Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Côn Sơn Tư Phúc tự bia” tại chùa Côn Sơn, tỉnh Hải Dương, ngày 15.2.1965. Cũng trong ngày này, Bác đã lên núi Côn Sơn, thăm Thanh Hưng Động và Thạch Bàn, nơi Nguyễn Trãi thường ngồi đọc sách, làm thơ và suy tư việc nước. Ảnh: tư liệu
Tám mươi năm đã qua kể từ khi ban hành Đề cương về văn hoá Việt Nam, đây là lần đầu tiên Đảng ta đưa ra quan điểm, nhận thức về văn hoá Việt Nam dưới dạng một đề cương nhưng trên thực tế, đây là cương lĩnh đầu tiên về văn hoá có ý nghĩa lịch sử. Trên cơ sở đó, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng từng bước nâng cao, hoàn thiện đường lối chiến lược phát triển văn hoá, xác định vai trò đặc biệt của văn hoá trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng.
GIẢI PHÓNG DÂN TỘC
Đề cương xác định mối quan hệ giữa cách mạng văn hoá và cách mạng giải phóng dân tộc nói riêng và cách mạng Việt Nam nói chung, nhất là trong bối cảnh của cao trào giải phóng dân tộc lúc bấy giờ. Đề cương khẳng định quan hệ giữa văn hoá và kinh tế, chính trị. “Cách mạng văn hoá ở Việt Nam phải dựa vào cách mạng dân tộc giải phóng mới có điều kiện phát triển’’. Do vậy, trong cải tạo xã hội cần kết hợp đồng bộ giữa ba lĩnh vực kinh tế, chính trị với văn hoá; thực hành cách mạng trên lĩnh vực văn hoá không tách rời cuộc cách mạng trên lĩnh vực chính trị và kinh tế. Đề cương văn hoá chỉ rõ, cách mạng chính trị phải giành thắng lợi trước rồi cách mạng kinh tế và cách mạng văn hoá mới có điều kiện thực hiện thắng lợi, đồng thời vấn đề cách mạng văn hoá được thực hiện thành công mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội. Đây là những quan điểm rất cốt lõi khi nhận thức về văn hoá. Cần phải thấy, Đảng quan niệm ngay từ đầu về nội hàm rộng của văn hoá, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng hàng đầu của tư tưởng nội dung mang tính chi phối và quyết định sự phát triển của sự nghiệp cách mạng.
Lần đầu tiên, Đảng ta xác định, văn hoá là bộ phận hợp thành của toàn bộ sự nghiệp cách mạng với ba trụ cột căn bản (kinh tế, chính trị, văn hoá) do Đảng lãnh đạo. Đây vừa là nguyên tắc, là phương châm hành động và là cách thức vận động đông đảo quần chúng nhân dân tham gia vào sự nghiệp cách mạng. Nói cách khác, tư tưởng của Đảng chỉ có thể đi vào cuộc sống và định hướng dư luận thông qua con đường văn hoá, vì chính văn hoá mới tạo nên sức mạnh của Đảng khi lãnh đạo đông đảo quần chúng nhân dân dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng.
Trong mấy thập kỷ gần đây, vấn đề tính dân tộc trong văn hoá đã được thảo luận khá rộng rãi. Liên quan đến vấn đề này có hai vấn đề mang tính cốt lõi: tính dân tộc và bản sắc. Thực tế phát triển của mọi dân tộc (Việt Nam không là ngoại lệ) là sự phát triển mang tính nội tại, đóng vai trò quan trọng hàng đầu, là căn cốt của nền văn hoá. Nhấn mạnh đến tính dân tộc chính là thừa nhận tính đa dạng văn hoá. Bản Đề cương đưa ra khái niệm dân tộc hoá chính là thừa nhận sự dung hợp, giao thoa văn hoá. Cụ thể hơn giao thoa văn hoá đặt trên nền tảng sức mạnh nội sinh của văn hoá dân tộc. Văn hoá Việt Nam thống nhất trên cơ tầng văn hoá Đông Nam Á, đó là điều không thể phủ nhận. Tuy tính thống nhất trong đa dạng của văn hoá cộng đồng các dân tộc Việt Nam còn là sản phẩm và là kết quả của quá trình dựng nước và giữ nước của các thế hệ người Việt Nam từ đa số đến các dân tộc thiểu số, khởi nguồn từ thời kỳ dựng nước, trải qua hàng thiên niên kỷ cho đến hôm nay, trở thành sức mạnh nội sinh của văn hoá cộng đồng dân tộc quốc gia.
KHÔNG KẺ THÙ NÀO KHUẤT PHỤC NỔI
Nước ta là một nước văn hiến lâu đời. Chính trên nền tảng đó, trải qua hàng ngàn năm lịch sử dân tộc ta đã vượt qua phong ba bão táp, vững vàng bên bờ Thái Bình Dương, không một kẻ thù nào khuất phục nổi. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của dân tộc ta gắn liền với việc sáng tạo, bảo lưu văn hoá dân tộc, bồi đắp các giá trị văn hoá tộc người và văn hoá quốc gia, được hun đúc và tiếp nối từ thế hệ này đến thế hệ khác, trở thành tài sản vô giá trong quá khứ cũng như trong hiện tại và tương lai. Khi xem xét nội lực của văn hoá tộc người cần phải xem xét hoàn cảnh lịch sử, địa lý của dân tộc đó trong tiến trình lịch sử để thấy rằng các giá trị đó được hình thành qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau, có tính bền vững cao nhưng nó cũng luôn vận động trong quá trình phát triển của mỗi cộng đồng dân tộc và chịu sự tác động của các yếu tố chính trị, xã hội.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, dân tộc ta trải qua rất nhiều biến động trong quá trình dựng nước và giữ nước. Dựng nước đi đôi với giữ nước đã trở thành một đặc điểm xuyên suốt trong lịch sử dân tộc. Từ hàng ngàn năm trước trên lãnh thổ Việt Nam đã hình thành những trung tâm văn minh và nhà nước đầu tiên. Đó là văn hoá Đông Sơn ở phía Bắc với nhà nước Văn Lang – Âu Lạc ở miền Bắc, văn hoá Sa Huỳnh với nhà nước Chăm Pa ở miền Trung và văn hoá Óc Eo với nhà nước Phù Nam ở miền Nam. Lịch sử Việt Nam gắn liền với lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm từ trên 2.000 năm trước. Đó là lịch sử vinh quang và oanh liệt nhưng cũng có không ít đau thương mất mát. Lịch sử Việt Nam là lịch sử xây dựng giang sơn của một dân tộc bên bờ biển Đông từ vùng núi và thung lũng vươn ra chinh phục vùng đồng bằng châu thổ và biển cả với nền nông nghiệp thâm canh bền vững. Lịch sử Việt Nam là lịch sử của cộng đồng 54 dân tộc cùng kề vai sát cánh trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Mặc dù quá trình sinh tồn của các tộc người không đồng nhất với nhau nhưng do cùng chung vận mệnh lịch sử nên sự đoàn kết gắn bó trong cộng đồng dân tộc đã trở thành một truyền thống quý báu, làm nên tính đa dạng và thống nhất của văn hoá Việt Nam. “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Cái giàn chính là Tổ quốc Việt Nam. Đó cũng là quá trình tiếp biến văn hoá và giao thoa văn hoá trên nền tảng văn hoá dân tộc, từng bước làm giàu có thêm nền văn hoá dân tộc, đóng góp vào kho tàng văn hoá quốc gia và nhân loại. Quá trình giao thoa này diễn ra từ thời cổ trung đại và đặc biệt diễn ra trong thời cận hiện đại, nhất là trong quá trình hội nhập hiện nay.
Lịch sử chỉ ra rằng, toàn cầu hoá không chỉ là thách thức đối với các quốc gia, dân tộc và tộc người trên phương diện chính trị, kinh tế mà cả trên lĩnh vực văn hoá, thể hiện qua ngôn ngữ, âm nhạc, truyền hình, ẩm thực và trang phục… Dưới tác động của văn hoá phương Tây, nhiều khái niệm mới đã xuất hiện như chủ nghĩa liên văn hoá, xuyên văn hoá, cho thấy những vấn đề đặt ra với việc bảo tồn các giá trị và bản sắc văn hoá dân tộc. Trong bối cảnh đó, nếu một quốc gia không đủ sức đề kháng trước ảnh hưởng của văn hoá ngoại sinh, thì các hệ giá trị và đặc biệt là bản sắc văn hoá dân tộc có nguy cơ bị xói mòn, phân rã hoặc thậm chí là đồng hoá. Văn hoá là bộ gen xã hội của mọi dân tộc, do vậy, một dân tộc mất văn hoá cũng đồng nghĩa với việc dân tộc đó bị diệt vong với tư cách dân tộc hay quốc gia.
Năm 1983, kỷ niệm lần thứ 40 Đề cương về văn hoá Việt Nam ra đời, nhà cách mạng Trường Chinh – tác giả bản Đề cương đánh giá: “Đề cương về văn hoá Việt Nam không dài, có nhiều hạn chế, vì trong hoàn cảnh bí mật, Trung ương chưa đủ điều kiện nghiên cứu sâu các vấn đề liên quan đến cách mạng văn hoá Việt Nam… Nhưng Đề cương về văn hoá Việt Nam đã thu tóm được những vấn đề cơ bản của văn hoá Việt Nam dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin, trong điều kiện lúc đó của Việt Nam”. Đề cương không chỉ có giá trị trong chỉ đạo hoạt động văn hoá – xã hội mà còn có ý nghĩa đối với việc xây dựng, hoàn thiện lý luận về nền văn hoá Việt Nam sau này. Trong bối cảnh và điều kiện cụ thể như đánh giá của Tổng Bí thư Trường Chinh chính là tự nhận thức mang tính lịch sử. Những vấn đề cốt lõi của bản Đề cương vẫn có sức sống mãnh liệt trong tiến trình phát triển, được kiểm nghiệm trong thực tế và tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng trong đường lối, chính sách văn hoá của Đảng và Nhà nước ta về văn hoá. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi chính quyền về tay nhân dân, việc xây dựng và phát triển văn hoá từng bước được triển khai và nâng tầm về mặt lý luận. Trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh, với nhận thức “văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi”, Đảng ta tiếp tục bổ sung và nâng cao nhận thức về lý luận văn hoá và vai trò của văn hoá.
Tại hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Văn hoá có thể hiểu theo hai nghĩa: nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Nghĩa rộng: thì văn hoá là trình độ phát triển về tinh thần và vật chất của nhân loại trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định… Nghĩa hẹp thì văn hoá là những hoạt động tinh thần của một xã hội, gồm có những lĩnh vực: giáo dục, khoa học, văn học, nghệ thuật, đạo đức… Văn hoá cũng bao gồm cả văn hoá vật thể (các di tích lịch sử, các công trình văn hoá, di sản văn hoá, những sản phẩm văn hoá: kim tự tháp, đình, chùa, miếu thờ…) và phi vật thể (ca dao, dân ca, hò vè, lễ hội; các phong tục, tập quán của mỗi quốc gia, mỗi vùng miền, mỗi dân tộc, mỗi địa phương…). Nhưng dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hoá là nói đến những gì là tinh hoa, tinh tuý nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ”.
Việt Đông