Khi bầu trời trở nên tấp nập, những doanh nghiệp dịch vụ phụ trợ như cung cấp suất ăn, bán hàng miễn thuế, cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực.
2023 là một năm nhiều thách thức với giới kinh doanh, nhưng không phải với ngành dịch vụ hàng không. Báo cáo tài chính của những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phụ trợ cùng ghi nhận tăng trưởng cao trong năm nay, khi thị trường hàng không dần phục hồi.
Công ty Suất ăn Hàng không Nội Bài (NCS), doanh nghiệp bán suất ăn và trà sữa trên các chuyến bay, báo lãi ròng quý IV hơn 16 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ năm trước.
Trong ba tháng cuối năm, doanh nghiệp này đạt doanh thu hơn 171 tỷ đồng, tăng gần 30%, với lãi gộp hơn 27 tỷ đồng. Ngoài tăng trưởng doanh thu, các khoản chi phí cũng được tiết giảm. Trong đó, chi phí lãi vay và chi phí bán hàng giảm khoảng 30% cùng kỳ.
“Lợi nhuận quý IV tăng 91% cùng kỳ năm trước do thị trường nội địa có sự phục hồi hoàn toàn và tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước”, NCS giải thích về mức tăng trưởng cao trong quý cuối năm 2023.
Lũy kế cả năm 2023, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu trà sữa Lotus Sky đạt doanh thu thuần 614 tỷ, tăng 50%. Lãi ròng tăng đột biến lên 46 tỷ đồng, gấp gần 9 lần cùng kỳ. Con số này một phần đến từ mức nền thấp năm trước, giai đoạn thị trường hàng không mới bước vào quá trình phục hồi.
Tại thị trường phía nam, Công ty Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco, SAS) cũng ghi nhận hoạt động kinh doanh chính tăng trưởng.
Sasco đạt doanh thu hơn 690 tỷ đồng trong quý cuối năm, tăng hơn 24% so với cùng kỳ 2022. Lợi nhuận gộp đạt gần 383 tỷ đồng, tăng 26%, với biên lãi gộp ở mức 55%.
Do trích lập công nợ phải thu khó đòi, lãi trước thuế ba tháng cuối năm của Sasco giảm hơn một nửa, xuống còn xấp xỉ 49 tỷ đồng. Dẫu vậy, nhờ khoản lãi lớn trong quý III, lũy kế cả năm ngoái, công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn lãi trước thuế hơn 333 tỷ đồng. Đây cũng là mức cao nhất từ khi bị đại dịch ảnh hưởng đến nay. Con số này tương đương 75% mức đỉnh lợi nhuận của Sasco đạt được năm 2019.
Trong khi trục bay chính Hà Nội – TP HCM tấp nập giúp hai doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lãi lớn, những doanh nghiệp khác có kết quả phân hóa hơn. Công ty Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (MAS) ghi nhận doanh thu quý IV/2023 tăng hơn 27% cùng kỳ, nhưng lợi nhuận giảm tới 87%.
Theo công ty, doanh thu tăng chỉ tập trung vào những mảng có biên lợi nhuận thấp như thương mại, trong khi các mảng có biên lợi nhuận cao như suất ăn hay đào tạo không tăng nhiều.
“Lĩnh vực cung cấp suất ăn chỉ tăng trưởng ở sân bay Đà Nẵng, còn tại sân bay Cam Ranh, các hãng hàng không Trung Quốc, Nga chưa mở lại nên mảng này có doanh thu thấp, không đủ bù chi phí”, giải trình của MAS viết và cho biết công ty đang chịu lỗ với mảng suất ăn tại sân bay Cam Ranh.
Dù giảm trong quý cuối năm, kết quả năm 2023 của MAS vẫn tích cực. Doanh thu cả năm đạt gần 147 tỷ đồng, tăng hơn 37%. Lãi ròng gấp hơn ba lần cùng kỳ, ở mức 3,7 tỷ đồng.
Kết quả tích cực trong năm 2023 cũng nối dài chuỗi phục hồi của ngành dịch vụ hàng không, sau giai đoạn 2020-2021 gặp nhiều khó khăn.
Khi Covid-19 diễn biến phức tạp, NCS, MAS từng lỗ nặng vì sân bay vắng khách. NCS khi đó phải chuyển hướng sang bán bánh trung thu, bán cơm văn phòng cho các đoàn tiếp viên, nhân sự trong ngành dịch vụ hàng không. Doanh nghiệp của ông Johnathan Hạnh Nguyễn đạt lợi nhuận năm 2021 chỉ hơn 3 tỷ đồng, so với mức trung bình vài trăm tỷ đồng mỗi năm. Bắt đầu từ năm 2022, kết quả kinh doanh của nhóm này dần trở lại, khi ngành hàng không bắt đầu phục hồi.
Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, ngành này sẽ hoàn toàn hồi phục vào cuối 2024, trong xu hướng chung của thị trường khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Theo cơ quan này, nhu cầu vận chuyển hành khách năm nay dự kiến hơn 84 triệu, tăng 15% so với năm 2023 và 6% so với năm 2019 – thời điểm trước Covid-19. Trong đó, khách nội địa dự kiến tăng trên 3%, đạt khoảng 41,5 triệu; khách quốc tế gần 43 triệu, tăng 16% so với năm ngoái.
Minh Sơn