Đoàn phượt về làng Vân
|
Về làng Vân
Sau khi tham dự 2 buổi gặp mặt mà các sinh viên ở Huế tổ chức để lên kế hoạch cho chuyến phượt khám phá làng Vân (Đà Nẵng), đầu tháng 11, tôi bắt đầu theo chân những bạn trẻ trên cung đường phượt định sẵn. Ngoài 2 thành viên ban tổ chức (BTC), đoàn còn có 24 người được chia làm 3 nhóm thi đua vượt các thử thách, đa số là người chưa từng quen biết, đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau nhưng cùng học tại các trường cao đẳng, đại học ở Huế.
Sáu giờ sáng, chúng tôi tập trung ở Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh. Sau khi kiểm tra lại hành trang của các ban hậu cần, y tế, các xe lần lượt chuyển bánh theo thứ tự được sắp đặt trước, có người làm nhiệm vụ dẫn đường và chốt đoàn. Quy ước của đoàn là các xe phải nhớ người đi trước và sau mình, tránh đảo lộn đoàn phượt trong suốt hành trình.
Vượt qua 3 đỉnh đèo của Huế sau hơn 2 tiếng, cả đoàn dừng chân ở điểm gửi xe trước khi cuốc bộ gần 10km xuống làng Vân. Đây là một ngôi làng có dải cát như vầng trăng lưỡi liềm nằm dưới chân đèo Hải Vân hướng ra vịnh Vân Chơn, từng là nơi sinh sống của những người bị bệnh phong ở Đà Nẵng và nhiều địa phương miền Trung từ nhiều thập kỷ trước. Vì lẽ đó, trong suốt hành trình đi bộ, những bạn trẻ ghé vào tai nhau về lý do tham gia chuyến đi này, hầu hết muốn tìm hiểu về cuộc sống, nơi ở đầy thiếu thốn ngày xưa của những người mắc căn bệnh xã hội bên cạnh khám phá khung cảnh yên bình tách biệt với chốn ồn ào phố thị.
Qua con đường dốc núi gồ ghề, đoạn đường sắt khá dài, chui lủi trong những lùm cây rậm rạp, đi trên bãi cát nóng, đối mặt với thử thách giải mật thư để đi tiếp, tôi và các bạn trẻ mới đến được đích. Nghỉ ngơi giây lát, BTC tiếp tục đưa các các thử thách sinh tồn: dựng trại, kiếm thức ăn và nước uống,… rồi đến các trò chơi Teambuilding mức độ khó đòi hỏi trí thông minh và khả năng đoàn kết của mỗi đội.
Hành trình phượt làng Vân của đoàn trải qua kiểu thời tiết khá kỳ lạ, nắng mưa xen lẫn. Điều này phù hợp với dự tính ban đầu của BTC đặt ra. Bởi họ muốn từng thành viên nếm trải những khó khăn, tự chống chọi với từng thử thách để trưởng thành. Trong đêm khuya, tôi và những người trong đoàn phượt vẫn say sưa với các trò chơi tập thể, kiếm củi nhóm lửa nướng ngô khoai, bánh tráng và ngồi chia sẻ những buồn vui của từng người. .
Đằng sau những chuyến phượt…
Sáng hôm sau, khi đã trải qua những thử thách cuối cùng, đoàn bắt đầu dọn dẹp trại để trở lại Huế. Trời biển động kéo theo những đợt mưa nặng hạt. Những thành viên chuyến phượt chưa quen với quá trình “hành xác” của tính chất phượt bắt đầu thấm mệt.
Sau chuyến phượt, BTC quyết định lập trang chia sẻ trên mạng xã hội Facebook (Confession). Trong nhiều chia sẻ, một số bạn trẻ cho rằng, họ tìm đến phượt để giải tỏa căng thẳng sau những ngày học tập, làm việc mệt mỏi. Phượt là cách giúp đối tượng sinh viên rèn luyện kỹ năng mềm. Đặc biệt với những sinh viên đang theo học các ngành du lịch ở Huế, phượt giúp họ trải nghiệm, học hỏi kỹ năng bổ trợ cho chuyên ngành. “Sau chuyến đi này, em nghiệm ra được nhiều thứ. Kiến thức sách vở và thầy cô dạy có những cái hay và thực tế của chuyến đi giúp em kiểm nghiệm điều đó, đồng thời tìm ra được những bài học mới cho mình”, Thùy Dung, sinh viên ngành tổ chức sự kiện (Khoa Du Lịch) nói.
Nhiều người thẳng thắn chỉ ra yếu điểm của các chuyến phượt cũng là điểm tồn tại trong rất nhiều đoàn phượt trẻ hiện nay, nhất là vấn đề quan tâm đến môi trường cảnh quan. Văn hóa phượt là đề tài được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Nhiều người nhìn vào các đoàn phượt và đặt câu hỏi, bỏ công đi phượt để trải nghiệm, thu về kiến thức và những cảm giác mới, nhưng nếu ý thức của người đi phượt còn hạn chế thì liệu chuyến phượt có thực sự thành công như mong muốn (?).
Sau chuyến đi làng Vân, nhiều ý kiến thừa nhận, sự ham vui khiến họ quên đi vấn đề tìm hiểu văn hóa, con người và những kiến thức cần có nơi mình đến. Cũng như lời mà nhiều người nói: “Đi làng Vân lần này, tuy chinh phục được đèo Hải Vân và những khó khăn ở làng Vân nhưng đã quên mất chinh phục đỉnh cao của kiến thức”.