Người bệnh suy thận có thể tự lọc máu tại nhà bằng phương pháp lọc màng bụng trong thời gian nghỉ Tết.
BS.CKII Nguyễn Thị Thanh Thùy, khoa Thận – Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết lọc màng bụng hay thẩm phân phúc mạc sử dụng chính màng bụng để lọc chất thải, dịch thừa thay thế cho chức năng thận đã suy giảm.
Một trong những ưu điểm của lọc màng bụng là người bệnh có thể tự thực hiện tại nhà, phù hợp với người bệnh ở xa hoặc không có điều kiện đến bệnh viện thường xuyên. Để thực hiện phương pháp này, người bệnh được phẫu thuật đặt ống thông (catheter lọc màng bụng) cố định trên bụng trước ít nhất hai tuần.
Có hai phương pháp lọc màng bụng là lọc màng bụng bằng máy và bằng tay. Cách thực hiện đối với từng phương pháp cụ thể như sau:
Lọc màng bụng bằng máy:
– Rửa tay sạch với xà phòng.
– Lắp bộ dây dẫn dịch (gồm 6 ống) vào máy lọc màng bụng, đóng tất cả kẹp trên thân các ống dẫn.
– Đặt các túi dịch nạp (số lượng túi dịch nạp và nồng độ dịch tùy chỉ định của mỗi người bệnh) gần vị trí đặt máy lọc màng bụng, đặt túi dịch xả dưới đất.
– Mở kẹp, nối đầu dây dẫn dịch xả (dây ngoài cùng bên phải trong bộ dây dẫn) với túi dịch xả rồi ấn nút khởi động máy.
– Rửa tay lại một lần nữa.
– Mở kẹp trên các ống dây dẫn dịch nạp rồi kết nối với các túi dịch nạp.
– Chờ máy kiểm tra dây dẫn của người bệnh (dây ngoài cùng bên trái), rồi kết nối dây này với catheter trên bụng người bệnh, chú ý không đụng vào đầu kết nối (transfer set).
– Bấm nút vận hành máy.
Lọc màng bụng bằng tay:
– Rửa sạch tay bằng xà phòng, lau mặt bàn đặt túi dịch bằng cồn y tế.
– Chuẩn bị các dụng cụ cần thiết gồm hai kẹp chuyên dụng (kẹp xanh), một minicap (nắp đậy đầu dây nối trong lọc màng bụng), bóc túi dịch rồi để túi dịch, kẹp xanh, minicap lên bàn.
– Mang khẩu trang, rửa sạch và lau khô tay.
– Kiểm tra túi dịch, tách rời hai túi và hai dây.
– Dùng kẹp xanh vào dây cho dịch vào có túi nước sạch, bẻ khóa an toàn màu xanh lá cây của túi.
– Treo túi dịch lên móc, đặt túi rỗng xuống đất.
– Lấy bộ chuyển tiếp ra ngoài quần áo, kiểm tra và đảm bảo bộ chuyển tiếp đã được khóa.
– Rửa tay với dung dịch sát trùng hoặc cồn y tế.
– Dùng tay không thuận nắm giữ đầu túi dịch, tay thuận giữ nắp khoen kéo, giật bỏ khoen kéo khỏi túi dịch, thả nắp xuống đất. Tay thuận cầm bộ chuyển tiếp lên, mở nắp minicap ra khỏi bộ chuyển tiếp bằng tay còn lại.
– Kết nối bộ chuyển tiếp với túi dịch, vặn nút trắng phía trong mở ra để xả dịch đã ngâm trong bụng chảy xuống túi dưới đất cho đến khi hết rồi đóng khóa xoay lại.
– Tháo kẹp xanh ở dây dẫn dịch vào, đếm từ một đến 5 để hết khí trong túi dịch rồi kẹp lại đường dây dịch ra.
– Mở khóa xoay cho dịch mới vào bụng rồi đóng lại khi dịch mới đã vào hết, dùng kẹp xanh còn lại kẹp đường dây dẫn dịch vào.
– Rửa tay với dung dịch sát trùng hoặc cồn y tế. Mở bao đựng nắp đậy minicap mới, kiểm tra gòn trong nắp còn ướt với dung dịch sát trùng không.
– Tháo kết nối giữa bộ chuyển tiếp và túi đôi, đậy nắp minicap mới, cho ống dẫn vào túi.
– Kiểm tra dịch thải ra, cân dịch thải, ghi chép vào sổ lượng dịch vào hoặc ra và màu sắc.
– Cắt góc túi dịch thải, đổ và vứt túi đi, giữ lại kẹp xanh. Lau chùi, vệ sinh lại bàn, kẹp xanh, khăn và nơi thay dịch.
Bác sĩ Thanh Thùy khuyến cáo lọc màng bụng tuy đơn giản nhưng để có thể tự thực hiện tại nhà, người bệnh và người nhà phải được bác sĩ hướng dẫn và thực hành thuần thục. Ngoài ra, người suy thận cần định kỳ đến bệnh viện tái khám theo lịch hẹn với bác sĩ để theo dõi tình trạng bệnh.
Trong quá trình tự lọc màng bụng tại nhà, nếu phát hiện nhiễm trùng, tụt huyết áp, hạ thân nhiệt, rối loạn nhịp tim, rò rỉ dịch từ bụng, tụt catheter vào trong, chảy máu tại vị trí đặt catheter…, người bệnh phải đến bệnh viện ngay.
Thắng Vũ