Rượu bia, kẹo mứt, đồ chiên xào là món ngon quen thuộc ngày Tết nhưng người bệnh xương khớp nên hạn chế để tránh bùng phát hoặc nặng thêm triệu chứng bệnh.
Bác sĩ Phạm Hoàng Hải, khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chế độ dinh dưỡng là một phần quan trọng trong phác đồ điều trị các bệnh lý về xương khớp như gout, thoái hóa khớp… Tâm lý thả lỏng chế độ ăn uống, không kiêng khem nhiều trong những ngày Tết có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về xương khớp ở một số người.
Bác sĩ Hải khuyên người bệnh xương khớp nên hạn chế một số thực phẩm dưới đây.
Bánh chưng
Bánh chưng và các món ăn được làm từ gạo nếp có tính gây viêm, dễ khiến các triệu chứng đau, sưng khớp trầm trọng hơn. Bánh chưng còn chứa lượng lớn tinh bột và chất béo, có thể gây tăng cân nếu dùng nhiều, từ đó gia tăng áp lực lên các khớp chịu lực như khớp gối, khớp háng, khớp bàn chân.
Đồ ngọt
Nhiều nghiên cứu cho thấy ăn nhiều đồ ngọt làm nặng hơn các triệu chứng của bệnh xương khớp. Tiêu thụ nhiều đường còn làm người bệnh dễ tăng cân, tăng áp lực lên khớp, gây đau và đẩy nhanh tốc độ thoái hóa, nhất là các khớp lớn như khớp gối hoặc khớp háng. Dù Tết là thời điểm có nhiều bánh kẹo, mứt, nước ngọt… ngon miệng, người bệnh có thể ăn nhưng cần tiết chế.
Thực phẩm chế biến sẵn
Ngày Tết, nhiều gia đình có xu hướng sử dụng thực phẩm chế biến sẵn để tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, loại thực phẩm này không tốt cho sức khỏe và tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh, trong đó có viêm khớp. Chúng thường chứa nhiều chất bảo quản, natri gây ra phản ứng viêm và tăng các cơn đau nhức xương khớp.
Các loại thực phẩm như giò, chả, xúc xích… thường có hàm lượng muối cao, thúc đẩy nhanh quá trình lão hóa tế bào. Khi nạp nhiều natri vào cơ thể cũng giảm khả năng hấp thụ canxi, dễ khởi phát tình trạng đau nhức xương khớp hoặc nặng thêm triệu chứng bệnh.
Rượu bia
Rượu bia có thể gây ra mất xương vì cản trở quá trình hấp thụ canxi của cơ thể. Chất cồn còn làm rối loạn các chất điện giải, dẫn đến thiếu hụt các dưỡng chất cần thiết giúp bôi trơn khớp, gây đau nhức xương khớp sau khi uống rượu bia. Người bệnh gout uống rượu bia còn tăng axit uric máu, dễ dẫn đến các đợt sưng đau khớp cấp tính, ảnh hưởng đến vui chơi ngày xuân.
Để tránh mất vui những ngày đầu năm, người bệnh không cần phải kiêng khem tuyệt đối các loại thức uống có cồn nhưng cần có chừng mực. Mỗi ngày, nam giới không nên uống quá hai đơn vị cồn, nữ không nên quá một đơn vị và không uống quá 5 ngày trong một tuần.
Một đơn vị cồn bằng 10 g cồn nguyên chất, tương đương với 3/4 chai bia 330 ml, một ly rượu vang 100 ml, một cốc bia hơi 330 ml hoặc một chén rượu mạnh 30 ml.
Bác sĩ Hải khuyến cáo để tránh khởi phát hoặc làm trầm trọng hơn các triệu chứng đau nhức xương khớp trong những ngày đầu năm, người bệnh còn cần uống thuốc đầy đủ, giữ ấm cơ thể, tích cực vận động, không ngồi một chỗ quá lâu, hạn chế mang vác vật nặng… Người bệnh nên đi bác sĩ khám nếu xuất hiện những cơn đau sưng khớp dữ dội, liên tục trong ngày hoặc các bất thường khác.
Phi Hồng