Tài sản của Nga bị đóng băng trong các tài khoản ở châu Âu đang tạo ra hàng tỷ USD tiền lãi. Khoản tiền lãi này – được phương Tây – cho rằng, có thể được chuyển sang giúp Ukraine tái thiết. Liên minh châu Âu (EU) đang tiến một bước gần hơn để thực hiện điều đó.
Phía Đức cho rằng, việc tịch thu lợi nhuận phát sinh từ tài sản bị đóng băng của Nga ở Euroclear là một hướng đi đúng đắn. (Nguồn:Counter Punch) |
Sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine vào tháng 2/2022, các nước phương Tây đã đóng băng gần một nửa dự trữ ngoại hối của Moscow – khoảng 300 tỷ Euro (tương đương 327 tỷ USD). Khoảng 200 tỷ Euro (tương đương 218 tỷ USD) nằm ở EU – chủ yếu tại Euroclear, một tổ chức tài chính đảm bảo an toàn tài sản cho các ngân hàng, sàn giao dịch và nhà đầu tư.
Ngày 30/1, các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý gói tài trợ quan trọng trị giá 50 tỷ USD cho Ukraine và tiến gần hơn đến việc hoàn tất kế hoạch sử dụng lợi nhuận tích lũy trong tài khoản của Euroclear.
Euroclear tiết lộ, họ đã kiếm được 5,2 tỷ Euro (tương đương 5,6 tỷ USD) tiền lãi từ thu nhập được tạo ra từ tài sản của Nga bị trừng phạt.
Tổ chức trên tuyên bố: “Số lượng các biện pháp trừng phạt và phản đối được đưa ra kể từ tháng 2/2022 là chưa từng có và tiếp tục tác động đáng kể đến hoạt động hàng ngày của Euroclear”.
Uỷ ban châu Âu (EC) cũng đang chuẩn bị một dự luật khác để tịch thu lợi nhuận từ tài sản bị đóng băng của Nga và chuyển số tiền đó vào một quỹ dành cho Ukraine.
EU và các đồng minh quyết tâm buộc Moscow phải gánh một phần chi phí khổng lồ để tái thiết Kiew. Số tiền tái thiết được Ngân hàng Thế giới ước tính là 411 tỷ USD trong thập niên tới.
Cuộc thảo luận về việc sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga và lợi nhuận phát sinh từ số tài sản này mà Euroclear đang nắm giữ, đang gặp trở ngại vì những khó khăn về mặt kỹ thuật và pháp lý.
Báo cáo của Euroclear viết: “Trọng tâm của Euroclear là giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn về pháp lý và về mặt vận hành có thể phát sinh đối với chính trung tâm và đối với khác hàng của trung tâm từ việc thực thi bất kỳ đề xuất nào của EC”.
Chính phủ Đức cho rằng, việc tịch thu lợi nhuận phát sinh từ tài sản bị đóng băng của Nga ở Euroclear là một hướng đi đúng đắn, nhưng việc tịch thu số tài sản gốc có thể gây ra những hệ quả nghiêm trọng đối với đồng Euro.
Một nhà ngoại giao EU nói với CNN rằng, các nước thành viên EU hiện đã đồng ý về nguyên tắc khai thác khoản thu nhập lãi từ số tiền bị đóng băng của Nga, dù chi tiết về cách thức thực hiện việc này trên thực tế vẫn chưa được giải quyết.
TIN LIÊN QUAN | |
Lộ diện ‘bộ ba’ giúp kinh tế Nga trụ vững; đâu là ‘bức màn sắt’ Moscow và châu Âu? |
Các luật sư đang nghiên cứu nội dung của thỏa thuận trước khi gửi lại cho các nước thành viên EU để phê duyệt lần cuối.
Phía Euroclear cũng đang tập trung vào việc “giảm thiểu rủi ro pháp lý và hoạt động tiềm ẩn” có thể phát sinh từ đề xuất liên quan đến việc chuyển tiền cho Ukraine.
“Chi phí hành chính bổ sung liên quan đến các lệnh trừng phạt đã tiêu tốn 62 triệu Euro vào năm ngoái. Đến thời điểm hiện tại, tiền mặt trên bảng cân đối kế toán của tổ chức đã tăng 38 tỷ Euro so với cùng kỳ năm 2023, lên 162 tỷ euro (175 tỷ USD), được thúc đẩy nhờ các khoản thanh toán liên quan đến tài sản bị đóng băng của Nga, bao gồm cả trái phiếu”, Euroclear thông tin.
Các khoản thanh toán nói trên, bao gồm tiền lãi trả cho trái phiếu, thông thường sẽ được thực hiện vào các tài khoản ngân hàng Nga. Tuy nhiên những tài khoản của Nga đã bị chặn bởi các lệnh trừng phạt và đang tạo ra số tiền lãi khổng lồ. Thậm chí, theo Euroclear, tiền lãi còn có thể cao hơn thế nữa do lãi suất tăng liên tục gần đây.
Trong khi đó, phía Mỹ muốn tịch thu toàn bộ tài sản của Nga ở nước ngoài, thay vì chỉ phần lợi nhuận phát sinh ở Euroclear.
Mới nhất, ngày 4/2, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đề xuất phát hành trái phiếu cho Kiev với đảm bảo là các tài sản bị phong tỏa của Ngân hàng Trung ương Nga. G7 và Liên minh châu Âu (EU) đang thảo luận kế hoạch sử dụng hơn 250 tỷ USD tài sản bị đóng băng của Ngân hàng trung ương Nga làm tài sản thế chấp để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine.
Phản ứng về hành động trên, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo rằng, bất cứ ai chiếm đoạt tài sản của Nga sẽ phải đối mặt với hậu quả lâu dài.
Cũng theo ông Peskov, một kế hoạch tịch thu tài sản Nga như trên là bất hợp pháp và nhấn mạnh rằng Moscow sẽ làm mọi việc để bảo vệ lợi ích của mình.
“Sẽ rất lâu, thậm chí trong nhiều thập niên, những người đưa ra quyết định tịch thu tài sản của Nga sẽ phải đối mặt với hậu quả từ hành động của họ. Việc xâm phạm tài sản của quốc gia khác làm suy yếu nền tảng của toàn bộ hệ thống kinh tế”, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh.
Hiện tại, việc tịch thu hay sử dụng lãi suất thu được từ tài sản Nga… vẫn đang được phương Tây “đặt lên bàn cân” và chưa đi đến kết quả cuối cùng.