Không chỉ có hương vị thơm ngon mà còn có tác dụng giảm cân, giữ dáng nên bưởi được nhiều người yêu thích.
Với quả bưởi, phần chúng ta ăn là múi với rất nhiều dinh dưỡng. Tuy vậy, ngoài phần múi, các phần khác của quả bưởi như vỏ bưởi, cùi bưởi, hạt bưởi cũng đều có công dụng nhất định.
Người ta có thể dùng vỏ bưởi, hạt bưởi ép tinh dầu, gội đầu cho mượt tóc, cùi bưởi có thể làm món chè bưởi rất thơm ngon…
Có nghiên cứu đã chỉ ra, quả bưởi chứa đến hơn 15 loại vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe.
Trái cây mơ ước của người bị tiểu đường
Bưởi có đến 91% là nước, có chỉ số đường huyết là 25 và có lượng chất xơ hòa tan rất cao.
Bưởi cũng chứa naringenin – một hợp chất có vị đắng tự nhiên giúp làm tăng độ nhạy cảm của cơ thể với insulin. Chính vì thế, quả bưởi là trái cây “mơ ước” của bệnh nhân tiểu đường.
Ăn bưởi rất có lợi với các bệnh nhân tiểu đường. Bổ sung thường xuyên vào thực đơn có thể làm giảm lượng glucose, hạ đường huyết và ngăn ngừa các biến chứng do bệnh tiểu đường.
Ở người không mắc bệnh, bưởi cũng được khuyến cáo ăn thường xuyên để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh.
Hỗ trợ giảm cân, giữ dáng
Các nhà nghiên cứu đã chứng minh, bưởi có chứa rất ít calo, hàm lượng calo được đánh giá thuộc nhóm thấp nhất trong các loại trái cây phổ biến.
Mùi thơm của quả bưởi có tác dụng giảm cảm đói bụng và thèm ăn. Hơn nữa khi bạn ăn bưởi, cơ thể tiết ra nhiều hơn hormone cholecystokinin. Chất này có tác dụng điều hòa dịch tiêu hóa, ức chế cơn đói, giảm lượng calo nạp vào cơ thể.
Hàm lượng chất xơ cao nhưng lại rất ít calo nên bưởi cũng là lựa chọn tốt để bạn thỏa mãn cơn đói, tránh nạp quá nhiều calo vào cơ thể.
Tăng cường hệ miễn dịch
Bưởi chứa hàm lượng Vitamin C lớn cùng các chất chống oxy hóa khác, có tác dụng hỗ trợ hệ miễn dịch, giảm tổn thương tế bào do gốc tự do.
Một số nghiên cứu cho thấy, những người mắc chứng cảm lạnh thông thường khi bổ sung nhiều Vitamin C thì có thời gian hồi phục nhanh đáng kể. Ngoài ra, trái bưởi cũng chứa nhiều Vitamin A có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh truyền nhiễm, cải thiện tình trạng viêm sưng.
Các chất dinh dưỡng đa dạng như Vitamin B, đồng, kẽm, sắt,… trong bưởi cũng hỗ trợ hệ miễn dịch của cơ thể được khỏe mạnh, giúp bạn không chỉ có sức khỏe tốt mà làn da cũng mịn màng, săn chắc hơn.
Hỗ trợ tiêu hóa
Do thói quen ăn uống và lối sống hiện đại, ngày càng nhiều người gặp tình trạng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa. Khi đó, bưởi là thực phẩm phù hợp hỗ trợ hệ tiêu hóa, giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
Khi bị khó tiêu, bạn có thể ăn vài múi bưởi. Tác dụng tới khá nhanh nhờ việc làm dịu cơn nóng và kích ứng của dạ dày.
Bên cạnh đó, chất xơ trong bưởi cũng giúp dịch chất tiêu hóa trong đường ruột cũng được đẩy mạnh lưu thông, từ đó giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Với hàm lượng chất xơ cao và bột thực vật có trong bưởi, ăn thường xuyên sẽ hỗ trợ điều hòa chu kỳ bài tiết của cơ thể.
Nhờ những lợi ích trên, nhiều nghiên cứu ứng dụng đã được triển khai để chiết xuất tinh chất của bưởi trong y học hiện đại với mục tiêu cải thiện tiêu hóa, khắc phục chứng đầy hơi khó tiêu.
Lưu ý khi ăn bưởi
Không ăn bưởi khi uống các loại thuốc
Mặc dù chứa nhiều dinh dưỡng tốt, nhưng bưởi có thể gây tác dụng phụ hoặc làm mất tác dụng khi sử dụng kèm với các loại thuốc.
Lý do là chất Furanocoumarin có trong trái bưởi cũng như các loại quả cùng họ khác có thể ảnh hưởng tới quá trình phân hủy thuốc trong cơ thể.
Khi bạn ăn khoảng 1 trái bưởi hoặc 200ml nước ép bưởi, nồng độ chất Furanocoumarin có thể gây tương tác thuốc đáng kể và tác dụng không mong muốn.
Trong một số trường hợp, chất này trong bưởi có thể làm giảm khả năng hấp thu thuốc, tăng hàm lượng thuốc trong máu và gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Không ăn bưởi khi đói
Bưởi chứa một lượng lớn axit. Vì thế bạn nên tránh ăn bưởi lúc đói để không hại dạ dày. Đặc biệt, những người đang trong chế độ giảm cân cần ăn bưởi sau khi đã ăn cơm hoặc đồ ăn nhẹ lót dạ. Như vậy sẽ phát huy tác dụng cải thiện tiêu hóa tốt hơn cho bạn.