Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế – xã hội tháng 1/2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực với nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhập trên các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024 |
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2024 tăng 3,37% so với cùng kỳ (chủ yếu do tác động của việc tăng giá dịch vụ y tế và bán lẻ điện theo kế hoạch). Lạm phát cơ bản tháng 1 tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung, chủ yếu do giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là các yếu tố tác động tăng CPI tháng vừa qua nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất huy động và cho vay duy trì xu hướng giảm. Theo đó, chính sách tiền tệ tiếp tục được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát mục tiêu năm 2024 bình quân khoảng 4-4,5%, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.
Trong đó, điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD), góp phần ổn định thị trường tiền tệ và thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ. Trên cơ sở theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ, ngoại hối, tiếp tục duy trì chào mua có kỳ hạn giấy tờ có giá trên nghiệp vụ thị trường mở hàng ngày để phát tín hiệu sẵn sàng hỗ trợ vốn cho các TCTD, ổn định thị trường tiền tệ; lãi suất chào mua giấy tờ có giá giảm đồng bộ với các mức lãi suất điều hành khác của NHNN. Thanh khoản hệ thống dồi dào, thị trường tiền tệ ổn định, hoạt động thông suốt, lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức thấp.
Điều hành tín dụng hài hòa với diễn biến kinh tế vĩ mô nhằm góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD. Điều hành tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các TCTD năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; nghiên cứu đổi mới công tác điều hành tăng trưởng tín dụng.
Cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ngay từ đầu năm 2024, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% và thông báo nguyên tắc giao tăng trưởng tín dụng năm 2024 để các TCTD chủ động triển khai thực hiện tăng trưởng tín dụng. Thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình thực tế để chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an toàn hệ thống.
Về điều hành lãi suất, tiếp tục giữ mức lãi suất điều hành sau 04 lần giảm; thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay; tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; yêu cầu các TCTD triển khai các biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới.
Về điều hành tỷ giá, từ đầu năm đến nay, tỷ giá có xu hướng tăng trong bối cảnh khách hàng có nhu cầu ngoại tệ tương đối lớn để nhập khẩu phục vụ sản xuất, kinh doanh (thép, xăng dầu). Tuy nhiên, cân đối cung cầu ngoại tệ duy trì tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến phù hợp với xu hướng các đồng tiền quốc tế so với USD. NHNN tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Cùng với đó, triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, góp phần phát triển hệ thống các TCTD hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các TCTD yếu kém, triển khai cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.
Chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Đến cuối tháng 11/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 4,95%. Trong 11 tháng năm 2023, toàn hệ thống đã xử lý được khoảng 214,4 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô tháng 1 cơ bản ổn định, nền kinh tế tiếp tục trong xu hướng phục hồi, triển vọng tăng trưởng năm 2024 được dự báo lạc quan. |