Giữa tháng 1/2024, điểm trường Ông Bình (xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) hoàn thành, chính thức đi vào hoạt động. Buổi học đầu tiên ở ngôi trường mới tràn ngập tiếng cười, hạnh phúc của thầy trò sau bao ngày háo hức, mong chờ.
Từ một ngôi trường tạm bợ nằm sâu trong núi, điểm trường Ông Bình đã trở thành một ngôi trường kiên cố, khang trang.
Đây là ngôi trường thứ 17 mà anh Nguyễn Bình Nam (chủ nhiệm câu lạc bộ Bạn Thương nhau) và các cộng sự đã vận động xây dựng cho các học sinh miền núi khó khăn nhất ở Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Kon Tum.
Những điểm trường “cổ tích”
Ý tưởng xây dựng điểm trường của chàng kỹ sư điện Nguyễn Bình Nam bắt nguồn trong một chuyến đi tình nguyện Tết vùng cao ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cách đây 13 năm. Đau đáu khi chứng kiến cảnh cô trò điểm trường Nước Ui phải học trong một lớp học dựng bằng gỗ, hở hoác 4 bề, nền đất sình lầy đã thôi thúc anh bắt tay vào việc kiên cố lại điểm trường này. Ngôi trường mới khánh thành sau 2 tháng với chi phí hơn 200 triệu đồng nhờ sự đóng góp, kêu gọi qua mạng xã hội.
Với phương châm “Đi thật xa- nơi thật khó- đến tận nơi- trao tận tay” hơn 10 qua, anh Nam và các cộng sự đã băng rừng, lội suối xoá hàng chục điểm trường tạm cho học sinh miền núi. Các điểm trường mới, ngoài phòng học còn có phòng nghỉ cho giáo viên, bếp, khu vệ sinh. Kinh phí cho một điểm trường từ 400-500 triệu đồng, có nơi lên tới gần 1 tỷ.
Anh Nam chia sẻ, để xây dựng được một điểm trường ở miền núi là cả một hành trình vất vả, không hề dễ dàng. Có những điểm trường mất gần cả năm mới hoàn thiện do đường xá đi lại vô cùng khó khăn, hầu hết phải vận chuyển vật liệu bằng sức người.
Như tại điểm trường Ông Deo (huyện Nam Trà My), đường đến điểm rất xa và nguy hiểm vì đường mòn rất nhỏ, một bên là vách đá, một bên là vực sâu. Nếu không có người dân địa phương cùng hỗ trợ rất khó hoàn thành.
“Thời điểm đó, mọi người phải cõng từng bao cát, gạch, tôn, thép… đi bộ suốt 2 tiếng, trèo qua hai, ba ngọn núi mới đến điểm tập kết. Chỉ riêng quá trình vận chuyển vật liệu đã mất hơn 4 tháng. Sau gần một năm với nhiều nỗ lực, điểm trường cũng hoàn thành, giúp gần 100 em học sinh mầm non và tiểu học có nơi học khang trang”, anh Nam kể.
Điểm trường mới gần đây nhất là Ông Bình cũng mất 4 tháng ròng rã mới hoàn thành với kinh phí gần 1 tỷ đồng.
“Năm 2017, chúng tôi trèo đèo lội suối gần 5 tiếng mới tới điểm trường Ông Bình. Không nghĩ là sau 6 năm, lại có thể xây được ngôi trường trên núi đó. Một nơi không có điện lưới quốc gia, không có sóng điện thoại nay mọc lên một ngôi trường mới hiện đại, có đầy đủ mọi thứ. Trường có hệ thống điện mặt trời, có điện chiếu sáng, có quạt, tivi, tủ lạnh… Nhìn ngôi trường mới được dựng lên giữa rừng xanh, không chỉ lũ trẻ mà người lớn cũng mừng rơi nước mắt”, anh Nam tâm sự.
Ngoài xây dựng điểm trường, câu lạc bộ còn của anh Nam còn tổ chức các chương trình như: Bữa cơm miền núi, Tủ sách vùng cao, Sữa vùng cao, Én nhỏ vùng cao; Đi dạy trên núi… để các em ở những điểm trường xa xôi bớt khó khăn và đi học thường xuyên hơn.
Trong đó, chương trình “Bữa cơm miền núi” được duy trì từ năm 2014 đến nay. Câu lạc bộ tài trợ mỗi điểm trường mỗi tuần một bữa cơm trưa có thịt cá.
Tháng 9/2022, anh Nam triển khai thêm chương trình “Đi học trên núi” nhằm giúp đỡ trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Dự án đến nay đã giúp đỡ 360 em của 6 huyện miền núi Quảng Trị, Quảng Ngãi và Quảng Nam với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng/năm.
Anh kêu gọi bạn bè, mạnh thường quân ở thành phố bảo trợ mỗi em 500 nghìn đồng/tháng. Hàng tháng, thầy cô nhận tiền từ dự án để mua sắm quần áo, sách vở, nhu yếu phẩm hỗ trợ cho các em và gia đình. Dự án cam kết sẽ hỗ trợ cho các em đến lúc học xong lớp 12.
Đặc biệt mới đây, câu lạc bộ của anh Nam đã tổ chức chương trình “Bạn trẻ vùng cao xuống phố” đưa các em xuống tham quan TP Đà Nẵng. Đó như một món quà tinh thần, giúp các em có thêm động lực để phấn đấu, cố gắng học hành.
“Những đứa trẻ xuống phố là những bạn đặc biệt vì có hoàn cảnh khó khăn, rụt rè. Lần đầu tiên các con được đi biển, xem pháo hoa, xem phim… Nhìn những toà nhà cao tầng, những ánh đèn lấp lánh, các con ngạc nhiên, vui mừng đến mức chỉ biết ồ lên đẹp quá.
Lúc xuống biển, các con còn hỏi chú Nam ơi sao nước mặn thế? Con lấy chai nhựa đựng nước mặn mặn này về núi được không? Những câu hỏi ngô nghê của các em khiến người lớn rưng rưng”, anh Nam nói.
“Hi vọng khi được xuống phố, nhìn thấy thế giới rộng lớn, bao la các em sẽ cố gắng để đến trường, chăm chỉ học hành. Chỉ có học, chỉ có con chữ mới giúp các em thay đổi tương lai, thay đổi mảnh đất quê hương”, anh Nam nói.
Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới, anh Nam cho biết, anh chuẩn bị khởi công thêm một điểm trường ở huyện Nam Trà My. Đây là điểm trường thứ 18 dành cho trẻ em vùng sâu, vùng xa.