.
Núi đồi ôm ngọc hồ xanh
Đời vui no ấm vươn nhành thanh long
Đơm hương xuân sắc trái rồng
Ơn người thủy lợi khơi dòng yêu thương…
Suối Chớp Mau khởi nguồn từ Râm Xanh chảy qua cống km1572 đường xe lửa. Thung khe sâu dưới dốc Đá Đen có mạch nước nhĩ trong mùa khô. Vách đá dựng chông chênh giữa rừng, đá chen đá chập chùng đồi, rừng cây xum sê cao vút trời xanh, là do mạch nước ngầm nuôi dưỡng cây rừng. Con suối hiểm trở lượn vòng cụm đồi đá tạo thành địa danh Ba Suối trên đường rừng. Ba suối ôm cua ngoặt ghềnh đá khiến cuồng lũ hung hiểm trong cao điểm mùa mưa. Thợ rừng ai đã từng kẹt lũ đêm, hú hét rền như vượn nơi Ba Suối phải ôm nhớ hoài kỷ niệm.
Lượng nước trời quý giá từ Ba Suối nơi miền sơn địa đã được người tài dụng phép trị thủy giữ lại trong lòng hồ Tà Mon, đem tới lợi ích cho nền nông nghiệp tại địa phương. Lòng dân tri ơn bậc anh tài đã vận dụng trí lực kiến tạo nên công trình đập Tà Mon. Nhìn trên google map là điểm sáng màu xanh ngọc vẫn sáng mãi theo thời gian hơn ba mươi năm qua.
Mùa khô là mùa tưới nước cho vườn thanh long, thấy ông Phúc – thủy lợi cỡi xe hon-đa dõi theo con nước xanh êm trôi độ dốc thoai thoải từ hồ Tà Mon trên thượng du về với kênh mương nội đồng hai thôn Lập Phước và Tà Mon (xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam).
Con nước được mở cổng trên đập tự do xuôi dòng mười hai tiếng đồng hồ một phiên, từ 5 giờ sáng tới 5 giờ chiều. Ai đang cần nước thì phải đón đợi nước. Niềm hạnh phúc hân hoan của nông dân là đặt máy bơm đẩy “em” vào hồ ao dự trữ nước trong vườn. Vườn thanh long kề cận kênh mương là lợi thế, “em” nhanh chóng tới liền phun tưới ào ạt cây trồng mát mẻ no nê. Vườn nơi xa một chút, “em” chưa kịp tới, ông Phúc đã nghe điện thoại a-lô nháo nhào: Ông Phúc ơi!… Ông Phúc à!… Sao mà công bằng được! Vườn của anh nơi xa hơn. Con nước vẫn nhẫn nại êm trôi. Con nước không nôn nóng. Con nước không biết chạy. Cũng mong rằng những hộ gần kênh mương đừng tham quá be bờ, phải nhường con nước cho hộ ở xa hơn. Ông Phúc cũng phải cười khì hòa giải hai anh nóng nảy sửng cồ trước con nước “dùng dằng” không đành chia hai ngã. A-lô!… “Em” tới chưa?… Đừng lo chi, rồi thì “em” cũng tới mà. Tới chưa?… Tới rồi hả. Ông Phúc thở phào dừng xe hon-đa bên bóng mát ven đường. Hút điếu thuốc cái đã. Điếu thuốc chưa kịp tàn thì điện thoại lại réo nháo nhào tới trưa mới dứt.
Ông Phúc quản ba ngày trong một lượt xả nước. Lịch công việc đã ghi mùa nắng có tám lượt. Ba phiên con nước chảy về ba ngã kênh mương của hai thôn có 50 ha vườn thanh long hạ du. Chưa xong, trên vườn đồi triền núi Giăng, triền núi Chớp Mau còn có 200 ha vườn thanh long. Hơn trăm máy bơm chìm dưới nước đặt chung quanh hồ Tà Mon phía thượng du để tải nước về vườn. Đường dây điện được kéo trên không. Ống nước được chôn ngầm giăng mạng nhện trong lòng đất vận chuyển nguồn nước tới nuôi dưỡng vườn thanh long của hơn hai trăm nông hộ.
Chỉ riêng hộ anh chị Thuận Thúy có năm máy bơm công suất hai ngựa, ba máy tải nước, ba trăm mét ống ngầm, hồ chứa nước 5.000m2, hai máy bơm tưới luân phiên 4.000 trụ thanh long. (Hộ Thuận Thúy vừa thu hoạch vụ chong đèn 2.000 trụ, đạt sản lượng 25 tấn trái rồng ruột đỏ, giá 39.000 đồng/kg, gia đình ôm về bó tiền gần 1 tỷ đồng, một kỷ lục hiếm có của nông dân. Đây là sự kiện vui nức lòng nông dân thôn Tà Mon). Hộ anh chị Bôn Tốt có 4.000 trụ trên triền đồi cao, ban đêm chong điện sáng rực đèn giăng như phố. Hệ thống tưới phải tăng-bo hai chặng, bốn trăm mét ống ngầm, thuê máy xúc đào hồ chứa nước, hai máy bơm lớn trung chuyển nước “trèo” lên triền núi tới vườn thanh long. Để thấy sự vận hành thủy lợi phối hợp điện nước trên miệt vườn là khối lượng khủng công việc nhà nông trong mùa tưới thanh long.
Cụ Năm Quả đã quản lý thủy nông hồ Tà Mon từ những ngày đầu, cụ kể lại mùa khô 1992 – 1993, ngành thủy lợi đã điều tra khảo sát địa hình. Tinh thần đồng thuận giữa nhân dân và chính quyền, bồi thường bằng tiền giá trị hoa lợi cây trồng của mười tám nông hộ có vườn rẫy trong khu vực lòng hồ. Công trình xây dựng hồ Tà Mon được thi công liên tục ngày đêm trong sáu tháng. Ba kíp trực thi công trong ngày. Xe ủi, xe múc, xe ben… rầm rộ đào xúc, vận chuyển đất, tạo lòng hồ. Con đập chiều dài 875m được đào âm sâu, đắp cao, nén nện đất sét phòng ngừa mội nước rò rỉ. Đến nay, ông Nguyễn Thái Danh là Trưởng trạm quản lý hồ Tà Mon cho biết: Công trình hồ đập Tà Mon được tu sửa, bảo dưỡng từ nguồn kinh phí W8 của Ngân hàng Thế Giới (Word Bank) tài trợ cho Việt Nam. Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn là chủ đầu tư thi công. Bề mặt đập được đúc bê-tông bề ngang 5m, dày 0,4m. Bê-tông hóa vành đai phòng hộ bờ đập ngăn chặn xói lở. Lòng hồ đã được nạo vét đạt trữ lượng 600.000m3 nước trên diện tích 16,6km2.
Mùa khô 1993 – 1994, công trình đập Tà Mon và 2.000m kênh mương được hoàn thành và đưa vào sử dụng hiệu quả, ghi dấu một sự kiện quan trọng phát triển nông nghiệp tại địa phương, xóa bỏ sự nông nhàn gây trì trệ nghề nông. Trước đây, thôn Tà Mon nổi cộm khai thác lậu sản phẩm rừng, do mùa khô nghề nông không việc làm. Giờ đây, hồ Tà Mon cung cấp nguồn nước tưới, đất đai được khai khẩn trồng trọt tăng sản lượng nông sản, phát triển đời sống kinh tế- xã hội, khuôn mặt mới nông thôn được tô điểm xinh đẹp, nhà xây kiểu dáng đời mới thi nhau vươn lên khoe sức sống mới. Điểm sáng màu xanh ngọc hồ Tà Mon càng thêm gắn kết với miệt vườn thanh long trong thôn xóm như tình yêu chung thủy muôn đời của đất và nước.
Quan sát trên giao diện của google map, thấy ba điểm sáng màu xanh ngọc gần nhau. Đó là hồ Tân Lập, hồ Tà Mon và hồ Sông Phan. Tới khi nào dòng kênh xanh vắt dọc dài núi Giăng kết nối ba điểm nắm chặt tay nhau nối mạng lưới thủy lợi. Ngày đó chắc không còn xa, mong lắm bậc anh tài ngành thủy lợi vận dụng nguồn lực mạnh mẽ của nước tưới mát và che chở miền bán sơn địa vơi bớt nỗi buồn lo khô hạn, tạo thêm nhiều công việc làm ăn sản xuất nông nghiệp. Đó là nỗi niềm tha thiết ngóng chờ của nông dân, kênh mương đầy ắp nguồn nước xanh mát, cần tưới vườn là đáp ứng liền ngay và đủ, cũng là niềm hạnh phúc của nông dân.