Khoảng 80% thực tập sinh Việt Nam và Campuchia ở trong tình cảnh này, theo khảo sát đối với 2.100 thực tập sinh của Cơ quan Nhập cư Nhật Bản từ tháng 12-2021 đến tháng 4-2022.
Đài NHK dẫn khảo sát cho biết mỗi thực tập sinh Việt Nam phải trả trung bình 688.000 yen (gần 120 triệu đồng) cho các tổ chức điều phối lao động trước khi đến Nhật. Đối với những công ty trung gian – khác với các cơ quan điều phối được chính phủ phê duyệt, 17% thực tập sinh Việt Nam phải trả trung bình 446.000 yen/người (hơn 76 triệu đồng) tiền hoa hồng.
Thực tập sinh kỹ thuật người Việt làm việc tại một công trường ở Tokyo – Nhật Bản .Ảnh: NIKKEI
Mặc dù các thỏa thuận liên chính phủ cấm các tổ chức điều phối lao động thu tiền cọc và tiền phạt (để ngăn tình trạng phá hợp đồng), các thực tập sinh nước ngoài ở Nhật Bản trên thực tế vẫn phải trả trung bình 19.000 yen (hơn 3 triệu đồng).
Để chi trả các khoản phí, 80% thực tập sinh Việt Nam vay trung bình 674.000 yen/người (gần 116 triệu đồng), cao nhất trong số các quốc gia cử thực tập sinh tới Nhật Bản. Tiếp đến là Campuchia và Trung Quốc với số tiền nợ bình quân 566.889 yen/người và 528.847 yen/người. Tính đến cuối năm 2021, có khoảng 276.000 thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản, trong đó người Việt chiếm 58%.
Cũng trong cuộc khảo sát trên, 79% thực tập sinh cho biết mức lương ở Nhật như họ mong đợi hoặc cao hơn, trong khi 21% cho biết mức lương thấp hơn dự kiến. Về nguyên tắc, thực tập sinh trong chương trình thực tập kỹ năng không được thay đổi công việc trong 3 năm đầu, ngay cả khi không hài lòng về mức lương và quyền lợi.
Do đó, nhiều trường hợp bỏ trốn, làm việc bất hợp pháp để trả nợ. Sau khi điều tra hoàn cảnh của những người này, Cơ quan Nhập cư Nhật Bản nghi ngờ họ “bị tính phí bất công”.
Với hy vọng cải tiến hoạt động của chương trình thực tập sinh và loại bỏ những công ty môi giới thu phí cắt cổ, Nhật Bản đang tạo ra một trang web cho phép người Việt Nam đăng ký thực tập sinh trực tuyến.
Trang web do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tạo ra, sẽ liệt kê tất cả thông tin về cơ hội tu nghiệp tại nước này. Trang Nikkei Asia cho biết ứng viên có thể xem thông tin trên đó nhưng vẫn phải nộp đơn thông qua các tổ chức địa phương.
Trang web mới của Nhật Bản sẽ liệt kê không chỉ các cơ hội việc làm mà còn có các thông tin như vị trí, mức lương và các ngày nghỉ trong năm. Sau khi xem xét thông tin, ứng viên có thể nộp hồ sơ trực tiếp cho các công ty phái cử ở Việt Nam mà không cần thông qua môi giới. Trang web kết nối việc làm này sẽ đi vào thử nghiệm vào tháng 4-2023 và dự kiến hoạt động đầy đủ vào năm 2024.
Không chỉ thế, trang web còn tiếp nhận khiếu nại từ thực tập sinh và giúp họ ghi lại các khoản phí đã phải trả cho các công ty phái cử. Chính phủ Việt Nam sẽ giám sát các khoản phí này và bảo đảm thực tập sinh không phải trả cao hơn quy định.