Người nấu ăn nên bảo vệ mặt, mũi, miệng; nêm gia vị vừa đủ; bố trí căn bếp thông thoáng để hạn chế kích ứng đường hô hấp.
Người Việt sử dụng nhiều gia vị như tiêu, tỏi, nghệ để làm phong phú cho món ăn hàng ngày. Tuy nhiên, một số gia vị có thể ảnh hưởng đến đường thở, làm tăng nặng các bệnh hô hấp sẵn có.
Bác sĩ Lã Quý Hương, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, lưu ý gia vị ở dạng bột có kích thước nhỏ, lơ lửng và phát tán trong không khí, dễ hít phải, ảnh hưởng chức năng hô hấp. Người mắc bệnh hô hấp mạn tính như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) sặc bột gia vị có thể khởi phát các đợt cấp nguy hiểm.
Bác sĩ Hương lưu ý cách sử dụng gia vị khi nấu ăn để đảm bảo an toàn sức khỏe.
Nấu ăn trong không gian thoáng
Nhiều gia đình sử dụng bếp ga, bếp củi có thể phát sinh nhiều khí CO2 và CO có hại. Không gian bếp nên đảm bảo thoáng khí, thông gió để hạn chế nguy cơ tiếp xúc với khí độc hại.
Nêm gia vị vừa đủ
Một số gia vị như hạt tiêu không tan trong quá trình nấu ăn, dễ dàng hít phải, nuốt phải có thể gây ho, hắt hơi. Khi nêm quá nhiều gia vị, món ăn có hương vị gắt, quá chua, quá cay có thể kích thích đường hô hấp.
Sử dụng nguyên liệu tươi
Ưu tiên dùng nguyên liệu tươi để hạn chế nguy cơ tiếp xúc với các gia vị dạng bột. Gia vị tạo màu, tạo mùi như tỏi, ớt, gừng, nghệ ở dạng tươi đều dễ bảo quản, chế biến.
Nguyên liệu tươi như tỏi, hành, hành tây có lượng tinh dầu nhiều, mùi nồng. Người nội trợ có thể áp dụng một số mẹo ướp lạnh, đốt, ngâm qua giấm… để làm giảm lượng tinh dầu tiết ra khi sơ chế thực phẩm.
Bảo vệ mắt, mũi, miệng khi nấu ăn
Bác sĩ Hương cho biết nguyên tắc hạn chế nguy cơ kích ứng đường thở là không tiếp xúc với các tác nhân gây ra tình trạng này. Người nấu ăn có thể bảo vệ mắt, mũi, miệng bằng cách đeo kính, khẩu trang, mặt nạ chống giọt bắn.
Ho, hắt hơi là phản xạ tự nhiên của cơ thể khi tiếp xúc với dị vật. Bác sĩ Hương khuyến cáo người bị sặc khi tiếp xúc với gia vị dạng bột nên cố gắng ho để tống dị vật ra ngoài. Nếu vẫn không thể làm sạch đường thở có thể uống nước để giảm nguy cơ các dị nguyên bám vào bề mặt niêm mạc đường hô hấp.
Trường hợp người bệnh mắc bệnh hô hấp mạn tính bị kích ứng đường thở, người nhà cần chú ý quan sát để xử trí. Người bệnh có thể sử dụng thuốc giãn phế quản, đến bệnh viện để được khám.
Khuê Lâm
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |