Sáng 1/4, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp về tình hình Kinh tế-xã hội quý I, và bàn nhiệm vụ, giải pháp cho quý II/2023.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Văn Nên đã so sánh tình hình kinh tế thành phố trên góc độ y tế. Theo ông, năm 2022, sau cơn bạo bệnh thì kinh tế thành phố đã bật dậy được. Tới năm nay, người bệnh lại không đứng dậy đi thẳng được, mà tiếp tục lặp lại bệnh.
“Có thể do tác động từ bên ngoài nhưng quá trình điều trị bệnh đã đúng phác đồ hay chưa ? Người bệnh đứng dậy rồi nhưng lại không đi khỏe được. Các chuyên gia cho rằng, người bệnh đang bật dậy trong sự gượng gạo về tinh thần là chính, còn nhiều vấn đề khiến người bệnh không khỏe. Từng ngành, từng lĩnh vực TP.HCM cần nhìn nhận nghiêm túc nhất những gì đã, đang, sẽ làm, để chuẩn bị cho quý II/2023 và những quý còn lại của năm, có niềm tin đạt được nhiệm vụ kinh tế của năm không ?”, Bí thư TP.HCM nói.
Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhận định, TP hội nhập sâu rộng, bởi vậy, các hoạt động đều chịu ảnh hưởng ít nhiều bởi tình hình thế giới và trong nước. “Do lường trước được tình hình nên năm 2023, TP đề ra mục tiêu thấp hơn năm 2022 nhưng không ngờ không ngờ tăng trưởng kinh tế quý 1-2023 của TP.HCM xuống sâu như thế và nhận định TP đã thua đậm trận đầu, ba trận còn lại (quý 2, 3, 4-2023) phải lấy lại những gì đã mất.
Nói về tình hình kinh tế 3 tháng đã qua, TS.Trần Du Lịch (thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia) nhận định, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2023 chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là lần đầu tiên từ năm 1982, mức tăng trưởng kinh tế của thành phố ở dạng “cầm đèn đỏ”.
Ông Lịch chỉ ra các nguyên nhân khiến khiến tốc độ tăng trưởng của “đầu tàu kinh tế” giảm sút mạnh, ở mức rất thấp. Cụ thể:
Một, nói về công cụ đầu tư công: Năm nay 2023, dự kiến, mức đầu tư công trên cả nước khoảng 30 tỷ USD, trong khi đó, tại TP.HCM, quý I/2023, giải ngân đầu tư công chỉ đạt 2%. Đây là con số đáng buồn, thành phố đã bỏ mất hoàn toàn công cụ đầu tư công để kích thích kinh tế.
Hai, về tháo gỡ điểm nghẽn thể chế cho vốn, ông Lịch cảnh báo, “10 điểm nghẽn về hấp thụ vốn đã từng đề cập trong tháng 2 nhưng thành phố không thực hiện”. Do đó, cần khẩn trương công khai, minh bạch toàn bộ các dự án; làm rõ dự án nào làm, dự án nào không làm để tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Hiện, công cụ hấp thụ vốn này tiếp tục không thể vận dụng.
Ba, nói về phát triển thị trường nội địa. Theo ông, chưa bao giờ, tổng doanh thu dịch vụ và bán hàng của TP.HCM thấp hơn cả nước. Vừa qua, nếu loại trừ yếu tố giá, cả nước tăng khoảng 10,3% còn TP.HCM chỉ tăng 4,7% so với cùng kỳ quý I/2022, đây là việc chưa bao giờ xảy ra.
“3 trụ cột trên để thúc đẩy kinh tế, là liều thuốc tiếp lực cho TP.HCM không đạt được. Tuần trước, tôi có gặp 40 doanh nghiệp trong ngành xây dựng. Họ nói thành phố này không có gì để làm cả. Mọi thứ đang đứng yên tại chỗ. TP.HCM cần nhìn thẳng vấn các đề cốt tử này”, ông khẩn thiết.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba) cho biết, tâm trạng chung của cộng đồng doanh nghiệp tại TP.HCM đang chia thành 2 nhóm.
Nhóm 1 gồm các doanh nghiệp đang cố cầm cự, để đảm bảo hoạt động. Hiện nay, cầu thị trường trong nước và cầu nước ngoài đều sụt giảm, nhiều doanh nghiệp bị tồn kho nhiều, tồn đọng vốn, gặp vấn đề về thanh khoản. Đối với nhóm này, Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại cần có chính sách hỗ trợ do lượng vốn của doanh nghiệp nằm trong nguyên liệu sản xuất, trong thành phẩm chưa tiêu thụ được, kể cả thành phẩm trong và ngoài nước.
Ví dụ, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho đối tác nước ngoài, chấp nhận trả chậm 60-90 ngày. Tuy nhiên, do đối tác không tiêu thụ được sản phẩm, họ đề nghị kéo giãn thời gian thanh toán hoặc chuyển từ mua đứt bán đoạn sang ký gửi (bán được sản phẩm thì mới trả tiền). Do đó, doanh nghiệp bị nén lượng vốn rất lớn. Huba đề xuất, ngân hàng có chính sách hỗ trợ kịp thời dòng vốn lưu động để doanh nghiệp cầm cự, xem xét chấp nhận cho doanh nghiệp vay tín chấp hoặc thế chấp bằng nguyên liệu, bằng thành phẩm.
Nhóm 2 là các doanh nghiệp xoay đầu tư phát triển về dài hạn để đón đầu thị trường trong quý III, IV/2023 và năm sau. Để có hoạt động đầu tư tốt thì doanh nghiệp cần dòng vốn dài hạn từ 7-10 năm, với mức lãi suất phải dưới 10%. Huba kiến nghị ngân hàng, các cơ quan chức năng giải quyết thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai để nguồn lực đất đai được pháp lý hóa, trở thành tài sản cho doanh nghiệp thế chấp.
Cũng theo ông Hòa, trong khi thị trường trọng điểm Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Đông Bắc Á đang giảm sút, TP.HCM cần hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến các thị trường ngách, thị trường mới. Vừa qua, đoàn công tác của thành phố đến Nam Mỹ thì người dân và doanh nghiệp ở đó hoàn toàn không nắm gì về thị trường hàng hóa Việt Nam, như vậy, vẫn còn thị trường chưa được quan tâm đúng mức.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, so với cùng kỳ năm trước, Hải Phòng là địa phương có tốc độ tăng GRDP quý I/2023 cao nhất, đạt 9,65% (đứng thứ 3/63 địa phương trên cả nước, sau Hậu Giang, Bình Thuận).
Xếp thứ hai là TP.Đà Nẵng với GRDP tăng 7,12%, đứng thứ 19/63 địa phương trong cả nước). Với GRDP tăng 5,8%, Hà Nội xếp vị trí thứ ba và đứng thứ 32/63 địa phương. Đứng vị trí thứ tư là TP. Cần Thơ với GRDP tăng 4,02%, đứng thứ 43/63 địa phương. TP.HCM có mức tăng trưởng GRDP quý I/2023 thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ đạt 0,7% và đứng thứ 56/63 địa phương.
Trần Chung – Hồ Văn