Giá xăng dầu trong nước hôm nay 10/2/2024
Ở thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay 10/2 được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 8/2 của liên bộ Tài chính – Công Thương.
Theo đó, giá bán lẻ xăng dầu đồng loạt được điều chỉnh giảm. Trong đó, giá xăng RON 95 giảm mạnh, về mốc 23.000 đồng/lít.
Cụ thể, giá xăng E5 giảm về 22.120 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm còn 23.260 đồng/lít.
Giá dầu diesel hạ còn là 20.700 đồng/lít. Còn giá bán lẻ dầu hoả giảm xuống 20.580 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 8/2 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 23.260 | – 900 |
Xăng E5 RON 92-II | 22.120 | – 790 |
Dầu diesel | 20.700 | – 290 |
Dầu hỏa | 20.580 | – 340 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 10/2/2024
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 10/2 vẫn tiếp tục đi lên, hướng mốc 82 USD/thùng.
Phiên 9/2, giá xăng dầu quốc tế tăng nhẹ sau khi tăng tới hơn 3% ở phiên trước đó.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 17h03′ ngày 9/2 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 81,76 USD/thùng, tăng 0,13 USD, tương đương 0,16% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 76,52 USD/thùng, tăng 0,3 USD, tương đương 0,39% so với phiên liền trước.
Giá xăng dầu leo dốc không ngừng, hướng tới tuần tăng mạnh, đảo ngược đà giảm sâu của tuần trước.
Giá dầu tiếp đà tăng do lo ngại xung đột ở Trung Đông lan rộng sau khi Israel từ chối lời đề nghị ngừng bắn của Hamas.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 7/2 đã bác bỏ đề nghị của Hamas về việc ngừng bắn và trao trả các con tin bị giam giữ ở Dải Gaza. Trước đó, Hamas đã đề xuất ngừng bắn 4 tháng rưỡi nhưng phía Israel đã từ chối. Điều này cho thấy tính chất phức tạp của cuộc xung đột tại khu vực Trung Đông.
Thậm chí, lực lượng Israel còn ném bom thành phố Rafah ở biên giới phía nam Dải Gaza sau khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu từ chối đề xuất chấm dứt các cuộc xung đột.
Trong khi đó, tại Biển Đỏ, tình hình an ninh ở đây đang có xu hướng xấu đi, bất chấp nỗ lực của phương Tây nhằm hạn chế các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen.
Căng thẳng địa chính trị leo thang đã thúc đẩy lực mua mạnh mẽ trên thị trường dầu thô, khiến giá dầu tăng cao.
Bên cạnh đó, tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất của Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến cũng thúc đẩy giá dầu leo dốc.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ xăng dầu của Mỹ trong tuần trước giảm 3,15 triệu thùng, trái với dự báo tăng 140.000 thùng của các nhà phân tích. Tương tự, tồn kho sản phẩm chưng cất của Mỹ giảm 3,2 triệu thùng, trong khi dự báo chỉ giảm 1 triệu thùng.
Còn về nguồn cung, EIA mới đây đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng sản lượng dầu của Mỹ trong năm 2024 thêm 120.000 thùng/ngày xuống 170.000 thùng/ngày, giảm mạnh so với mức tăng trưởng sản lượng 1,02 triệu thùng/ngày của năm 2023.
Dự trữ nhiên liệu giảm cùng với dự trữ dầu thô tăng là dấu hiệu cho thấy việc bảo trì các nhà máy lọc dầu của Mỹ.
Việc bảo trì các nhà máy lọc dầu ở Mỹ kết hợp với việc châu Âu đang thiếu dầu diesel đã hỗ trợ giá dầu đi lên.
Ngoài ra, lo lắng về tình trạng thắt chặt nguồn cung trên toàn cầu cũng thúc đẩy giá dầu tăng cao.