Tại cuộc gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ Việt Nam vừa trang trọng kỷ niệm 45 năm Ngày chiến thắng Chiến tranh bảo vệ Biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng.

img3963 1705537602223493367822.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet.

Hai Thủ tướng mong muốn kết nối giao thông giữa hai nước sẽ được tăng cường, trong đó có kết nối đường cao tốc, đặc biệt là kết nối Phnom Penh với TP.HCM; phối hợp với Lào đẩy mạnh các gói du lịch “Một hành trình ba điểm đến”.

Bộ trưởng Văn hóa của 3 nước Campuchia, Lào, Việt Nam sẽ gặp và bàn cụ thể biện pháp hợp tác văn hóa du lịch.

Hai bên cũng nhất trí việc giải quyết các khu vực thuộc 16% đường biên giới chưa hoàn thành phân giới cắm mốc sẽ tiếp tục được thúc đẩy.

Gặp Thủ tướng Slovakia Robert Fico, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Slovakia; cảm ơn Chính phủ và nhân dân Slovakia đã luôn hỗ trợ Việt Nam trong hơn 70 năm qua, trong đó, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo là một điểm sáng.

Slovakia đã giúp Việt Nam đào tạo nhiều cán bộ, trong đó có nhiều người hiện giữ cương vị chủ chốt trong Chính phủ Việt Nam.

Về hợp tác kinh tế, thương mại, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn Slovakia ủng hộ và thúc đẩy quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA).

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định ủng hộ và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Slovakia đầu tư và làm ăn tại Việt Nam; mong muốn Slovakia thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam.

Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ để bảo đảm thành công chuyến thăm cấp cao; tăng cường quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực trên tinh thần phát huy thế mạnh để bổ sung, hỗ trợ cho nhau và giúp nhau khắc phục những hạn chế. Hai nước sẽ tăng cường hợp tác giáo dục, trao đổi sinh viên giữa hai nước; nhất trí phối hợp chặt chẽ trong việc giải quyết vấn đề khu vực và toàn cầu…

Thủ tướng Slovakia mong Việt Nam miễn thị thực cho công dân Slovakia để tạo thuận lợi hơn nữa cho du lịch và kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp hai nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn Chính phủ Slovakia công nhận cộng đồng người Việt Nam tại Slovakia là dân tộc thiểu số; mong Slovakia tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng người Việt Nam.

Tại cuộc gặp Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên minh Toàn cầu về Vắc xin và Tiêm chủng (GAVI) Jose Manuel Barroso, Thủ tướng cảm ơn GAVI đã hợp tác hết sức chặt chẽ và có hiệu quả với ngành y tế, thông qua dự án hỗ trợ với kinh phí nhiều triệu USD nhằm triển khai các vắc xin mới trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em Việt Nam; các hoạt động tiến tới loại trừ bệnh sởi, bệnh rubella; tăng cường chất lượng tiêm chủng; hỗ trợ dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin…

img3962 17055385854191375542018.jpeg
Chủ tịch GAVI cho biết sẽ giúp Việt Nam kết nối chuyên gia, tổ chức và doanh nghiệp nước ngoài có uy tín, sẵn sàng hợp tác, tạo thuận lợi chuyển giao công nghệ.

Thủ tướng đề nghị GAVI tiếp tục hỗ trợ vắc xin cho Việt Nam phòng chống dịch bệnh, xây dựng Trung tâm mua bán vaccine tập trung tại Bộ Y tế, chuyển giao công nghệ mRNA cho Việt Nam. Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ, trao đổi vắc xin với GAVI, làm cho tiếp cận vắc xin dễ dàng hơn trên toàn cầu.

Chủ tịch GAVI Jose Manuel Barroso cho biết GAVI sẽ tăng cường hỗ trợ Việt Nam tiếp cận vắc xin phòng chống dịch bệnh, nhất là trong Chương trình tiêm chủng mở rộng của Việt Nam.

GAVI hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng chiến lược, lập kế hoạch và thực hiện tiếp nhận chuyển giao công nghệ vắc xin mRNA để phát triển, sản xuất vắc xin, sinh phẩm ở Việt Nam.

Gặp Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) Daren Tang, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn WIPO đã hỗ trợ Việt Nam nhiều năm qua, gần đây là trong việc xây dựng và triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia đến năm 2030 của Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định, bảo vệ sở hữu trí tuệ là vấn đề lớn toàn cầu, cần được thúc đẩy, là nền tảng thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ; hy vọng WIPO tiếp tục tư vấn, đóng góp ý kiến để Việt Nam làm tốt hơn công tác bảo vệ sở hữu trí tuệ.

0e836de898ced35c6574a247e1910973 1705539278757594041775.jpeg
Thủ tướng mời Tổng Giám đốc WIPO sớm thăm Việt Nam để thúc đẩy hợp tác hai bên.

Tổng Giám đốc WIPO nhận định, Việt Nam là một hình mẫu về chú trọng đến bảo vệ sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo; đánh giá cao tinh thần đổi mới sáng tạo của thế hệ trẻ Việt Nam; khẳng định sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong những lĩnh vực này.

WIPO khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực văn hóa truyền thống.

Thủ tướng đề nghị WIPO tiếp tục ủng hộ Việt Nam triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia đến năm 2030, ủng hộ Việt Nam cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương hơn nữa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chia sẻ Việt Nam sẽ sớm xây dựng chương trình tuyên truyền về giá trị của việc bảo vệ sở hữu trí tuệ và mong WIPO hỗ trợ trong vấn đề này.

Tại cuộc gặp Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedro Adhanom, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đại dịch Covid-19 cho thấy tầm quan trọng của việc toàn thế giới và mỗi quốc gia phải nâng cao năng lực ứng phó với dịch bệnh.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng kêu gọi các nước đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân để nâng cao năng lực ứng phó đối với vấn đề mang tính toàn cầu, trong đó có dịch bệnh. Việt Nam ủng hộ vai trò dẫn dắt của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là WHO.

09e2ca8d5e6b9f248391215cef81f9e3 17055395978601244049645.jpeg
Tổng Giám đốc WHO: Nỗ lực tự thân của Việt Nam là nhân tố quyết định thành công của chiến dịch phòng chống dịch Covid-19.

Tổng Giám đốc WHO khẳng định nỗ lực tự thân của Việt Nam là nhân tố quyết định thành công của chiến dịch phòng chống dịch Covid-19. Việt Nam đã đề ra chiến lược rõ ràng, huy động sự hợp tác của người dân, cam kết đến cùng trong thực hiện phòng chống dịch.

WHO sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực y tế; đề nghị Việt Nam ủng hộ việc đàm phán Thỏa thuận về dịch bệnh để hướng tới hoàn tất vào tháng 5/2024.

Gặp Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Gilbert F. Houngbo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò của ILO trong thúc đẩy mục tiêu công bằng xã hội và bảo vệ quyền của người lao động cũng như giải quyết bất bình đẳng xã hội và thất nghiệp trên toàn cầu.

Thủ tướng đề nghị ILO hỗ trợ Việt Nam trong xử lý vấn đề liên quan tới việc lao động bị tác động bởi chuyển đổi năng lượng, đào tạo, đào tạo lại cho người lao động, để bảo đảm lợi ích của những người lao động chịu tác động bởi chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Việt Nam luôn ủng hộ và là một trong những nước ký kết nhiều công ước của ILO.

screen shot 2024 01 18 at 030848.png
Thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế. Ảnh: TTXVN

Đối với sáng kiến của ILO và Liên Hợp Quốc như Liên minh Toàn cầu về Công bằng Xã hội và khuôn khổ thúc đẩy việc làm và an sinh xã hội cho chuyển đổi công bằng, Việt Nam ủng hộ và đề nghị ILO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, tham gia sáng kiến này.

Tổng Giám đốc ILO hài lòng về sự tham gia, đóng góp tích cực của Chính phủ Việt Nam với vấn đề lao động việc làm.

Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong thời gian tới; thống nhất cần đề cao đoàn kết quốc tế, hợp tác đa phương và vai trò của các tổ chức quốc tế trong tình hình thế giới có nhiều diễn biến khó lường như hiện nay.

Tại cuộc gặp Cao ủy phụ trách Cơ sở hạ tầng, Năng lượng và Số hóa của Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Amani Abou Zeid, Thủ tướng chúc mừng AU đã chính thức trở thành thành viên của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Thủ tướng khẳng định coi trọng quan hệ truyền thống, hữu nghị và mong muốn tăng cường hợp tác với các quốc gia châu Phi, nhất là nông nghiệp, thương mại, trong đó hai bên đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh sang nhau.

Với tư cách là quan sát viên của AU (tháng 12/2023), Việt Nam mong muốn tăng cường triển khai hợp tác với AU.

Bà Amani Abou Zeid đánh giá cao, coi Việt Nam là hình mẫu về chuyển đổi, mong muốn tăng cường trao đổi chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi kinh tế. Bà nhất trí với đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính về thúc đẩy hợp tác, cho rằng du lịch là lĩnh vực tiềm năng hai bên cần tăng cường thúc đẩy trong thời gian tới.