Những ngày giáp tết, PVCFC vẫn đang khẩn trương chuẩn bị lô hàng phân bón chất lượng cao để chính thức xuất khẩu sang các thị trường khó tính của thế giới là Úc và New Zealand. Đây là tín hiệu vui đầu năm thể hiện nỗ lực và quyết tâm cao của Phân bón Cà Mau để từng bước đưa sản phẩm thâm nhập các thị trường lớn trên thế giới.
Theo lãnh đạo PVCFC, Phân bón Cà Mau luôn tìm kiếm cơ hội xuất khẩu dù là nhỏ và hiếm hoi trong giai đoạn hiện nay nhằm chủ động hơn nữa trong hoạt động vươn ra quốc tế. Năm 2023, Phân bón Cà Mau đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi giá nguyên liệu tăng, giá phân bón giảm, nhu cầu tiêu thụ trong nước thấp, cạnh tranh quyết liệt với phân bón nhập khẩu. Tuy nhiên, điểm nổi bật của Phân bón Cà Mau trong năm 2023 lại là mảng mở rộng xuất khẩu phân bón, góp phần gia tăng doanh thu.
Tính đến nay, sản phẩm của Phân bón Cà Mau đã có mặt tại khoảng 18 quốc gia trên thế giới, sản lượng xuất khẩu năm 2023 đạt 344.000 tấn, chiếm khoảng 26% tổng sản lượng tiêu thụ, giá trị xuất khẩu đạt 136 triệu USD, chiếm khoảng 25% doanh thu các sản phẩm phân bón. Trong đó, Campuchia là thị trường xuất khẩu lớn nhất với sản lượng và giá trị xuất khẩu chiếm hơn 60%.
Đối với thị trường Úc và New Zealand, đây là hai trong số các thị trường khó tính về nhập khẩu phân bón. Trong suốt thời gian qua, Phân bón Cà Mau từng bước cải thiện chất lượng từ dịch vụ vận chuyển, bốc xếp cho đến khi hàng hóa xuất khỏi kho nhà máy để đảm bảo chất lượng hàng hóa tốt nhất cho khách hàng với tốc độ xếp dỡ cao so với mặt bằng chung của các nhà xuất khẩu trên thế giới.
Hiện tại, Phân bón Cà Mau đang chuẩn bị cho lô hàng đầu tiên xuất khẩu sản phẩm Urê hạt đục sang thị trường New Zealand. Đây là một thị trường sẵn sàng trả giá rất cao so với các nước khác nhưng lại có những yêu cầu khắt khe về chất lượng hàng hóa. Bên cạnh đó, PVCFC cũng đang dần hoàn thiện thủ tục cuối cùng để được cấp phép nhập khẩu sản phẩm Urê hạt đục của Phân bón Cà Mau vào thị trường Úc.