Tác phẩm mới ra mắt – Tuyển tập Truyện ngắn và Ký – “đứa con tinh thần” chào xuân Giáp Thìn 2024 chính là sự chắt lọc của một cuộc đời đầy trải nghiệm. Bà đã mang vào văn chương cả trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm xã hội cùng với quan niệm: “Tác phẩm văn học như cái cây xanh tươi và nở hoa đẹp khi nó bén rễ sâu trên mảnh đất tốt, đó là hiện thực sống động mà ta đang sống”.
Tinh chất được chắt lọc từ những năm tháng cần cù xông xáo đi và viết
Đó là nhận định của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến – Trưởng ban Sáng tác Hội Nhà văn Hà Nội về những tác phẩm của nhà báo, nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh. Điểm lại hành trình nghề nghiệp của tác giả, ông nhận định rằng, Nguyễn Thị Vân Anh là một nhà văn đã từng nổi tiếng rất sớm từ những năm 70 của thế kỷ trước trong vai trò một nhà báo, nhà văn, một nhà hoạt động xã hội có uy tín ở cả Trung ương và Hà Nội. Cho đến nay bà đã công bố 15 tác phẩm, gồm: Truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký và kịch bản phim.
“Có thể nói, những truyện ngắn, tiểu thuyết và bút ký văn học của chị là tinh chất được chắt lọc từ những năm tháng cần cù xông xáo đi và viết trên suốt hành trình công tác nhiều năm tại các tờ báo. Cuộc đời làm báo của nhà báo Nguyễn Thị Vân Anh với nhiều dấu ấn trong vai trò là Tổng biên tập của 3 tờ báo (Báo Nhi đồng, Họa mi, Nhà báo & Công luận), Phó Tổng biên tập ở 2 tờ báo, từng tham gia vào Ban chấp hành của Trung ương Đoàn và Hội Nhà báo Việt Nam.
Cuộc đời làm báo có lẽ đã cung cấp cho nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh những vốn sống rất phong phú mà nếu không phải trải nghiệm từ nghề báo thì rất khó có được. Tất nhiên, điều quan trọng là làm thế nào để đưa văn chương vào trong báo chí và đưa đời sống báo chí vào văn chương thì đòi hỏi tài năng của người viết. Tôi cho rằng, ở góc độ là một nữ lãnh đạo báo chí thì Nguyễn Thị Vân Anh là một trường hợp đặc biệt khi chị đã truyền tải toàn bộ đời sống báo chí, những con người thật việc thật, những sự kiện có thật, biến cố có thật của xã hội… qua hành trình báo chí để đưa vào văn chương…” – nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhận định.
Có thể nói, những vốn sống đặc biệt trong hành trình làm báo đã giúp nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh có một đời sống văn chương đặc sắc, ngồn ngộn câu chuyện, chi tiết. Cầm cuốn sách dày 500 trang, chúng ta có thể hình dung được cuộc sống hơn hai thập niên đầu thế kỷ XXI với tất cả những biến động, những gam màu sáng tối của cuộc sống, xã hội, con người; những giá trị được – mất của cơ chế bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường… qua những nghịch cảnh ám ảnh trong “Trái tim dã thú”, những ảo ảnh về hạnh phúc trong “Ảo ảnh thiên đường”, “Viên kim cương bị bỏ rơi”, vấn đề thời sự nóng bỏng trong “Tiếng hú con tàu”…
Đọc và cảm nhận sâu sắc về tác phẩm, nhà thơ Nguyệt Vũ cho rằng, Tuyển tập còn là bức tranh muôn màu của cuộc sống đương đại, đó là những mảnh đời cơ cực của những đứa trẻ lỡ sa chân vào vòng lao lý hay số phận nổi chìm của những người đàn bà… Dù hạnh phúc thật mong manh, vậy mà họ vẫn phải vươn lên để mà sống, giống như cây xương rồng vẫn phải vượt qua sự khắc nghiệt của hoàn cảnh để nở hoa và làm đẹp cho đời.
Chia sẻ về những tác phẩm của mình, nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh bộc bạch: “Tôi có may mắn là đi vào con đường sáng tác trên nền tảng công việc của một nhà báo. Với nhiệt huyết của một cây bút trẻ, ngay từ buổi đầu tập tành sáng tác, tôi luôn cảm thấy hạnh phúc khi được đi và viết. Công việc làm báo đã cho tôi cơ hội được đi khắp nơi cả trong và ngoài nước, đã cho tôi được tiếp xúc với biết bao lớp người trong xã hội, từ những người nông dân, công nhân bình dị đến những nhà tri thức uyên bác tại các Viện nghiên cứu, từ những kẻ tử tù trong trại giam Hỏa Lò đến các vị lãnh đạo cấp cao của Nhà nước.
Mỗi chuyến đi, mỗi cuộc gặp gỡ đem đến cho tôi biết bao xúc cảm về nhân tình thế thái, về đạo lý làm người. Trước thực tế ngồn ngộn của cuộc sống, phơi bày trước mắt ta bao nhiêu điều tốt và xấu, đẹp đẽ và tồi tệ, chỉ có viết mới bày tỏ được cảm xúc yêu ghét của mình, chỉ có những con chữ gửi gắm đến bạn đọc mới giãi bày được tâm can, mới góp được tiếng nói nhỏ bé của mình cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn…”.
Tấm lòng của người đàn bà viết…
Lời bộc bạch với mong muốn góp tiếng nói nhỏ bé của mình cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn cũng chính là “giá trị nhân bản” xuyên suốt “Tuyển tập Truyện ngắn và ký” này. Thế nên, trong tác phẩm gồm 25 truyện ngắn và 3 truyện ký, có thể bắt gặp rất nhiều hạng người ở nhiều lứa tuổi từ nhiều cảnh ngộ nhiều thân phận, với những trớ trêu, với thiện ác đan xen, với đau đớn, dằn vặt của kiếp người… Nhưng giữa hiện thực của cuộc sống, sự tinh tế, trách nhiệm và lòng trắc ẩn của ngòi bút đã khiến những câu chuyện đầy ám ảnh ấy vẫn lấp lánh tình người, tình đời. Giống như nhận định của nhà phê bình văn học Tô Phương Lan: “Điều quan trọng toát lên từ trong mỗi câu chuyện là tấm lòng của người đàn bà viết luôn hướng đến và mong cho mỗi con người được sống cho mình, sống thiện lương và mỗi gia đình là một tổ ấm trong một xã hội ổn định, tốt đẹp”.
Trong rất nhiều mảnh ghép của hiện thực, nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh dường như hướng ngòi bút đến số phận người phụ nữ trong xã hội với sự sẻ chia, cảm thông. Ở đó có một tình mẫu tử hy sinh, đùm bọc dù phải chịu đựng sự bất hiếu của con cái (Thần tượng), cả những điều cư xử “tai ác” của cô con dâu (Tấm lòng người mẹ). Ở đó có tình nghĩa chung thuỷ suốt những năm tháng chiến tranh mà người vợ đã hy sinh xuân sắc của mình để giữ gìn hạnh phúc cho gia đình (Huyền thoại Vọng phu). Ở đó có những người phụ nữ trong cuộc sống hôm nay không chỉ “công dung ngôn hạnh” mà còn phải vượt qua bao trở ngại bởi những quan điểm xã hội hẹp hòi, như chủ nghĩa lý lịch đè nặng lên việc đánh giá phẩm chất con người. Hay nụ cười “rạng rỡ niềm vui, chứa chan hạnh phúc” của mẹ con Hoàng Lan với cuộc sống hoàn lương trên mảnh đất bazan Tây Nguyên (Người đàn bà trong phòng xử án)…
Và bên cạnh đó, “tấm lòng của người đàn bà viết” dường như đã cùng “tan chảy” vào từng ý niệm của nhân vật, để rồi dù trải qua những nỗi mất mát vẫn ngộ ra được chân lý cuộc sống như một sự giải thoát cho chính mình. Đúng như nhà văn Phạm Đình Ẩn nhận xét: “Nhiều khi vẻ bề ngoài của trang viết là sắc lạnh, gay gắt, riết nóng nhưng phía sau lại sâu sắc về ân nghĩa và lòng độ lượng…”. Điều ấy thể hiện qua truyện “Trái tim dã thú” khép lại với lời của nhân vật đầy ám ảnh: “Trái tim của con khỉ đột mang gen người mà tôi đã thí nghiệm cấy ghép để cứu sống cho thằng Tín. Nhưng giờ tôi chợt nhận ra rằng nếu chỉ cứu được sự sống mà làm mất đi một con người thì đừng cứu còn hơn. Sẽ thật là nguy hiểm cho xã hội này nếu chen chúc giữa đám đông con người là kẻ mang trái tim dã thú”.
Hay đó là một người phụ nữ bỏ qua hết thời thanh xuân, chối từ tình yêu nhưng cuối đời mới nhận ra rằng: “Phải chi ngày ấy tôi đừng mải ngước lên cao và mơ một ảo ảnh thiên đường. Tôi từng lầm tưởng nông trường có thể thay thế gia đình, lũ trẻ tập thể có thể là con mình. Tôi đã lầm. Lấy chồng, sinh con, có một mái ấm gia đình, đó là điều mà người đàn bà cần phải có…”.
Có thể nói rằng, “Tuyển tập Truyện ngắn và ký” đặc sắc này là tâm huyết được chắt lọc từ hàng nghìn trang văn đã hình thành từ hơn nửa thế kỷ làm báo của nhà báo Nguyễn Thị Vân Anh. Từ cuộc đời đầy trải nghiệm, một trái tim người cầm bút trách nhiệm, nhà báo Nguyễn Thị Vân Anh đã viết với một tâm niệm rất đỗi chân thành: “Đọc tuyển tập này, các bạn thấy hầu hết là những con người, những mảng thực tế quá vãng, nhưng tôi lưu lại ở đây một thời kỳ mà đất nước và lớp người thế hệ chúng tôi đã sống, chiến đấu và trải qua để càng thấy yêu quý hơn những gì tốt đẹp ngày hôm nay, để thế hệ trẻ hôm nay biết được rằng những điều quá đỗi bình thường trước mắt ta thực ra đã phải đánh đổi bằng biết bao công sức tâm huyết, thậm chí cả xương máu của những người đi trước mới có được”…
Hà Vân