Hiện, các Big Tech như Facebook và Google đều đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội, do các nền tảng công nghệ của họ đã trở thành những mảnh đất màu mỡ cho tin giả, tin sai lệch và độc hại bùng nổ – những điều có thể làm suy thoái cả một xã hội trong tương lai. Cái đúng, thậm chí cả chân lý, cũng đang bị các MXH thao túng bởi những chiêu trò, thuật toán… nhằm khuyến khích người dùng tạo ra tranh cãi, bất ổn. Hồi đầu tháng 12/2023, thậm chí bang New Mexico của Mỹ đã cáo buộc Meta – Công ty mẹ của Facebook, là không gian cho “những kẻ suy đồi” có mưu đồ xấu nhằm vào trẻ em.
Nhiều đạo luật sẽ cắt đứt “vòi bạch tuộc” của Big Tech
Đó chính là lý do các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới đang tăng cường kiểm soát Big Tech. Liên minh châu Âu (EU) đã tiên phong trong cuộc chiến này. Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) của EU đã được thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, nhằm kiểm soát nội dung độc hại, sai lệch… trên các nền tảng có hơn 45 triệu dùng trở lên, như Facebook, YouTube và TikTok. Theo luật này, các nền tảng sẽ phải chịu phạt tới 6% doanh thu toàn cầu nếu vi phạm.
Liên minh châu Âu từ lâu đã kiểm soát việc các Big Tech thu giữ trái phép dữ liệu cá nhân người dùng thông qua Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR). Mới nhất, hồi tháng 9/2023, TikTok đã bị phạt 345 triệu euro do vi phạm quy tắc này. Trước đó, vào tháng 5/2023, Meta đã bị Liên minh châu Âu phạt 1,2 tỷ euro do vi phạm quy định về chuyển dữ liệu người dùng của khối này sang Mỹ. Ngoài ra, châu Âu còn đã ban hành Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA), một trong những đạo luật cứng rắn nhất thế giới nhằm kiểm soát sự độc quyền của các Big Tech.
Về riêng lĩnh vực buộc Big Tech phải trả tiền cho báo chí, ngoài Úc và Canada đã áp dụng, thì nhiều quốc gia khác cũng đang bắt đầu xem đây là cách để bảo vệ trực tiếp nền báo chí của mình – qua đó không chỉ giúp thúc đẩy báo chí chất lượng cao, mà còn ngăn chặn làn sóng tin giả, sai lệch và độc hại tràn lan trên mạng xã hội.
Sự chờ đợi lớn nhất là ở Mỹ khi nước này sẽ ban hành Đạo luật Bảo tồn và Cạnh tranh Báo chí (JCPA) vào giữa năm 2024. Nó sẽ giúp các nhà xuất bản tin tức có thêm sức mạnh đàm phán để buộc Big Tech trả tiền cho báo chí. Ngoài ra, một phiên tòa lịch sử do Bộ Tư pháp Mỹ đứng ra kiện Google đã diễn ra trong suốt năm 2023 và sẽ tiếp tục mở lại vào năm 2024, nhằm buộc Big Tech số một thế giới này phải chấm dứt một số hoạt động độc quyền tìm kiếm hoặc quảng cáo. Việc thị trường này có tính cạnh tranh hơn được dự báo sẽ củng cố lại quyền lực cho báo chí, bởi khi đó các Big Tech phải đàm phán với báo chí để giành lợi thế cho riêng mình.
New Zealand cũng đã lên kế hoạch cho đạo luật buộc Big Tech trả tiền cho báo chí ngay từ năm 2022 và vẫn đang tiếp tục triển khai. Trong khi đó, vào tháng 9 năm 2023, Ủy ban Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia (MCMC) cho biết trong một tuyên bố sau cuộc gặp với Google và Meta rằng nước này đang thảo luận khung pháp lý cho việc buộc hai hãng công nghệ này phải đàm phán thương mại với các cơ quan truyền thông.
Tại Đài Loan (Trung Quốc), Google cũng đã phải đồng ý một thỏa thuận ba năm trị giá 10 triệu USD với các hãng tin, sau khi phải chịu những sức ép từ một quy định giống như ở Úc và Canada. Ở Nam Phi, Diễn đàn Tổng Biên tập Nam Phi và Hiệp hội Báo chí Nam Phi cũng đang yêu cầu Google tài trợ cho các cơ quan báo chí trong tổ chức của mình.
Một cuộc chiến giữa báo chí và Big Tech còn đang diễn ra ở Ấn Độ. Vào đầu năm 2022, Hiệp hội các nhà xuất bản tin tức kỹ thuật số Ấn Độ đã công khai cáo buộc rằng Google lạm dụng vị thế của mình trong việc tổng hợp tin tức, dẫn đến tổn thất về doanh thu quảng cáo cho các tổ chức báo chí.
Big Tech hứng chịu “cơn mưa tiền phạt”
Ngoài việc các quốc gia đang siết chặt chế tài đối với các Big Tech, năm 2023 còn chứng kiến “cơn mưa tiền phạt” dành cho những nền tảng công nghệ, đặc biệt các trang mạng xã hội, với số tiền phạt lên tới hàng tỷ USD.
Ngay hồi giữa tháng 12/2023, Google đã đồng ý bồi thường tới 700 triệu USD để dàn xếp vụ kiện tại bang San Francisco với cáo buộc độc quyền tại Cửa hàng ứng dụng Play (Play Store). Google cũng đã phải chịu nhiều khoản bồi thường trị giá hàng tỷ USD trong nhiều vụ kiện độc quyền và xâm phạm dữ liệu cá nhân khác.
Trong khi đó, Meta, Microsoft và OpenAI thường xuyên là mục tiêu của các vụ kiện xâm phạm bản quyền trong việc đào tạo AI trong năm 2023. Thậm chí, Meta còn bị phạt 5,85 triệu euro vì quảng cáo cờ bạc ở Ý vào cuối tháng 12 vừa rồi.
Trong khi đó, TikTok – mạng xã hội đang sử dụng nhiều chiêu trò, thuật toán, vi phạm bản quyền và tạo thông tin gây sốc để “gây nghiện” cho người dùng – thậm chí còn trở thành mục tiêu số một của các lệnh cấm và án phạt công nghệ trong năm 2023. Rất nhiều các quốc gia đã đưa ra biện pháp cấm, án phạt hoặc kiểm soát nội dung đối với nền tảng này, trong đó có Việt Nam.
Tới đây, Big Tech không thể “tự tung tự tác” trong việc sử dụng trái phép dữ liệu cá nhân và xâm phạm bản quyền để giành lợi nhuận bằng mọi giá nữa. Và khi Big Tech suy yếu, báo chí sẽ có cơ hội thoát ra khỏi sự “kìm cặp” của những gã khổng lồ này và có thể phát triển trở lại. Tất nhiên, cơ hội sẽ chỉ dành cho báo chí chất lượng và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của độc giả mà thôi!
Các Big Tech kiếm tiền “khủng” nhờ báo chí Theo nghiên cứu của Sáng kiến Đối thoại Chính sách (IPD), doanh thu quảng cáo tìm kiếm của Google chỉ riêng tại Mỹ lên tới khoảng 56 tỷ USD vào năm 2022. Các tác giả ước tính tỷ lệ tìm kiếm thông tin là khoảng 50% tổng số tìm kiếm, và 70% số này là tìm kiếm thông tin báo chí. Do đó, doanh thu quảng cáo mà Google tạo ra từ thông tin báo chí là khoảng 20 tỷ USD. Trong khi đó, Facebook đã tạo ra gần 114 tỷ USD doanh thu quảng cáo trên toàn cầu năm 2022. Nghiên cứu cho thấy người dùng Facebook dành 13,2% thời gian trên nền tảng này để xem hoặc tương tác với nội dung tin tức, qua đó ước tính tin tức báo chí mang lại cho Facebook khoảng gần 4 tỷ USD mỗi năm. |
Trần Hoà