Sông Giăng dài khoảng 100 km, bắt nguồn từ khe Khặng huyện Con Cuông, chảy qua các huyện Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương và hòa vào sông Lam tại xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương.
Sông Giăng sở hữu cảnh đẹp thiên nhiên kỳ vĩ, là địa điểm du lịch lý tưởng với nhiều hoạt động như: Đu dây mạo hiểm, chèo thuyền, khám phá đời sống bà con dân tộc thiểu số… Đến với sông Giăng, du khách còn được thưởng thức món cá mát đặc biệt thơm ngon, ăn một lần sẽ nhớ mãi.
Cá mát sông Giăng nhỏ con, chỉ bằng hai, ba ngón tay người lớn. Cá mát sống từng đàn ở các khe đá và nơi nước chảy xiết. Chúng thường bơi kiếm ăn vào ban đêm. Từ chập tối trở đi cá bắt đầu theo nhau đi tìm kiếm các loại côn trùng trên mặt nước, các loại rong tảo dọc khe suối, sông.
Cá mát là loài cá đặc sản, quý hiếm và có giá trị kinh tế cao (có giá từ 300.000 – 400.000 đồng/kg ). Thịt cá trắng, thơm, không tanh, lành và nhiều chất dinh dưỡng, xương cá rất cứng và ít xương, mỡ béo là nguồn thức ăn bổ dưỡng được nhiều người ưa thích.
Đối với người Thái vùng thượng nguồn sông Giăng, cá mát được chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon nức tiếng. Cá mát được nướng giòn chấm chẻo (muối hạt, ớt xanh, mắc khén) hoặc để nguyên con nấu với canh rau rừng, ăn có vị đắng, ngọt rất đặc trưng. Ngoài ra, người Thái cũng thường chế biến món “hỏ mọc” hoặc “hỏ cà nạp” truyền thống để phục vụ lễ, Tết, đãi khách phương xa…
Còn người dân huyện Thanh Chương, nơi cuối nguồn sông Giăng, từ bao nhiều đời nay các món ăn chế biến từ cá mát như cá mát nướng, cá mát rán, cá mát kho tương, cá mát nấu canh chua… là món ăn không thể thiếu trong những ngày lễ, Tết. Khi nói đến đặc sản cá mát, người dân ở huyện Thanh Chương đã có câu “ngọt ngon cá mát sông Giăng, thơm khoai chợ Rộ, mềm măng chợ Chùa”.
Cá mát sông Giăng là món ăn dân dã, là lựa chọn hàng đầu của thực khách khi khám phá vẻ đẹp của sông Giăng, miền Tây xứ Nghệ. Chỉ cần ăn một lần, thực khách sẽ nhớ mãi hương vị thơm ngon của loại cá đặc sản này.