Ăn đủ chất đạm, chất béo tốt, chất xơ, vitamin; hạn chế đường, muối và tinh bột là những lưu ý cho người bệnh gan nhiễm mỡ trong những ngày Tết.
Gan nhiễm mỡ là tình trạng mỡ thừa tích tụ trong các tế bào gan. Có nhiều nguyên nhân khác nhau làm mất cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ chất béo trong cơ thể. Phần lớn do chế độ ăn không khoa học.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết trong những ngày Tết, người bị gan nhiễm mỡ nên tuân thủ một số nguyên tắc dinh dưỡng dưới đây.
Ăn đủ chất đạm: Protein có khả năng phục hồi tế bào và ngăn chặn tích tụ chất béo ở gan. Thông thường, 80% lượng amino axit gan tạo ra mỗi ngày đến từ chất đạm. Các amino axit này sau đó tham gia vào quá trình phân giải chất béo trong gan.
Tiêu thụ đủ chất đạm mỗi ngày có thể giúp phòng ngừa, hỗ trợ cải thiện bệnh gan nhiễm mỡ. Người mắc bệnh này nên hấp thụ protein từ 1,1 đến 1,5 g cho mỗi kg trọng lượng cơ thể một ngày.
Ăn đủ chất béo tốt: Kháng insulin là tình trạng cơ thể sản xuất ra insulin để điều hòa nồng độ glucose (đường) trong máu, song các tế bào lại không chấp nhận hấp thụ lượng glucose đó. Lượng glucose thừa tích tụ thành chất béo trong gan khiến bệnh gan nhiễm mỡ nặng hơn.
Ăn chất béo không bão hòa như omega 3, omega 6… (có trong trứng, quả bơ, các loại hạt và dầu thực vật) góp phần khắc phục tình trạng này. Chúng có tác dụng cải thiện tình trạng kháng insulin, giúp khống chế lượng glucose tích tụ.
Ăn nhiều chất xơ: Chất xơ là loại carbohydrate từ rau, củ, quả, hạt và ngũ cốc, có đặc tính không hấp thu. Tại ruột, chất xơ hút nước và tạo thành một lớp màng mỏng giúp kéo dài quá trình tiêu hóa. Lượng chất béo hấp thụ vào cơ thể trong quá trình này cũng được khống chế.
Chất xơ còn góp phần kiểm soát đường huyết và insulin, hỗ trợ quá trình lọc máu. Chất xơ có vai trò quan trọng trong chế độ ăn uống của người bị gan nhiễm mỡ. Lượng chất xơ mỗi người nên ăn hàng ngày tương đương 240 g trái cây và 300 g rau xanh.
Bổ sung vitamin, chất chống oxy hóa: Chức năng gan của người bệnh gan nhiễm mỡ suy giảm ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp vitamin, gây thiếu hụt dưỡng chất. Bổ sung vitamin trong chế độ ăn giúp người bệnh khỏe mạnh hơn. Vitamin A, C, E là các chất chống oxy hóa mạnh, có tác dụng bảo vệ tế bào gan khỏi tổn thương do sự tấn công của gốc tự do. Nhóm vitamin B hỗ trợ quá trình chuyển hóa thức ăn thành năng lượng, bảo vệ chức năng gan.
Ăn nhạt, ít đường và ít muối: Chế độ ăn nhạt, ít đường ít muối làm giảm nguy cơ tăng đường huyết, cholesterol và chất béo trong gan.
Ăn ít tinh bột: Tinh bột trắng khi đi vào cơ thể chuyển thành đường. Ăn nhiều tinh bột dẫn tới thừa đường trong máu, làm tăng lượng mỡ tích tụ tại gan. Người bị gan nhiễm mỡ cần hạn chế tiêu thụ tinh bột trắng và ưu tiên các nguồn tinh bột phức hợp như củ, quả, ngũ cốc…
Bác sĩ Tùng lưu ý trong dịp Tết, người bị gan nhiễm mỡ nên ưu tiên dùng những loại thực phẩm lành mạnh như tỏi, các loại cá béo (cá mòi, cá hồi, cá trích, cá ngừ, cá thu…), bông cải xanh, trà xanh, quả óc chó, đậu nành, rau lá xanh, ngũ cốc nguyên cám, hạt hướng dương. Người bệnh không nên ăn mỡ động vật, đồ ăn nhanh, món chiên rán, cay nóng, cần hạn chế dùng thịt đỏ, bánh kẹo, nước ngọt, rượu bia, thức uống chứa cồn. Bổ sung thêm tinh chất từ thiên nhiên S. Marianum, Wasabia hỗ trợ kiểm soát hoạt động của tế bào kupffer, góp phần bảo vệ gan, phục hồi chức năng gan nhiễm mỡ.
Người bệnh tuân thủ điều trị của bác sĩ (nếu có), có thể khám dinh dưỡng được tư vấn về chế độ ăn uống khoa học, phù hợp với tình trạng bệnh.
Kim Thành
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |