Hưởng lợi lớn
CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) vừa công bố thông tin bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch PNJ đăng ký mua 475.000 cổ phần PNJ, nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 9,37 triệu đơn vị, tương đương 2,8% vốn điều lệ của doanh nghiệp. Thời gian thực hiện từ 25-29/12.
Đây là thương vụ mua theo chương trình phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động (ESOP).
Mức giá bà Cao Thị Ngọc Dung mua cổ phiếu PNJ trong lần đăng ký này là 20.000 đồng/cp, thấp hơn nhiều so với mức 80.300 đồng/cp ghi nhận trong phiên giao dịch ngày 20/12.
Tổng số tiền bà Dung sẽ phải bỏ ra để sở hữu số cổ phần này là 9,5 tỷ đồng. Nếu so với giá trị trên sàn, nữ Chủ tịch PNJ được hưởng lợi khoảng 28,5 tỷ đồng (tương đương gần 1,2 triệu USD).
Trước đó, PNJ công bố sẽ phát hành gần 6,6 triệu cổ phần ưu đãi cho người lao động (ESOP), tương đương 2% số lượng cổ phiếu đang lưu hành, với giá 20.000 đồng/cp từ 15-29/12.
Đây là kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông thường niên PNJ thông qua ngày 27/4.
Đối tượng tham gia là lãnh đạo chủ chốt PNJ và công ty thành viên năm 2023 có đóng góp tích cực trong việc hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh 2022.
Năm 2022, PNJ báo lãi ròng 1.811 tỷ đồng, tăng 176% so với năm trước đó và vượt 31% kế hoạch.
Với lượng phát hành này, PNJ sẽ thu về khoảng 132 tỷ đồng. Trên sàn, số cổ phần này có trị giá khoảng 530 tỷ đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc các lãnh đạo chủ chốt PNJ sẽ được hưởng lợi khoảng 400 tỷ đồng.
Số cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng từ 1-3 năm.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, PNJ ghi nhận doanh thu thuần giảm 8% so với cùng kỳ xuống 26.380 tỷ đồng. Lãi sau thuế tăng nhẹ 3% lên 1.533 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu PNJ hiện ở quanh vùng đỉnh lịch sử nhờ doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, thị trường đang vào mùa cao điểm tiêu thụ và giá vàng trong nước tăng mạnh; giá thế giới có thể bứt phá vào năm tới.
Giá vàng trang sức tăng mạnh, vàng nhẫn lên mức 63 triệu đồng/lượng, cao hơn khoảng 2,3 triệu đồng/lượng so với giá thế giới quy đổi. Đây là một yếu tố có thể thúc đẩy lợi nhuận của các doanh nghiệp như PNJ với chuỗi hàng trăm cửa hàng vàng bạc đá quý trang sức trên phạm vi cả nước.
Bán lẻ gặp khó, PNJ vẫn vững chắc nhờ vàng
Mặc dù có kết quả kinh doanh tốt trong nhiều năm qua nhưng doanh nghiệp của nữ đại gia kim tiền số 1 Việt Nam Cao Thị Ngọc Dung cũng gặp một số vấn đề. Cổ phiếu PNJ đã bị loại khỏi rổ cổ phiếu trụ cột VN30 trên sàn HOSE.
Nhiều báo cáo gần đây đánh giá ngành bán lẻ nói chung không còn tích cực như trước khi sức cầu tiêu dùng thấp. Các ông lớn bán lẻ như Thế Giới Di Động (MWG), Masan (MSN), DigiWorld (DGW)… đều gặp khó, ghi nhận doanh thu yếu đi và lợi nhuận giảm.
Tuy nhiên, PNJ có nhiều lợi thế hơn. Năm 2023, dù mức tiêu dùng suy giảm nhưng PNJ vẫn duy trì doanh thu khá tốt, trong khi lợi nhuận tăng nhờ giá bán cao hơn. Người dân có xu hướng đẩy mạnh mua vàng khi kinh tế khó khăn, các kênh đầu tư khác kém hấp dẫn. Tiền gửi ngân hàng thấp kỷ lục, chứng khoán và bất động sản ảm đạm.
Trên thực tế, doanh thu của PNJ nhiều năm nay đến từ hoạt động kinh doanh vàng trang sức. Nhưng từ năm 2021, doanh thu từ bán vàng miếng tăng mạnh.
Bên cạnh đó, giá vàng thế giới gần đây tăng mạnh, đẩy giá vàng trong nước, bao gồm cả vàng trang sức và vàng miếng, tăng nhanh. Qua đó, có thể mang đến lợi nhuận lớn hơn cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng.
Báo cáo vừa công bố của PNJ cho thấy, lũy kế 11 tháng, tăng trưởng của PNJ tập trung phần lớn ở mảng bán trang sức (chiếm 67,5% trong tổng cơ cấu doanh thu lũy kế: 58,7% bán lẻ+8,8% bán sỉ), trong khi đó tỷ lệ vàng chỉ chiếm phần nhỏ (30,7%).
Lợi nhuận lớn của nữ trang PNJ đến từ việc doanh nghiệp này tập trung tiếp cận phân khúc khách hàng trẻ, gen Z với các sản phẩm thời trang hợp xu hướng.
Giá vàng miếng SJC trong nước những ngày cuối năm 2023 liên tục lập đỉnh lịch sử và đang quanh ngưỡng 75,6 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 14-15 triệu đồng/lượng.
Trong năm 2024, giá vàng được dự báo còn tăng tiếp, có thể lên 80-90 triệu đồng/lượng. Sự sôi động của thị trường vàng thường thuận chiều với đà tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh vàng.
Bà Cao Thị Ngọc Dung và ông Trần Phương Bình từng là cặp “vợ chồng kim tiền” hàng đầu tại Việt Nam. Bà Dung từng đảm nhận vai trò Chủ tịch Ngân hàng DongABank, sau lui về làm cố vấn và tập trung quán xuyến công việc tại CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận.
Doanh nghiệp của đại gia gốc Nam Định vừa có một bước đi mạnh mẽ, lấn sân sang một lĩnh vực mới sau khi đạt doanh thu kỷ lục cho dù vướng nhiều lùm xùm thời gian đại dịch Covid-19.