Đã 40 năm trôi qua, cứ độ Tết đến, xuân về, ông Lỳ Xuyến Phù, bản A Pa Chải, xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) vẫn thường xuyên đồng hành cùng bộ đội biên phòng A Pa Chải đi tuần tra đường biên, mốc giới.

Từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới, ông Lỳ Xuyến Phù thấu hiểu được giá trị của hòa bình, ổn định và ý nghĩa thiêng liêng của từng cột mốc quốc gia. Đó là điều ông luôn mong muốn truyền lại cho thế hệ trẻ.

Ông Lỳ Xuyến Phù cùng các chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải tại cột mốc số 0.

Xã Sín Thầu là nơi sinh sống của 100% người dân tộc Hà Nhì. Mới đây, Sín Thầu được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện Mường Nhé. Những năm qua, dân cư xã Sín Thầu sinh sống ổn định, người dân đoàn kết xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa tiến bộ.

Cột mốc số 0 – nơi ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Trung Quốc trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

Trung tâm huyện lỵ Mường Nhé đổi thay từng ngày.

Ở Sín Thầu, nhắc đến vị già làng có uy tín thì mọi người dân đều gọi tên ông Pờ Dần Sinh ở bản Tả Khố Khừ. Những ngày cuối năm, ông Pờ Dần Sinh dù tuổi đã cao nhưng vẫn tất bật sửa soạn ban thờ tổ tiên để đón Tết.

Trong câu chuyện ngày Tết, ông Sinh cho biết, gia đình ông khá đông con cháu và người thân quen. Tết đến gia đình ông Sinh thường mổ con lợn to cả tạ để làm thực phẩm dùng cho nghi lễ cúng và đón khách đến nhà mừng năm mới.

Dạo quanh những bản làng của Sín Thầu, không khí mùa xuân ngập tràn khắp mọi nhà. Những ngày này ở xã ngã ba biên giới, người dân Hà Nhì ai nấy đều chuẩn bị đón Tết trong tâm trạng vui mừng và phấn khởi. Nhà nào cũng dự định thịt lợn, mổ gà, làm bánh dày để cúng tổ tiên và tiếp khách.

Ông Pờ Dần Sinh cùng vợ chuẩn bị bánh để đón con cháu và khách đến chơi.

Từ Sín Thầu xuôi về các xã phía trung tâm huyện lỵ Mường Nhé, không khí đón xuân của đồng bào dân tộc nơi đây đều rộn ràng.

Gia đình ông Hờ A Lệnh ở bản Nậm Pố 2 (xã Mường Nhé) đang tỉ mỉ chế tác những cây khèn có âm thành hay và đẹp mắt để chuẩn bị cho mùa lễ hội Xuân 2024.

Định cư 16 năm tại bản Nậm Pố 2, gia đình tuy không nhiều ruộng nương, nhưng ông Lệnh lại biết làm khèn Mông theo phương pháp truyền thống.

Với đức tính chăm chỉ, cần mẫn cộng với đam mê làm ra những cây khèn có âm thanh vang vọng – nhiều năm nay ông Lệnh nuôi sống bản thân và gia đình từ chính đam mê của mình. Ở tuổi ngoài ngũ tuần, ông Lệnh đang tiếp tục truyền nghề cho các con và những thanh niên trong bản có đam mê theo đuổi nghề làm khèn.

Theo ông Lệnh, khèn Mông dùng để thổi cho người chết và phục vụ cho các lễ hội văn hóa, văn nghệ. Những chiếc khèn làm ra không chỉ tiêu thụ trong vùng mà còn có người nước ngoài tìm mua.

Sắc Xuân đang ngập tràn khắp các bản làng Mường Nhé.

Trong những ngày lễ Tết, những người phụ nữ dân tộc Hà Nhì luôn mang trên mình trang phục truyền thống.

Trao đổi với PV, ông Bùi Minh Hải, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé cho biết, huyện vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng đời sống kinh tế và văn hóa của người dân đã và đang từng bước được nâng lên, đồng bào các dân tộc chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương biên giới ngày một ấm no và  giàu đẹp.

“Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Ðảng bộ huyện Mường Nhé sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp chính quyền tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; nâng cao chất lượng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở; xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn”, ông Bùi Minh Hải chia sẻ.

Trong không khí mùa xuân đặc trưng của Tây Bắc với sắc hồng của đào rừng, sắc trắng của hoa ban, sắc vàng của hoa dã quỳ… một cái Tết an lành, bình yên hiện rõ trong từng ánh mắt, nụ cười của người dân nơi cực Tây Tổ quốc.

Vietnamnet.vn

Source link