Sau một buổi mua sắm dọc phố Chùa Bộc (Đống Đa), anh Nguyễn Quang Huy (27 tuổi) đã mua được 3 túi quần áo ưng ý với tổng giá trị khoảng 5 triệu.
“Chỉ có những dịp đặc biệt, các cửa hàng mới giảm giá nhiều thế này nên mình tranh thủ mua cho bản thân và gia đình dịp Tết” – anh Huy chia sẻ.
Là người thường xuyên mua sắm trên phố Chùa Bộc, chị Nguyễn Ngọc Thuỷ (48 tuổi) cho hay, những chương trình giảm giá, khuyến mãi khiến sản phẩm hết rất nhanh, chỉ cần đi muộn vài ngày là có thể không còn hàng.
“Năm nay do bận nên đến ngày 28 âm lịch, mình mới đi xem quần áo để sắm Tết, nhưng những mẫu mình thích đã bán hết từ vài ngày trước” – chị Thuỷ nói.
Chị Ngọc Thuỷ cho rằng, đây là thời điểm nhiều người dân xuống phố để thoả sức mua sắm, tự thưởng cho bản thân sau một năm làm việc vất vả.
Theo một nữ nhân viên cửa hàng bán quần áo trên phố Chùa Bộc, từ khi áp dụng nhiều ưu đãi, giảm giá, cửa hàng cô ngày càng đông khách, số lượng bán ra mỗi ngày đều ổn định.
“Việc này giúp cửa hàng tôi bán được một số lượng lớn sản phẩm, từ đó có thể nhập thêm nhiều mẫu mới và hợp xu hướng hơn” – nữ nhân viên cho hay.
Tuy nhiên, nhân viên này cho biết, do lượng khách đông nên nhân viên tại các cửa hàng phải làm việc liên tục để phục vụ nhu cầu người dân.
Theo ghi nhận của Báo Lao Động vào trưa ngày 7.2, các cửa hàng quần áo, mỹ phẩm tại những “tuyến phố thời trang” như đường Cầu Giấy, đường Chùa Bộc đều tung ra nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá sâu nhằm thu hút người dân dịp cận Tết.
Với nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn, các cửa hàng này luôn trong tình trạng tấp nập “người mua, kẻ bán”. Tuy nhiên, lượng xe máy của khách hàng bên ngoài đã đỗ kín vỉa hè, thậm chí tràn xuống lòng đường khiến con phố luôn trong tình trạng ùn tắc.
Những chương trình như “Xả kho”, “Mua 1 tặng 1” hay “Giảm giá 80%” là hình thức được các cửa hàng lựa chọn để đánh vào tâm lý khách mua sắm. Thậm chí, có những tiểu thương đã chọn cách treo quần áo, bày bán ngay trên vỉa hè để thu hút khách hàng.