Làng nghề bánh chưng Cát Trù không chỉ làm ra những chiếc bánh chưng ngon nức tiếng mà còn được chọn làm lễ vật dâng mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm. Từ đời này sang đời khác, nghề gói bánh chưng được gìn giữ qua bao thế hệ tạo nên thương hiệu bánh chưng Cát Trù nổi tiếng khắp miền Bắc.
Rất nhiều bánh chưng được bày trên những chiếc phản gỗ dọc lối đi giữa làng vào một cơ sở làm bánh chưng có tiếng trong xã Cát Trù
Phía bên trong xưởng, hàng chục người thợ bằng bàn tay khéo léo chung tay tạo nên món ăn đã trở thành thương hiệu của vùng đất Tổ.
Gia đình nghệ nhân gói bánh chưng Nguyễn Thị Minh Ảnh tới nay đã có 3 đời làm bánh chưng gia truyền, cơ sở làm bánh của bà Ảnh cũng có tới 10 lần đạt giải cao trong hội thi làm bánh dâng lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ở Phú Thọ.
Theo cô Ảnh, để tạo nên những chiếc bánh chưng ngon thì việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phải được đưa lên hàng đầu, nguyên liệu như gạo, đỗ xanh, thịt ba chỉ đều được lựa chọn loại tốt nhất, được chứng nhận an toàn thực phẩm.
Gia đình cô Ảnh cũng có riêng 1ha đất chuyên trồng lá dong để gói bánh chưng. Lá dong phải chọn lá bánh tẻ bản to vừa, dày và cuống mỏng. Ngoài ra, để đủ nguyên liệu làm bánh cung ứng dịp Tết năm nay, cô cũng mua thêm lá dong từ các hộ gia đình lân cận.
“Từ sau rằm tháng Chạp, lượng đặt hàng nhiều hơn và khối lượng công việc cũng tăng theo, gấp rút hơn nên nhân công cũng được tăng cường. Với ngày thường chỉ khoảng 7-10 người làm thì vào dịp Tết nhân công lên tới gần 30 người, chủ cơ sở làm bánh chưng chia sẻ.
Anh Hoàng Văn Linh (con trai của nghệ nhân Nguyễn Thị Minh Ảnh) tới nay đã theo nghề làm bánh chưng được 10 năm. Anh Linh mong muốn sẽ nối nghiệp truyền thống từ đời ông để lại để phát triển cho tới mai sau.
Thời điểm ngày thường, cơ sở làm bánh của cô Ảnh sử dụng 3 nồi điện để luộc bánh chưng, nhưng do số lượng bánh tăng nhiều vào dịp Tết, cô huy động thêm 4 nồi bếp củi để đảm bảo tiến độ cung ứng bánh ra thị trường.
Thời điểm này, các bếp lửa dường như không bao giờ tắt khi liên tục những mẻ bánh được xếp đầy nồi thay phiên nhau.
Mỗi mẻ bánh, người thợ luộc ghi rõ các mốc thời gian như giờ sủi, giờ vớt, thêm nước… trên bảng theo dõi. Trung bình mỗi nồi sẽ được luộc trong khoảng 10 tiếng đồng hồ, tính từ lúc đưa bánh vào nồi tới lúc vớt ra.
Trung bình mỗi nồi chứa được khoảng 300 bánh chưng, dịp cận Tết một ngày số bánh luộc lên tới 4.500-5.000 bánh.
Chiếc bánh chưng Cát Trù sau khi luộc có hình thức đẹp, vuông thành sắc cạnh, màu sắc tươi tắn, gạo rền, thơm hương. Quá trình tạo nên sản phẩm kỳ công, đòi hỏi người gói bánh có kỹ thuật, tâm huyết…