Theo quan niệm của người Việt, bàn thờ là nơi linh thiêng. Dịp cuối năm, mỗi gia đình thường thực hiện nghi thức lau dọn bàn thờ. Đây là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng.
Vậy lau dọn bàn thờ sao cho đúng để không phạm phải điều cấm kỵ? Dưới đây là hướng dẫn của chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà về việc lau dọn (bao sái) bàn thờ dịp Tết đúng cách, mang lại tài lộc cho gia chủ trong năm Giáp Thìn 2024.
1. Việc phải làm trước khi lau dọn bàn thờ
Trước khi lau dọn bàn thờ, gia chủ phải thắp 5 nén tâm hương và 5 chén nước xin được lau dọn ban án thờ.
Việc đầu tiên phải làm là bao sái bát hương (nếu nhà không có ngai thờ gia tiên), phải lau mặt nhật nguyệt của bát hương đầu tiên. Lau bát hương trước rồi mới lau đến các đồ thờ khác. Cần dùng khăn mềm để lau dọn, tránh làm xước hoặc bay màu sơn nhất là với các bức tượng trên bàn thờ.
Đối với các ngai thờ gia tiên hoặc bài vị thờ gia tiên bằng gỗ, lọ hoa sen gỗ, lục bình gỗ, bàn thờ gỗ,… tránh dùng rượu gừng, cồn hoá học, rượu nồng độ cao lau rửa vì sẽ làm hỏng vecni hoặc màu sơn son, thếp vàng.
Đối với các bức tượng bằng đồng, không dùng cồn, hoặc hóa chất để lau, tránh cho đồng khỏi bị oxy hóa, han gỉ thành màu xanh hoặc nhanh bị xỉn.
Sau khi đã làm sạch bụi bẩn các đồ thờ, gia chủ cần thay nước các bình hoa, thay nước cúng.
Tiếp đến gia chủ thực hiện rút tỉa chân hương, không nên để chân hương lưu cữ nhiều năm. Vì chân hương nhiều gây bụi và có nguy cơ gây hỏa hoạn. Chân hương sau khi rút sẽ mang đi hóa tro, đổ xuống sông hoặc vùi vào gốc cây sân vườn nhà, tuyệt đối không vứt ra rác.
Sau khi lau dọn xong, thắp 3 nén hương và mời tổ tiên, thần linh về quy tụ.
2. Những vật dụng cần thiết để bao sái bàn thờ
Khi tiến hành bao sái bàn thờ, bạn phải chuẩn bị chổi, khăn lau bàn thờ chuyên dụng. Cần chuẩn bị một chiếc bàn nhỏ, trên bàn đặt một tấm vải đỏ để đặt ngai thờ gia tiên, bài vị gia tiên.
Khi lau dọn cần dùng nước ấm, sạch.
Chuẩn bị nước ngũ vị hương và rượu đã ngâm gừng. Nước ngũ vị hương được đun từ 5 loại, trong đó hồi khô và quế khô là 2 vị cố định, kèm thêm 3 loại lá thơm tùy mùa, tùy vùng miền như: xả, hương nhu, trầu không, lá bưởi, gỗ vang, lá nếp thơm, lá mùi thơm…
3. Kiêng kị khi lau dọn bàn thờ
Người bao sái bàn thờ phải ăn mặc chỉnh tề, sạch sẽ. Trước ngày làm, nên tránh quan hệ ân ái vợ chồng. Trước đó 1 ngày tránh ăn các đồ ăn như thịt chó, thịt mèo, thịt rắn, tiết canh ba ba, rùa, cá chép, uống rượu rắn, rượu cao hổ cốt, mắm tôm, mắm tép…
Khi lau rửa bài vị của tổ tiên hay tắm tượng (tượng Phật, tượng các vị thần tài…) thì phải dùng nước ấm, không được dùng nước lạnh.
Tuyệt đối không lau bài vị của tổ tiên trước bài vị của thần Phật. Người xưa quan niệm như vậy Ɩà bất kính, mạo phạm với thần Phật.
Khi lau dọn, cấm xê dịch các bức tượng, ngai thờ gia tiên, bài vị gia tiên và đặc biệt là bát hương. Theo chuyên gia phong thủy, việc xê dịch bát hương có thể làm ảnh hưởng xấu tới sự liên kết cõi dương trần với cõi âm, khiến lòng thành không được chứng giám và gây ra xui xẻo, tai ương.
Trường hợp bất khả kháng phải xê dịch bát hương như bàn thờ bị mối mọt, nứt… thì khi lau dọn xong phải sám hối và hoàn nguyên vị trí như ban đầu. Đây gọi là thủ tục an vị ban thờ, an vị bát hương.
Khi lau dọn tổng vệ sinh bàn thờ, phòng thờ, tối kị mở toang các cửa phòng thờ ra. Ánh nắng, ánh sáng dương quang chiếu rọi vào bàn thờ gây tổn hại linh khí, phạm Dương Quang Sát. Phòng thờ quanh năm buông rèm tối, tránh ánh sáng bên ngoài, được dùng điện phía trong và suốt 24h bật 2 cây đèn đỏ hoặc đèn vàng.