CIVICUS Monitor xuyên tạc những gì?
CIVICUS Monitor là tên viết tắt của tổ chức “Liên minh toàn cầu vì sự tham gia của công dân”, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Johanesburg (Nam Phi). Vài năm trở lại đây, tổ chức này liên tục có những nhận định, đánh giá sai lệch, phiến diện về vấn đề dân chủ, nhân quyền nói chung, về đời sống xã hội ở Việt Nam nói riêng. Ngày 6/12/2023, tổ chức này ra báo cáo “Sức mạnh nhân dân bị tấn công năm 2023” của 198 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó xuyên tạc ở Việt Nam “có không gian xã hội dân sự và quyền tự do dân chủ bị đóng kín”!
CIVICUS vu cáo: “Tại Việt Nam, chính quyền đã gây áp lực lên các nền tảng truyền thông xã hội”, “hơn 100 nhà bảo vệ nhân quyền vẫn đang bị giam cầm, bị phân biệt đối xử trong trại giam”. Tổ chức này bênh vực, đòi thả tự do cho số đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam khi có các hành vi phạm tội tuyên truyền chống nhà nước, lợi dụng các quyền tự do dân chủ như Trương Văn Dũng, Trần Văn Bang, Phan Sơn Tùng…; đưa ra luận điệu sai trái khi cho rằng quyền tự do của người dân bị bóp nghẹt, bị chính quyền đàn áp. Qua những luận điệu sai trái của CIVICUS cho thấy âm mưu, thủ đoạn của tổ chức này như sau:
Một là, vu cáo Việt Nam quyền tự do dân chủ “bị bịt kín” nhằm cổ súy ra đời các tổ chức đội lốt “xã hội dân sự” hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích; phủ nhận những thành tựu dân chủ, nhân quyền của Việt Nam; hạ thấp vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
Hai là, đưa ra những “yêu sách” đòi mở rộng quyền tự do, dân chủ đứng ngoài pháp luật; đòi thực hiện chế độ đa đảng và thúc đẩy ra đời các tổ chức chính trị đối lập với xu hướng thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, thực hiện mưu đồ triệt tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam.
Ba là, tìm cách kích động phản kháng, biểu tình, bạo loạn lật đổ. Tác động, can thiệp vào vấn đề dân chủ, nhân quyền, coi đó như động lực để thúc đẩy sự phát triển của “xã hội dân sự” trá hình.
Bốn là, tán dương cho những người núp bóng “bất đồng chính kiến”, “phản biện xã hội” trong nước hoạt động theo khuynh hướng độc lập, trái pháp luật, chống phá Đảng, Nhà nước.
Như vậy, với những âm mưu, thủ đoạn trên cho thấy CIVICUS đã và đang cổ súy cho hành vi sai trái, thúc đẩy sự ra đời các lực lượng, tổ chức chính trị đối lập, hướng lái đến một mô hình “xã hội dân sự độc lập về chính trị” kiểu phương Tây, làm suy yếu sự quản lý của Nhà nước, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi quy kết không gian dân sự ở Việt Nam “bị thu hẹp”, “bị bịt kín”, cho thấy CIVICUS đã thể hiện rõ định kiến với Việt Nam. Tổ chức này không có bất cứ hoạt động khảo nghiệm tại Việt Nam, những thông tin mà CIVICUS có được đều lấy từ những tổ chức phản động, thù địch với Việt Nam. Vì thế những đánh giá trong báo cáo đã được công bố đều là phiến diện, sai trái.
Cần hiểu đúng về xã hội dân sự
Xã hội dân sự là một bước tiến quan trọng của lịch sử xã hội loài người trong tổ chức cộng đồng. Bên cạnh những tiến bộ của thiết chế nhà nước thì xã hội cũng hình thành một loạt thiết chế xã hội phong phú và đa dạng. Giá trị đáng ghi nhận của xã hội dân sự không phải đề cao thái quá tính độc lập, tính thoát ly mà là những phát kiến, kiến nghị, đề xuất có cơ sở lý luận và thực tiễn, phù hợp với quan điểm, đường lối của đảng cầm quyền, trong đó phải lấy quyền lợi của đại bộ phận quần chúng nhân dân, lợi ích của cộng đồng xã hội, của quốc gia dân tộc làm tôn chỉ, mục tiêu hoạt động. Không có bất kỳ thiết chế xã hội nào để cho các tổ chức, cá nhân vì lợi ích của mình mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác, gây hại cho đất nước, người dân.
Tổ chức xã hội dân sự nếu được hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích, mang lại giá trị cho xã hội, quốc gia đều rất đáng quý, xứng đáng được tôn vinh. Tuy nhiên, vấn đề xã hội dân sự nếu bị lợi dụng để tạo ra xung đột, chiến tranh, gây đau thương thì phải bị lên án, bài trừ. Trên thế giới không phải là không có tiền lệ. Sự thất bại của mô hình XHCN ở Liên Xô, Đông Âu vào những năm cuối thập niên 80, 90 của thế kỷ XX, các cuộc đảo chính, lật đổ chính quyền, các cuộc “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” trong thế kỷ XXI là những ví dụ điển hình cho thấy xã hội dân sự đã bị bóp méo, bị lợi dụng, là nguồn gốc sâu xa gây ra tình trạng trên.
Ở Việt Nam, việc tôn trọng, bảo đảm quyền công dân, quyền con người được khẳng định trong các bản Hiến pháp, thể hiện rõ bản chất tốt đẹp của chế độ ta, đó là chế độ do nhân dân làm chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo đó, Điều 14, Hiến pháp năm 2013 quy định: Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Pháp luật Việt Nam không cấm việc thành lập và hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự. Điều 25, Hiến pháp 2013 đã quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Khi Việt Nam tham gia Hiệp định thương mai tự do (FTA), chúng ta đã sửa đổi Bộ luật Lao động (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021), theo đó người lao động có quyền thành lập, tham gia các tổ chức công đoàn độc lập, các tổ chức của người lao động theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh các luật quy định về thành lập, hoạt động của hội như Bộ luật Hình sự 2015, Luật Công đoàn, Bộ luật Dân sự 2015, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, ngày 21/4/2010, quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; Nghị định số 93/2019/NĐ-CP, ngày 25/11/2019 về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Tất cả các tổ chức, hội nhóm được thành lập phải chấp hành nghiêm các quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Mọi hoạt động núp bóng thành lập “xã hội dân sự” hoạt động trái pháp luật đều phải bị xử lý theo đúng quy định. Hệ thống pháp luật Việt Nam đều hướng đến bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đưa con người đến các giá trị chân, thiện, mĩ. Bất kể cá nhân, tổ chức nào xâm phạm đến quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức, lợi ích Nhà nước, xã hội đều bị xử lý theo luật định.
Thực tế bác bỏ luận điệu sai trái
Tính đến cuối năm 2022, cả nước có tổng số 93.438 hội, trong đó gồm 571 hội hoạt động phạm vi cả nước hoặc liên tỉnh và 92.854 hội hoạt động phạm vi địa phương. Cả nước có 125.342 công đoàn cơ sở trên tổng số 10.579.045 đoàn viên công đoàn; tỷ lệ đoàn viên trên công nhân lao động ở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là 87%. Các hội ở Việt Nam phát triển đa dạng, phong phú, có mặt trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Nhiều hội đã đóng góp tích cực trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, thực hiện giám sát, phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho các hội, tổ chức trong nước hoạt động, Việt Nam cũng rất quan tâm, hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ (NGO) hoạt động. Điều này thể hiện rõ trong các nghị định của Chính phủ, trong đó phải kể đến Nghị định 80/2020/NĐ-CP ngày 8/7/2020 về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam; Nghị định số 58/2022/NĐ-CP, ngày 31/8/2022 về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam… Theo thống kê đến cuối năm 2022 đã có hơn 900 tổ chức NGO nước ngoài có quan hệ và hoạt động tại Việt Nam, nhiều NGO đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của Việt Nam được Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao.
Tự cho mình là tổ chức nhân quyền, vậy nhưng CIVICUS lại phớt lờ những thực tế nói trên, không quan tâm, không tiếp xúc, trao đổi với các tổ chức có thẩm quyền để từ đó có những đánh giá khách quan, chân thực, đúng đắn. Rõ ràng, CIVICUS chỉ tìm cách đưa ra những con số, thông tin sai trái để lấy cớ chống phá Việt Nam, không thực hiện theo đúng tôn chỉ, mục đích đề ra.
Trước bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều biến động phức tạp nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến của hòa bình, đoàn kết, hữu nghị. Các nước lớn đều xem Việt Nam là đối tác quan trọng, trong đó chỉ tính năm 2023, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, Nhật Bản. Lãnh đạo các quốc gia khi đến Việt Nam đều ấn tượng, đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Những đóng góp của Việt Nam trong công tác nhân quyền, cho hòa bình thế giới đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam đã gửi đi những thông điệp với bạn bè quốc tế là đất nước thanh bình, biểu tượng của đấu tranh, bảo vệ, thực thi quyền con người, quyền công dân, là điểm đến đầu tư lý tưởng cho các đối tác kinh tế.
Một đất nước như vậy, không thể bị bóp méo, không thể xuyên tạc là quyền tự do “bị đóng kín”, “bóp nghẹt” như luận điệu của CIVICUS. Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam sẵn sàng trao đổi, chia sẻ với tất cả các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trên tinh thần xây dựng, cởi mở, hợp tác để cùng nhau phát triển.