Học sinh chia sẻ ý kiến, đề xuất xây dựng trường học hạnh phúc, bày tỏ mong muốn về sự thay đổi từ thầy cô (phương pháp giảng dạy, quan tâm, lắng nghe học sinh nói…) và những ước mơ, tâm tư tuổi 18, định hướng nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp THPT.
Đây là lúc để giáo viên “lắng nghe học sinh”, hiểu các em nhiều hơn. Xin chia sẻ những “điều em muốn nói” của học sinh tôi đang trực tiếp dạy học.
Quả là một chặng đường đầy gian lao và khó khăn. Nhưng em tin rằng khi bước sang tuổi 18 và tốt nghiệp THPT sẽ mở ra cho em một tương lai tươi sáng hơn với nhiều con đường để lựa chọn. Em sẽ chọn con đường ĐH vì đây là hành trang để quyết định con người mình ra sao để bước vào đời. Tốt nghiệp THPT và cầm bằng tốt nghiệp ĐH trên tay sẽ là minh chứng cho hành trình 16 năm học tập để tìm được một công việc ổn định. Nhưng để có được nó, ta phải trải qua những ngày tháng đầy gian lao và thử thách. Ta phải nỗ lực hết mình, học tập một cách tốt nhất để có được kết quả đầy mong ước.
Nguyễn Đăng Duy
Ở lớp 12, em cảm thấy quá ít tiết học dành cho những môn quan trọng, khiến học sinh gặp khó khăn và bối rối. Đôi khi bài mới học xong chưa kịp hiểu đã phải chạy qua bài khác cho kịp chương trình. Học sinh bị choáng ngợp với những môn tính toán vì bài tập thì nhiều dạng mà giáo viên lại không có đủ thời gian để dạy hết. Vì vậy, em mong nhà trường có thể tăng thêm tiết học để giải bài tập. Ngoài ra, em rất thích tiết thiền sinh hoạt tỉnh thức năm lớp 10. Năm nay, em cảm thấy việc sinh hoạt tỉnh thức thực sự cần thiết để giải tỏa những năng lượng tiêu cực. Em mong nhà trường có thể duy trì tiết sinh hoạt tỉnh thức trong năm mới.
Lã Thùy Trâm
Bước sang tuổi 18, em có những hoài bão và ước mơ riêng. Em không mong tương lai sẽ làm được gì quá lớn lao, chỉ mong sau này sẽ trở thành sinh viên ĐH ngành luật và trở thành một người có ích cho xã hội.
Nguyễn Như Quỳnh
Xây dựng trường học hạnh phúc là việc làm rất cần thiết của bất cứ ngôi trường nào. Bằng nhiều hình thức khác nhau như: thảo luận, phát biểu suy nghĩ hoặc viết những điều gì đó mang tâm tư vào giấy, vẽ tranh… đều sẽ góp phần cho sự gắn kết và gần gũi giữa học sinh và giáo viên. Giáo viên nên đặt mình vào học sinh, hiểu tâm lý học sinh hơn để tránh những trạng thái không tích cực cho học sinh. Điều này khiến học sinh sẽ yêu quý giáo viên nhiều hơn, thầy trò hạnh phúc hơn.
Huỳnh Huy Tâm
Những ngày khép lại năm cũ để đón tết, thầy trò chúng tôi không đặt nặng kiến thức sách vở. Thầy trò tương tác nhiều bài học mang kiến thức thời sự, những tâm tư mà học sinh muốn nói. Tuy giản đơn nhưng rất cần thiết để thầy trò thêm hiểu nhau hơn, để thầy cô lắng nghe nhiều hơn từ thế hệ trẻ.