Theo TTXVN, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Cholnan Srikaew cho biết chính phủ nước này sẽ khẩn trương ban hành dự luật cấm sử dụng cần sa cho mục đích giải trí.
Phát biểu với báo giới ngày 6/2, ông Cholnan cho biết dự luật mới sẽ được đề xuất tại cuộc họp nội các vào tuần tới. So với luật hiện tại, dự luật mới chỉ cho phép sử dụng cần sa cho mục đích y tế và sức khỏe, còn việc sử dụng cho mục đích giải trí là bất hợp pháp.
Theo Bộ trưởng Y tế Cholnan, kể từ khi lên nhậm chức vào tháng 8 năm ngoái, Thủ tướng Srettha Thavisin đã thường xuyên lên tiếng phản đối việc sử dụng cần sa để giải trí và cho rằng chỉ được phép sử dụng loại chất này cho mục đích y tế. “Dùng cần sa để giải trí có thể làm các vấn đề ma túy lan rộng hơn”, ông Srettha cảnh báo.
Thái Lan từng nổi tiếng với luật chống ma túy nghiêm ngặt và những người bị phát hiện tàng trữ cần sa có thể phải đối mặt với án tù 10 năm và một khoản tiền phạt khổng lồ.
Tuy nhiên, trong sự bùng nổ toàn cầu về cần sa y tế, năm 2018, Thái Lan trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á phê duyệt cần sa cho mục đích y tế.
Tháng 6/2022, Thái Lan đưa cần sa ra khỏi danh sách chất cấm. Quyết định này được cho là động thái sinh lợi cho nền kinh tế với du lịch là cốt lõi của Thái Lan, vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Đại học Thương mại Thái Lan dự báo thị trường cần sa tại nước này có thể đạt 1,2 tỷ USD vào năm 2025.
Những thay đổi này đã khiến việc trồng, buôn bán cần sa và các sản phẩm từ cây gai dầu hoặc sử dụng bất kỳ bộ phận nào của cây để điều trị bệnh không còn là tội hình sự nữa.
Kể từ đó, hàng nghìn cơ sở phân phối cần sa đã mọc lên trên khắp Thái Lan, cũng như các cơ sở kinh doanh theo chủ đề cần sa khác như “quán cà phê cỏ”, spa gai dầu và dịch vụ chăm sóc sắc đẹp. Các thành phố như Chiang Mai và thủ đô Bangkok thậm chí còn tổ chức lễ hội cần sa.
Tình trạng trên khiến nhiều người chỉ trích và kêu gọi giới chức Thái Lan thắt chặt hơn luật kiểm soát cần sa.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, báo Công an Tp.HCM)