Quảng Ninh xuất sắc đứng đầu Bảng xếp hạng Chỉ số PAPI năm 2022, dẫn đầu ở 4/8 trục nội dung, các trục nội dung còn lại đều nằm trong nhóm điểm số cao. Điều này phản ánh khách quan những nỗ lực của tỉnh trong hành trình xây dựng một chính quyền liêm chính, phục vụ. Đặc biệt, vấn đề được rất nhiều người dân quan tâm là kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đã được tỉnh nỗ lực thực hiện trong thời gian qua.
Để kiểm soát, ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng trong khu vực công, tỉnh xác định công tác kiểm soát quy trình, chất lượng giải quyết TTHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần rà soát, đánh giá, theo dõi thường xuyên, liên tục, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện; kịp thời loại bỏ hoặc chỉnh sửa các thành phần hồ sơ không phù hợp, phức tạp, phiền hà. Đồng thời nhanh chóng bổ sung TTHC cần thiết, đáp ứng yêu cầu quản lý; bảo đảm quy định đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đối tượng và cơ quan thực hiện TTHC.
Nhằm nâng cao hơn nữa sự công khai, minh bạch trong mọi hoạt động cung ứng dịch vụ hành chính công, giúp củng cố, gia tăng sự hài lòng của các tổ chức, cá nhân, từ năm 2022 Quảng Ninh thực hiện dịch vụ công toàn trình 5 bước trên môi trường điện tử, gắn với áp dụng chữ ký số trong tất cả các bước giải quyết. Đến nay, 1.095 TTHC được thực hiện theo quy trình 5 bước trên môi trường điện tử, đạt 80% (không tính TTHC của các cơ quan ngành dọc Trung ương và doanh nghiệp).
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và trung tâm hành chính công các địa phương đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời việc niêm yết, công khai TTHC bằng nhiều hình thức để tổ chức, người dân thuận tiện tra cứu. Quảng Ninh là địa phương đứng đầu cả nước về tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia với trên 1.200 thủ tục, đạt tỷ lệ 78%. Trong đó 100% thủ tục đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đã được cung ứng để phục vụ các tổ chức, cá nhân.
Theo đánh giá của phần lớn tổ chức, cá nhân, việc thực hiện các TTHC toàn trình trên môi trường điện tử đem lại rất nhiều tiện ích. Anh Phạm Vũ Hiển, nhân viên Công ty Xăng Dầu B12, đến giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, đánh giá: “Tôi rất hài lòng với việc giải quyết TTHC tại Trung tâm. Mọi yêu cầu về hồ sơ thủ tục được niêm yết công khai, minh bạch. Các cán bộ hướng dẫn rất tận tình, chu đáo. Quy trình TTHC của tỉnh đơn giản, dễ hiểu. TTHC của đơn vị tôi được giải quyết hết sức nhanh gọn, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức, đặc biệt là không gặp phiền hà và vướng phải cơ chế xin – cho như trước”.
Tuy đã được các tổ chức cá nhân đánh giá tích cực trong công tác CCHC, nhưng đối với tỉnh Quảng Ninh, việc giải quyết TTHC theo phương thức trực tuyến hay trực tiếp vẫn được các cấp có thẩm quyền giám sát chặt chẽ, nhằm đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho công dân, ngăn chặn các tiêu cực phát sinh.
Tại Phòng Thường trực giám sát, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, tín hiệu từ hệ thống camera giám sát liên tục được truyền về từ 13/13 trung tâm hành chính công cấp huyện và khu vực bàn làm việc của 100% CBCC thường trực các bộ phận Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh theo thời gian thực. Chịu trách nhiệm giám sát hoạt động phục vụ công dân của các trung tâm và đội ngũ CBCC là một đồng chí lãnh đạo phòng chuyên môn của Thanh tra tỉnh. Toàn bộ hoạt động nghiệp vụ hành chính từ đón tiếp, trao đổi thông tin công việc, hướng dẫn các bước tiếp nhận hồ sơ, thực hiện trình tự giải quyết hồ sơ, trả kết quả TTHC… đều được giám sát chặt chẽ. Cùng với đó, dữ liệu về tiến độ giải quyết TTHC trên toàn địa bàn tỉnh được cập nhật theo thời gian thực trên hệ thống, phục vụ lãnh đạo Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh theo dõi, giám sát, đốc thúc…
Ông Nguyễn Trọng Khánh, Trưởng Phòng Thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo I (Thanh tra tỉnh), thường trực giám sát tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, cho biết: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát tại Trung tâm, tôi thấy ý thức, tinh thần trách nhiệm và trình độ nghiệp vụ của CBCC ngày càng được nâng cao. Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ giám sát tại đây, tôi không nhận được bất cứ khiếu nại nào của công dân liên quan đến ý thức, thái độ phục vụ của CBCC. Các ý kiến khiếu nại, góp ý chủ yếu liên quan đến quy trình TTHC…”.
Trục nội dung Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công trong Chỉ số PAPI đo lường cảm nhận và trải nghiệm của người dân về hiệu quả phòng chống tham nhũng của các cấp chính quyền ở 4 thành phần: Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương; Kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công; Công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công; Quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền địa phương.
Thực tế cho thấy, suốt thời gian qua công tác phòng, chống tham nhũng trong khu vực công luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng thực hiện bằng nhiều giải pháp đồng bộ, bài bản. Ba tháng đầu năm 2023, các cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị toàn tỉnh đã thực hiện 13 cuộc kiểm tra, 12 cuộc giám sát, đồng bộ với chương trình thanh tra cấp tỉnh, thanh tra chuyên ngành cấp sở; Thanh tra tỉnh, thanh tra các địa phương triển khai 52 cuộc thanh tra; thanh tra các sở triển khai 118 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Các cuộc thanh, kiểm tra, giám sát đều được thực hiện nghiêm, giúp chấn chỉnh ngay những vi phạm từ khi mới phát sinh, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành khuyết điểm, sai phạm lớn. Từ các tin phản ánh, đơn tố cáo được tiếp nhận, giải quyết, tỉnh cũng đã phát hiện các vụ có dấu hiệu tham nhũng; khởi tố các vụ án hình sự với tội danh tham nhũng và xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức, buộc thôi việc, cảnh cáo, khiển trách… nhiều đối tượng bị tố cáo, phản ánh.
Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và các giải pháp đồng bộ trong công tác kiểm soát tham những trong khu vực công đã thể hiện quyết tâm chính trị cao của tỉnh trong phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực. Qua đó góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bộ máy hành chính nhà nước, đội ngũ CBCC liêm chính, phục vụ; củng cố, nâng cao sự hài lòng và niềm tin của nhân dân vào hệ thống chính quyền địa phương.