Các cụ xưa có câu “Y phục xứng kỳ đức”. Câu này quá chính xác đối với Bác Hồ, người đã thể hiện phẩm chất, đức độ và tầm văn hóa của mình qua y phục.
Điều nổi bật khi ngắm y phục của Bác Hồ là tính giản dị. Bác đã đưa phẩm chất vĩ đại này vào y phục (và trong mọi hoạt động của mình) một cách rất linh hoạt, phù hợp hoàn cảnh, vừa thể hiện sự trân trọng, thân tình đối với những người xung quanh mình, vừa giữ truyền thống văn hóa dân tộc.
Hầu như khi nói đến y phục của Bác Hồ, người ta luôn hình dung đó là bộ đồ kaki bốn túi theo kiểu Tôn Trung Sơn màu trắng, khi có việc quan trọng thì cài kín cổ, lúc thường nhật thì mở khuy áo thoải mái, đi giày đi dép đều hợp.
Ít người biết rằng lúc đầu, ông Vũ Đình Huỳnh, thư ký lễ tân của Bác, đề xuất Bác mặc mẫu áo giống như các lãnh tụ Liên Xô. Bác bảo: “Nhưng mình có phải người Nga đâu” nên cuối cùng ông Vũ Đình Huỳnh cùng ông chủ hiệu may Phú Thịnh đã bàn bạc với nhau để may cho Bác bộ đồ kaki sau này trở thành biểu tượng huyền thoại của Bác. Thực ra, bộ đồ kiểu đó của Bác không chỉ có màu sáng mà còn có màu xanh thẫm.
Ngoài bộ đồ kaki kể trên, y phục của Bác cũng khác nhau tùy thuộc vào thời gian và bối cảnh nhưng đều toát lên vẻ giản dị, gần gũi lạ thường. Đó là bộ quân phục màu xanh ở chiến khu Việt Bắc, bộ đồ đã trở thành hình tượng người Cha già của bộ đội – “Bác cùng chúng cháu hành quân”.
Đó là những bộ áo quần như người dân thường màu thẫm mỗi khi Bác đi thăm người dân, tiếp nhân dân hoặc sinh hoạt đời thường. Mùa đông thì Bác mặc thêm cái áo len bên trong và khoác áo ấm bên ngoài.
Trong kháng chiến chống Pháp, Bác khoác cái áo “ba-đờ-xuy” vốn là chiến lợi phẩm dài quá đầu gối, quà của một đơn vị tặng Người. Trong Chiến dịch Biên giới 1950, khi đến thăm thương binh, Bác đã cởi chiếc “ba-đờ-xuy” này đắp lên người một chiến sỹ bị thương mất nhiều máu.
Nhưng nói về y phục của Bác Hồ, không thể không nói tới những bộ quần áo “đặc biệt” vì rất thời thượng. Đó là giai đoạn Bác hoạt động ở Pháp, ở Quốc tế Cộng sản tại Liên Xô. Ở giai đoạn này, Bác mặc đồ vest, thắt cà vạt. Trong y phục hiện đại này, với khuôn mặt thông minh, đầy kiên định và dáng người cao, thanh, Bác trông đẹp một cách sang trọng.
Một điều đặc biệt là Bác lại mặc vest trong khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945. Những thước phim mà các nhà làm phim Việt Nam dày công tìm ra ở Pháp mãi sau này cùng với ảnh của nhà nhiếp ảnh tài ba Nguyễn Bá Khoản cho ta thấy một người đàn ông khắc khổ, gầy gò, tóc rụng gần hết để lộ vầng trán mênh mông với đôi mắt sáng rực trong bộ đồ vest màu sáng không thắt cà vạt tuyên bố khai sinh nước Việt Nam mới – nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bộ đồ vest đó còn được Bác dùng trong những năm sau Cách mạng tháng Tám 1945, năm 1946.
Bác còn mặc vest và cả quần soóc vốn là kiểu cách thời thượng của dân Hà thành lúc ấy (đội cảnh sát hộ vệ tại Lễ Độc lập năm 1945 cũng mặc quần soóc để tôn thêm vẻ đẹp hùng mạnh của đội quân Cách mạng). Một bức ảnh năm 1946 chụp Bác trong bộ đồ rất “mốt” đó cùng với các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Chu Xương.
Không chỉ tấm ảnh đó, còn có những tấm ảnh Bác mặc quần soóc chụp với các quân nhân Mỹ cùng ông Võ Nguyên Giáp. Sau này có nhà thời trang nhận xét rằng với “công thức” quần ngắn (soóc) phối với blazer, đi cùng dép dây chéo sáng màu, Bác Hồ “có gout ăn mặc ảnh hưởng xuyên thời gian” và phong cách này đã ảnh hưởng ít nhiều đến các bạn trẻ theo đuổi thời trang vintage, thanh lịch: “Giản dị nhưng không hề thiếu đi sự tinh tế trong từng chi tiết”.
Phong cách sống tiết kiệm, giản dị của Bác luôn là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ đời sau noi theo.
Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài cho rằng ngay y phục của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang dấu ấn của một người vĩ đại. Bác đã đem được sự giản dị vốn là đỉnh cao của các nền văn hóa lớn vào lối sống và cách ăn mặc của mình. Người đã hòa vào người dân của nước mình và nhân loại cần lao trên thế giới.
Đặng Đình Cung