Thay vì đến các cửa hàng sắm Tết như trước đây, năm nay, Phạm Thị Ngọc Huyền (20 tuổi, Vĩnh Phúc) lựa chọn việc mua sắm online để tiết kiệm thời gian và có nhiều lựa chọn.
“Chỉ cần một thiết bị kết nối Internet là mình có thể mua mọi thứ trên các ứng dụng mua sắm và không mất công di chuyển nhiều nơi” – Ngọc Huyền chia sẻ.
Bên cạnh đó, Ngọc Huyền cho rằng mua sắm online cũng giúp bạn có sự so sánh về giá thành, chất lượng giữa các cửa hàng, từ đó đưa ra quyết định phù hợp với bản thân.
Với nhu cầu mua sắm và tặng quà cao, chị Nguyễn Lan Hương (45 tuổi, Tây Hồ) luôn lựa chọn việc mua hàng trực tuyến mỗi dịp cận Tết vì sự tiện lợi, nhanh chóng của phương thức này.
“Mình đã mua quà Tết qua mạng để tặng gia đình, bạn bè ở xa. Mình chỉ cần thanh toán trước là họ sẽ giao đến tận nơi nên khá tiện lợi” – chị Hương nói.
Tuy nhiên, chị Hương cho rằng, mua sắm online cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như mua phải hàng giả, hàng nhái hay sản phẩm không đúng mô tả. Sau những lần mua phải sản phẩm kém chất lượng, chị Hương đã cẩn trọng hơn khi đặt hàng trực tuyến.
“Sau nhiều lần mua phải hàng kém chất lượng, mình đã chọn mua của người quen hoặc mua tại những cửa hàng uy tín, có lượt đánh giá cao” – chị Hương chia sẻ.
Chị Trần Phương Thảo, chủ cửa hàng thời trang tại quận Hoàn Kiếm cho biết, cửa hàng chị đã kết hợp bán trực tuyến và trực tiếp hơn một năm trở lại đây để theo kịp xu hướng. Từ ngày kết hợp bán hàng trên nhiều nền tảng, các mẫu mới của cửa hàng chị đều thu hút được lượng khách lớn, ổn định.
“Từ khi bán online cửa hàng mình thu hút được thêm nhiều khách quen, lượng hàng bán ra gấp đôi trước đây, thậm chí, dịp cận Tết bán được gấp ba” – chị Thảo cho hay.
Lượng khách ngày càng đông, cửa hàng chị đã phải thuê thêm 5 nhân viên để tư vấn cho khách, gói hàng và phân loại đồ trong kho.
“Cửa hàng mình phải thuê thêm nhiều nhân viên để kịp phục vụ người dân, nhất là những ngày lễ” – chị Thảo chia sẻ.
Theo báo cáo về lĩnh vực thương mại điện tử vừa được Bộ Công Thương công bố, năm 2023, với 74% người dân sử dụng internet, Việt Nam có khoảng 59 – 62 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và giá trị mua sắm mỗi người ước đạt khoảng 300-320 USD. Con số này năm 2022 là 288 USD.
Có thể thấy, trong suốt những năm qua, thương mại điện tử Việt Nam luôn giữ được tốc độ tăng trưởng từ 16-30%, dự kiến đạt 20,5 tỉ đôla trong năm nay.