Sau khi ăn tôm biển 30 phút, bệnh nhân bị đau quặn bụng, tiếp đó nổi ban đỏ, ngứa toàn thân. Nghe người quen mách “mẹo” chữa dị ứng bằng cách đốt vỏ tôm biển thành tro và uống, bệnh nhân nôn dữ dội.
Mới đây, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương tiếp nhận nữ bệnh nhân 17 tuổi phản vệ mức độ nguy kịch với tôm.
Khi được đưa đến cấp cứu trong đêm, bệnh nhân nổi ban đỏ toàn thân, khó thở, gọi hỏi đáp ứng chậm, mạch nhanh nhỏ khó bắt, đau bụng từng cơn, huyết áp không đo được.
Ngay khi xác định bệnh nhân sốc phản vệ nguy kịch với tôm, bác sĩ áp dụng phác đồ cấp cứu phản vệ, tiêm bắp adrenaline nhưng tình trạng bệnh nhân không cải thiện. Tiếp đó, bệnh nhân được truyền tĩnh mạch liên tục mới dần ổn định.
Người nhà bệnh nhân cho biết bệnh nhân có tiền sử dị ứng với tôm (tôm đồng), cua, lạc. Vì thế, bản thân người bệnh nghĩ ăn tôm biển không sao nên thử ăn. Sau 30 phút ăn tôm biển, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau quặn bụng.
2 giờ sau đó, toàn thân người bệnh nổi ban đỏ, sẩn cục toàn thân, ngứa, người nhà cho uống thuốc chống dị ứng nhưng triệu chứng không thuyên giảm.
Sau ăn tôm 4 giờ, bệnh nhân tiếp tục đau bụng, nôn và đại tiện phân lỏng 2 lần. Tuy nhiên, thay vì đưa đến viện, được người quen mách mẹo đốt vỏ tôm thành tro và uống để chữa dị ứng, người nhà đã làm theo và cho cô gái uống.
Ngay sau khi uống tro vỏ tôm, bệnh nhân nôn dữ dội, dần lịm đi, gọi hỏi đáp ứng khó… gia đình vội đưa đi cấp cứu.
Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân đã bình phục hoàn toàn, vừa xuất viện trở về nhà.
Bác sĩ khuyến cáo, những người có tiền sử dị ứng thực phẩm cần thận trọng khi ăn uống, tuyệt đối không ăn lại thực phẩm đã gây dị ứng. Khi xảy ra tình trạng dị ứng, sốc phản vệ, cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện, thay vì chữa mẹo dân gian rất nguy hiểm đến tính mạng.