Nếu căng thẳng Biển Đỏ không sớm chấm dứt, nhiều khả năng giá dầu có thể leo lên mức 90 USD/thùng trong thời gian tới. Đây là lý do:
Giá dầu được dự báo sẽ tăng lên 90 USD/thùng, nếu khủng hoảng Biển Đỏ tiếp tục leo thang. (Nguồn: Getty IMages) |
Thị trường dầu mỏ toàn cầu đang trở nên ngày càng cục bộ. Khi các cuộc tấn công của lực lượng Houthi gây ra cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ, đẩy giá cước vận tải biển và giá bảo hiểm tăng cao, người mua dầu đang hình thành xu hướng tìm kiếm nguồn cung có khoảng cách địa lý gần hơn, nhằm tạo ra sự ổn định về hàng hóa.
Thị trường ngày càng cục bộ
Ngày 4/2, vẫn còn một số con tàu chở dầu lưu thông qua tuyến đường ở Biển Đỏ, nhưng định tuyến vòng qua Mũi Hảo Vọng, phía Nam châu Phi, khiến hành trình chở dầu kéo dài hơn và tốn kém hơn. Điều này dẫn đến lưu lượng tàu chở dầu đi qua Kênh đào Suez sụt giảm nhanh chóng.
Thay vào đó, các con tàu chở dầu đang tập trung về hai hướng. Hướng thứ nhất quanh Lưu vực Đại Tây Dương, bao gồm Biển Bắc và Địa Trung Hải. Hướng thứ hai bao gồm Vịnh Ba Tư, Ấn Độ Dương và Đông Á.
Những gì đang diễn ra minh chứng rõ nét sự thay đổi mô hình trong hoạt động thương mại dầu. Theo các thương nhân, từ tháng trước, một số nhà máy lọc dầu châu Âu đã ngừng mua dầu thô Basrah của Iraq và chuyển sang mua dầu từ các nhà cung cấp thuộc khu vực Biển Bắc và Guyana.
Ở châu Á, nhu cầu đối với dầu Murban của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất tăng vọt, dẫn đến giá dầu giao ngay từ khu vực này tăng cao vào giữa tháng Một, bù lại dòng chảy dầu từ Kazakhstan đến châu Á sụt giảm mạnh
Các chuyên gia nhận định, sự phân mảnh trên thị trường dầu dự kiến sẽ không kéo dài, nhưng hiện tại nó đang khiến các quốc gia phụ thuộc vào dầu nhập khẩu như Ấn Độ và Hàn Quốc gặp khó khăn hơn trong việc đa dạng hóa nguồn cung cấp dầu.
Đối với các nhà tinh chế dầu, sự phân mảnh gây hạn chế tính linh hoạt của họ trong việc đáp ứng với động lực thị trường đang thay đổi nhanh chóng và cuối cùng có thể làm giảm lợi nhuận.
Nhà phân tích dầu thô hàng đầu của Kpler, Viktor Katona, cho biết: “Việc chuyển hướng sang nguồn dầu ở gần hơn có ý nghĩa thương mại quan trọng. Chúng đảm bảo nguồn cung ổn định cho người mua và điều này sẽ tiếp tục chừng nào những gián đoạn ở Biển Đỏ khiến giá cước vận chuyển tăng cao vẫn diễn ra. Phản ứng của các thị trường là một hành động cân bằng khó khăn, khi phải lựa chọn giữa an ninh nguồn cung và tối đa hóa lợi nhuận”.
Theo nguồn dữ liệu do Kpler công bố ngày 30/1, lượng tàu chở dầu đi qua Kênh đào Suez trong tháng Một đã giảm 23% so với tháng 11/2023. Sự sụt giảm thậm chí còn rõ rệt hơn đối với các con tàu chở khí dầu mỏ hóa lỏng và khí tự nhiên hóa lỏng, với mức giảm lần lượt là 65% và 73%.
Trong các thị trường sản phẩm, dòng nhiên liệu diesel và nhiên liệu dùng cho máy bay phản lực từ Ấn Độ và Trung Đông xuất khẩu đến châu Âu, cũng như dầu mazut và naphtha của châu Âu xuất khẩu tới châu Á bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Vào tuần trước, giá naphtha tại châu Á, một nguyên liệu hóa dầu, đạt mức cao nhất trong gần hai năm, do lo ngại nguồn cung từ châu Âu sẽ trở nên khó khăn hơn.
Giá dầu có thể leo lên 90 USD/thùng?
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, khủng hoảng Biển Đỏ chính là nguyên nhân đẩy giá dầu thế giới lên mức cao hiện nay. Nếu không có sự gián đoạn trong hoạt động vận tải biển, những yếu tố tác động như kinh tế Trung Quốc – nước mua dầu nhiều nhất thế giới – và sự hoài nghi xung quanh chiến lược của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ kéo giá dầu đi xuống khoảng 2% so với mức giá hiện nay.
Ngày đầu tháng 2, giá dầu Brent Biển Bắc được giao dịch ở ngưỡng 77,33 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) dừng ở ngưỡng 72,28 USD/thùng. Loại trừ yếu tố bất ổn địa chính trị, các nhà quan sát cho rằng giá dầu thực tế lẽ ra chỉ có thể dao động quanh ngưỡng 70 -75 USD/thùng.
Lý giải cho nhận định này, các chuyên gia cho biết hầu hết các lực đẩy quan trọng của thị trường đều đang kéo giá dầu đi xuống. Nhà phân tích Rebecca Babin, thuộc công ty quản lý tài sản CIBC, nói: “Mặc dù có vẻ như giá dầu không giảm đi đáng kể, nhưng rõ ràng là giá đang bị kìm lại bởi một điểm yếu cơ bản”.
Điểm yếu đó bắt nguồn từ nhu cầu chậm lại ở Trung Quốc và tình trạng dư thừa dầu trên thị trường, khi các quốc gia ngoài OPEC tiếp tục mở rộng khai thác.
Mặc dù ghi nhận mức tăng trưởng 5,2% trong cả năm 2023, nhưng nền kinh tế Trung Quốc đang bộc lộ sự suy giảm, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản và đầu tư. Theo chuyên gia Babin, triển vọng nhu cầu yếu của nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới sẽ là mối đe dọa lớn nhất mà thị trường dầu mỏ thế giới phải đối mặt vào năm 2024.
Hơn nữa, OPEC cũng chính là một lực kéo khác làm hạ giá dầu. Động thái cắt giảm sản lượng của tổ chức này, dẫn đầu là Saudi Arabia và Nga, đã không đem lại hiệu quả “kích” giá dầu tăng. Hiện các thị trường đang hoài nghi liệu OPEC có sớm dỡ bỏ các lệnh cắt giảm sản lượng, trong bối cảnh cạnh tranh về nguồn cung dầu ngày càng tăng, do các thành viên ngoài OPEC tăng cường sản lượng khai thác.
Điều này giải thích cho nhận định căng thẳng trên Biển Đỏ chính là nguyên nhân duy nhất đẩy giá dầu tăng. Trong một ghi chú cập nhật ngày 1/2, chuyên gia Babin lý giải nguồn cung dầu đã không giảm đáng kể, do leo thang căng thẳng ở Trung Đông. Do đó, dầu không được định giá dựa trên việc thiếu nguồn cung, nhưng chi phí vận chuyển cao hơn đã hỗ trợ cho giá của mặt hàng này. Ước tính chi phí gia tăng liên quan đến vận chuyển/bảo hiểm quanh khu vực Biển Đỏ tác động lên giá dầu vào khoảng từ 2-3 USD.
Chuyên gia Hunter Kornfeind từ công ty Rapidan Energy cho biết: “Nguồn cung về mặt kỹ thuật vẫn chưa bị gián đoạn. Chính thời gian vận chuyển dài hơn là lý do đẩy giá dầu tăng nhẹ”.
Chuyên gia Babin ước tính, nếu căng thẳng trên Biển Đỏ không sớm chấm dứt, nhiều khả năng giá dầu có thể leo lên mức 90 USD/thùng trong thời gian tới.