết ý trời đã giúp”, Đại Việt sử ký toàn thư chép.
Mùa hạ năm Canh Thìn 1460, Lê Tư Thành lên ngôi hoàng đế. Năm đó, vua 18 tuổi. Thật đúng như kỳ vọng của quần thần, vị vua trẻ văn võ song toàn này đã đưa triều Lê lên đỉnh cao thịnh trị.
Nước Đại Việt dưới thời vua trị vì đã trở thành một quốc gia hùng cường ở bán đảo Trung Ấn (theo sách Lịch sử Việt Nam của Viện Sử học – Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội 2017, tập 3).
Ông là vua Lê Thánh Tông, vị vua ở ngôi lâu nhất giai đoạn Lê Sơ với 37 năm trị quốc và hai niên hiệu Quang Thuận và Hồng Đức. Với quá nhiều công trạng to lớn mà ông đã cống hiến cho triều Lê và nước Việt, Lê Thánh Tông được xem là một trong những vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam.
Trong 37 năm trị quốc, ông đã xây dựng nên một nền chính trị hùng mạnh với bộ Quốc triều hình luật (luật Hồng Đức) – được xem là một bộ luật điển hình nhất trong lịch sử quân chủ Việt Nam.
Bộ bản đồ Hồng Đức cũng là bản đồ địa lý đầu tiên do nhà nước quân chủ Việt Nam thực hiện. Vua ban hành Hoàng triều quan chế nhằm hoàn chỉnh bộ máy hành chính và kiểm soát quan lại chặt chẽ. Vua cũng đặt ra 24 thanh điều để dạy dân giữ thuần phong mỹ tục.
Vua chú trọng mở mang giáo dục và mở rộng đội ngũ quan lại gốc bình dân; lập nhà tế sinh để chữa bệnh cho dân. Giao thông, nông nghiệp và chợ phát triển rất mạnh dưới thời vua trị vì. Vua là người tài giỏi văn thơ, sáng lập ra hội Tao Đàn và là Tao Đàn nguyên soái.
Vua Lê Thánh Tông cũng là một nhà quân sự tài ba, không chỉ xây dựng nên quân đội Đại Việt chính quy với vũ khí tinh xảo và tiến bộ vượt bậc mà vua còn đích thân cầm quân ra trận.
Vua cho đúc ấn “Thiên Nam Hoàng đế chi bảo” để thể hiện rằng Đại Việt là một thiên triều phía Nam, giống như thiên triều phía Bắc (nhà Minh, Trung Quốc). Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi lại lời của vua Lê Thánh Tông nói với các quan vào năm 1473:
“Một thước núi, một tấc sông của ta, không thể vứt bỏ. Ngươi nên cố cãi, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc bày tỏ phải trái. Nếu ngươi dám lấy một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di!”. Dưới thời Lê Thánh Tông, quan hệ giữa Đại Việt và Đại Minh diễn ra bình ổn.
“Xem những việc của vua Thánh Tông thì ngài thật là một đấng anh quân. Những sự văn trị và sự võ công ở nước Nam ta, không có đời nào thịnh trị hơn là đời Hồng Đức” – sử gia Trần Trọng Kim đã đánh giá như thế trong sách Việt Nam sử lược do ông biên soạn năm 1919.