Trong bối cảnh chung của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế, hành trang TPHCM bước vào năm 2024 vẫn còn những khó khăn đeo đuổi. Kinh tế phục hồi chậm so với mục tiêu đề ra; 3 trụ cột thúc đẩy tăng trưởng (xuất khẩu, đầu tư công và thị trường nội địa) chưa tạo ra lực đẩy đáng kể; 3 điểm nghẽn thể chế, hạ tầng đô thị và chất lượng nguồn nhân lực chậm cải thiện… Nghị quyết 98/2023/QH15 (NQ98) được xem là động lực mới để TPHCM bứt phá, phát triển.
Tạo động lực về thể chế, xử lý những điểm nghẽn
Trước hết cần khẳng định, NQ98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM, là công cụ pháp lý quan trọng để tạo động lực về thể chế, nâng cao hiệu quả của nền công vụ; xử lý những điểm nghẽn trong hấp thụ vốn và thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng hạ tầng đô thị; trong đó có các trọng tâm:
Thứ nhất, thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ. Triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tập trung vào 2 nội dung: (1) Chính sách hỗ trợ kinh tế chia sẻ, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn và (2) Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh hướng đến mục tiêu net-zero năm 2050 là hướng chủ đạo cho sự phát triển doanh nghiệp và xây dựng chính sách hỗ trợ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là định hướng chủ yếu để chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn TP.
Thứ hai, xử lý các dự án tồn đọng, trì trệ nhiều năm như chống ngập, khu đô thị Thủ Thiêm, khu Safari quy hoạch treo ở Củ Chi, Bình Quới – Thanh Đa… Xây dựng phương án rà soát toàn bộ quỹ đất có nguồn gốc nhà nước đang quản lý, cho thuê ngắn hạn hàng năm; đề xuất chỉ tiêu quy hoạch tốt nhất để tăng hiệu quả khu đất (tốt nhất gắn TOD), với nguyên tắc tái đầu tư tại chỗ: tiền bán đấu giá đất ở đâu, cho phép tái đầu tư lại nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội địa phương đó.
Thứ ba, tạo cơ sở pháp lý để triển khai các dự án chỉnh trang đô thị như cải tạo chung cư cũ, nhà ở kênh rạch, nhà ở xã hội. Các dự án cải tạo xây dựng mới các chung cư cũ cần gắn với Chương trình phát triển nhà ở TP. Vận dụng cơ chế chính sách đặc thù để thực hiện dự án này theo hình thức hợp tác công-tư (PPP). Ưu tiên nguồn lực và mô hình xã hội hóa đầu tư phù hợp, triển khai nhanh dự án rạch Xuyên Tâm, kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên, nhằm xử lý ô nhiễm môi trường, chỉnh trang đô thị và phát triển nhà ở (cần đặt những dự án này theo “mô hình 3 trong 1”: môi trường, chỉnh trang đô thị và phát triển nhà ở).
Thứ tư, áp dụng cơ chế thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng dọc theo các tuyến giao thông trong phạm vi theo quy định (đường sắt đô thị, vành đai, cao tốc) và các vị trí có tiềm năng khác, để thực hiện dự án tái định cư tại chỗ hoặc tạo quỹ đất để tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD). Đây là phương thức khai thác có hiệu quả quỹ đất gắn với các trục giao thông mới và quỹ đất chỉnh trang đô thị. Chủ động phối hợp với các địa phương trong vùng Đông Nam bộ lập quy hoạch phát triển hệ thống đường sắt đô thị nối kết các đô thị trong Vùng đô thị TPHCM, theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Thứ năm, phát triển kinh tế ven sông – hướng biển: Tiếp tục triển khai Nghị quyết 20-NQ/TW của Bộ Chính trị (năm 2002) về di dời hệ thống cảng trong khu vực nội thành nhằm tạo không gian phát triển TP và khai thác kinh tế ven sông Sài Gòn. Xây dựng kế hoạch với mục tiêu cụ thể từng năm giai đoạn 2023-2026 di dời toàn bộ các cảng biển trên sông Sài Gòn, từ cảng Khánh Hội đến mũi Đèn Đỏ (quận 7) theo quy hoạch, để huy động nguồn lực phát triển chuỗi dịch vụ cao cấp và công viên công cộng dọc sông Sài Gòn; khai thác có hiệu quả lợi thế của đô thị sông nước. Xây dựng bến cảng tàu du lịch quốc tế trên cơ sở sử dụng không gian và 1.800m cầu tàu của cảng Khánh Hội, gắn với lịch sử cảng Nhà Rồng. Triển khai nhanh việc thu hút đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, gắn với việc xây dựng cầu Bình Khánh, xây dựng khu phi thuế quan (FTA); xây dựng đô thị lấn biển Cần Giờ.
Thứ sáu, triển khai cụ thể chính sách phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách đặc thù trong quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm huy động các nguồn lực, nhân lực, thúc đẩy mọi thành phần xã hội tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình nghiên cứu khoa học – phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo trọng điểm trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021-2025. Nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ phục vụ đô thị thông minh và chuyển đổi số. Nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ công nghiệp, công nghệ phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp công nghệ cao, phục vụ quản lý và phát triển đô thị…
Thứ bảy, từ thực tiễn thực hiện NQ98, tiếp tục xây dựng hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị phù hợp với quy mô của một đô thị trên 10 triệu dân và tổ chức các TP trực thuộc TPHCM.
Định hướng phát triển và những việc cần làm ngay
Để tiếp tục xác lập vị trí, vai trò của TPHCM trong 10 năm tới theo tinh thần Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị, TP hướng đến các mục tiêu: (1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn duy trì mức tăng trưởng cao hơn 1,2-1,5 lần mức bình quân của cả nước; (2) Hoạt động kinh tế trên địa bàn phải là nơi mang “tính thị trường” nhất so với cả nước; (3) Nâng cao vai trò cửa ngõ giao lưu kinh tế trong nước và giao thương quốc tế; (4) Là địa phương thực hiện thành công nhất mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh thể chế thuộc nhóm ASEAN4 như mục tiêu Chính phủ đề ra; (5) 3 nhân tố cơ bản nâng cao năng lực cạnh tranh: thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng phải là những đặc điểm vượt trội của TPHCM; (6) TP đã từng là nơi “lập nghiệp” của doanh nhân cả nước, trong thời đại mới phải là nơi “khởi nghiệp” của khu vực. TP phải là nơi đi đầu trong việc thực hiện thành công Chương trình số hóa quốc gia, nhất là nội dung chính phủ số và doanh nghiệp số.
Cùng với những cơ chế đột phá của NQ31, việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM theo NQ98 bao gồm việc mở rộng phân cấp, phân quyền cho TP, nhằm phát huy tính năng động tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền TP; đồng thời thí điểm một số chính sách nhằm huy động nguồn lực như mở rộng mô hình PPP vào các lĩnh vực văn hóa thể thao; phát triển mô hình TOD; nâng mức bội chi ngân sách đầu tư của TP lên 120% so với ngân sách địa phương được cân đối; mở rộng các hình thức BT, BOT…
NQ98 không phải là chiếc đũa thần giải quyết tất cả vấn đề đang tồn tại của TPHCM, mà là công cụ pháp lý quan trọng tạo động lực về thể chế, nâng cao hiệu quả của nền công vụ; xử lý những điểm nghẽn trong hấp thụ vốn và thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng hạ tầng đô thị…
Cho đến cuối năm 2023, HĐND và UBND TPHCM đã ban hành các văn bản cụ thể hóa các nội dung của NQ98, đang hình thành khung pháp lý về quyền hạn và trách nhiệm của bộ máy chính quyền địa phương trong lĩnh vực kinh tế và ngân sách, là phương thức quản lý nhà nước hiệu quả nhất, trong điều kiện vận hành của kinh tế thị trường; trong đó hình thành cơ chế phân cấp phân quyền cho TP Thủ Đức. Ưu tiên trước mắt của TPHCM là triển khai có hiệu quả 7 nhóm nội dung của NQ98 về cơ chế và chính sách. Trong đó về cơ chế, NQ98 tập trung vấn đề phân cấp phân quyền trong 5 lĩnh vực.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là giai đoạn thí điểm về mô hình phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực quản lý nhà nước cho chính quyền địa phương và một số chính sách đặc thù (so với các chính sách chung hiện hành) cho TPHCM. Vì vậy, TP cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng mô hình chính quyền đô thị phù hợp với quy mô và vị trí vai trò của TP; gắn với việc tổ chức các đô thị trực thuộc TP trong quá trình đô thị hóa 5 huyện của TP hiện nay.
Về mô hình chính quyền đô thị, TPHCM cần nghiên cứu tiếp tục mở rộng cơ chế phân cấp, phân quyền từ Trung ương cho TP và từ TP cho TP Thủ Đức và các đô thị trực thuộc khác, theo nguyên tắc: vấn đề gì cấp dưới gần dân hơn, làm tốt hơn nên phân cấp phân quyền, bố trí nguồn lực cho cấp dưới làm; giảm tối thiểu cơ chế “xin – cho”; cấp trên chỉ nên ban hành chính sách, kiểm tra, thanh tra công vụ, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật.
TS TRẦN DU LỊCH, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội