Trong 10 năm qua, số người nước ngoài đến làm việc tại Nhật Bản đã tăng đáng kể. Con số này đạt mức kỷ lục hơn 1,72 triệu người – theo báo cáo mới công bố của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản.
Cảnh báo trầm cảm
Nếu xếp theo quốc tịch, người Việt Nam vừa trở thành nhóm đông nhất trong số lao động nước ngoài ở Nhật với hơn 453.000 người, chiếm 26,2% tổng số. Với mức tăng trưởng hơn 16 lần trong 10 năm qua, người Việt Nam đã vượt qua người Trung Quốc (hiện chiếm 23%) để trở thành nguồn nhân lực nước ngoài quan trọng tại Nhật Bản.
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn nói thêm về sức khỏe tinh thần của người Việt đang lao động tại Nhật. Từ tháng 9 đến tháng 10-2021, nhóm nghiên cứu của chúng tôi dẫn đầu bởi ông Tadashi Yamashita, giảng viên Trường Cao đẳng Điều dưỡng TP Kobe, đã khảo sát trực tuyến bằng bảng câu hỏi với người Việt đang sống và làm việc trên toàn nước Nhật.
Độ tuổi trung bình của người tham gia khảo sát là 26, thời gian lưu trú trung bình tại Nhật Bản là 3,4 năm.
TS-BS Phạm Nguyên Quý (bìa phải hàng thứ hai) cùng các tác giả thực hiện cuộc khảo sát. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Người Việt ở Nhật cần hỗ trợ tư vấn miễn phí về đời sống, pháp luật hoặc sức khỏe có thể theo dõi kênh JP-Mirai vừa được chính phủ Nhật Bản thành lập vào năm ngoái https://portal.jp-mirai.org/vi.
Trong số 621 người tham gia, kết quả phân tích cho thấy 203 người (32,7%) có các triệu chứng trầm cảm từ trung bình đến nặng nên đi khám ngay.
Các khảo sát tương tự trên người Nhật trong đại dịch COVID-19 chỉ ra tỉ lệ người có các triệu chứng trầm cảm từ trung bình đến nặng thấp hơn khá nhiều, khoảng 10%-20%.
Hầu hết (81%) người tham gia nói rằng mình bị giảm thu nhập trong đại dịch, với 215 người bị giảm từ 40% trở lên, 243 người bị giảm từ 10%-40% và 46 người giảm dưới 10%.
Ngoài ra, 116 người (18,7%) nói rằng họ đã bị sa thải hoặc thất nghiệp và 398 người (64%) bị giảm số ngày làm việc do tình trạng kinh doanh của công ty. Trước câu hỏi “Bạn có nghĩ mình nghèo không?”, 287 người (46,2%) trả lời “hơi nghèo” và 88 người (14,2%) trả lời “rất nghèo”.
Đáng ngại hơn, nhiều người Việt tại Nhật Bản nói rằng họ không có ai ở gần để tham vấn các vấn đề về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, phản ánh một tỉ lệ lớn người Việt Nam bị cô lập khi sinh hoạt và làm việc tại Nhật.
Khi được hỏi “Bạn có ai để trò chuyện về sức khỏe của mình không?”, 433 người (69,7%) trả lời là “không”. Trong khi đó, 136 người (21,9%) trả lời “trò chuyện với gia đình”, 80 người (12,9%) “trò chuyện với bạn Việt Nam hoặc Nhật Bản”. Chỉ có 4% cho biết họ có kết nối với chuyên gia y tế để nhận tư vấn về sức khỏe.
Rào cản y tế
Qua phỏng vấn một số người Việt, chúng tôi nhận thấy đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến cộng đồng người Việt tại Nhật Bản. Không chỉ làm giảm thu nhập, các chính sách về giãn cách đã ngăn cản người Việt tụ tập giao lưu với nhau.
Thiếu kết nối với cộng đồng có thể đã làm nhiều người thấy cô đơn, gia tăng lo lắng – một trong những yếu tố gây ra hoặc làm nghiêm trọng hơn tình trạng trầm cảm.
Kênh JP-Mirai vừa được chính phủ Nhật Bản thành lập vào năm ngoái
Dù hầu hết người lao động sang Nhật Bản ở độ tuổi 20-30, là nhóm ít mắc các bệnh mạn tính như cao huyết áp, đái tháo đường nhưng ngày càng có nhiều trường hợp bị tai nạn lao động cũng như các bệnh cấp tính cần chữa trị kịp thời.
Một vấn đề nổi cộm đang được đặt ra cho cộng đồng người Việt là việc tiếp cận hệ thống điều trị, chăm sóc, tư vấn về sức khỏe tại xứ sở Phù Tang.
Ông Yamashita cho biết: “Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi và chính quyền địa phương đã thiết lập các dịch vụ tư vấn hỗ trợ nhưng có vẻ nhiều người Việt không sử dụng được. Rào cản ngôn ngữ và kém hiểu biết về hệ thống y tế có thể là nguyên nhân của tình trạng này”.
Mặc dù tất cả người lao động, bao gồm thực tập sinh, đều đủ điều kiện tham gia bảo hiểm y tế toàn quốc tại Nhật Bản để tự do thăm khám tại các cơ sở y tế với mức phí hợp lý nhưng nhiều người vẫn khó tiếp cận các dịch vụ này vì không giỏi tiếng Nhật, thiếu thông tin về các tổ chức hỗ trợ. Ngoài ra, một bộ phận lớn thuộc nhóm có thu nhập thấp và phải làm việc liên tục nên khó thu xếp giờ nghỉ để đi khám bệnh.
Việc nhiều nhân viên y tế Nhật Bản không rành ngoại ngữ, e ngại giao tiếp với bệnh nhân nước ngoài cũng cần bàn đến. Trong khi thủ đô Tokyo đã có những kênh phiên dịch y tế giá rẻ hoặc miễn phí cho các ngôn ngữ như Pháp, Tây Ban Nha, Philippines, Hàn, Trung… thì tiếng Việt vẫn chưa được đưa vào chương trình này vì cộng đồng người Việt “mới nổi” và có thể chưa được quan tâm đúng mức.
Ngoài các can thiệp về chính sách để cải thiện thu nhập và môi trường làm việc cho thực tập sinh Việt Nam, thiết nghĩ cần có những chương trình phổ biến kiến thức về sức khỏe tinh thần, hướng dẫn hành động khi có dấu hiệu bất an, trầm cảm… để kết nối người cần được chăm sóc với những tổ chức hỗ trợ có sẵn tại Nhật Bản.
TS.BS Phạm Nguyên Quý khám cho bệnh nhân. Ảnh: TÁC GIẢ CUNG CẤP
Lỗ hổng của TITP
Một trong những chiến lược nổi bật của Nhật Bản là Chương trình Thực tập sinh kỹ năng (TITP) nhằm tạo cơ hội cho người dân từ 14 quốc gia châu Á học hỏi và chuyển giao các kỹ thuật, kỹ năng tích lũy tại Nhật Bản để đóng góp cho sự phát triển của quê nhà. Trong chương trình này, thực tập sinh Việt Nam chiếm ưu thế với hơn 50% tổng số.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều thực tập sinh người Việt đang “bù vào chỗ trống” trước tình trạng thiếu lao động, đặc biệt trong những ngành sản xuất như chế biến thực phẩm và lắp ráp thiết bị điện. Tình hình này đang bị chỉ trích nghiêm trọng vì có nhiều công ty vừa và nhỏ trên khắp Nhật Bản, nhất là ở vùng nông thôn, tuyển thực tập sinh kỹ năng chỉ để sử dụng nhân công giá rẻ chứ không phải để chuyển giao kỹ thuật đúng nghĩa.
Ngoài ra, thống kê năm 2017 cho thấy 65% nơi làm việc chấp nhận thực tập sinh kỹ năng là doanh nghiệp siêu nhỏ (ít hơn 19 nhân viên). Luật pháp Nhật Bản không yêu cầu những cơ sở như vậy bố trí người giám sát y tế nên có nguy cơ dẫn đến chậm trễ trong phát hiện và xử lý các vấn đề sức khỏe phát sinh.
(*) Tác giả công tác tại Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren và Đại học Kyoto. Ông là đồng sáng lập Tổ chức Y học cộng đồng và Tổ chức Ứng phó bệnh lao tại Nhật (TB Action Network)