Với quy trình cấp phép chặt chẽ hơn áp dụng từ 2024, các ban tổ chức sẽ phải đáp ứng nhiều tiêu chí, điều kiện trước khi được mở bán vé, theo Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phạm Xuân Tài.
Từ 2024, Thành phố Hà Nội ban hành quy trình mới trong việc cấp phép tổ chức các giải marathon trên địa bàn. VnExpress có bài phỏng vấn với Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao – ông Phạm Xuân Tài xoay quanh quy trình mới này.
– 2023 là một năm nở rộ các giải marathon trên phạm vi cả nước cũng như trên địa bàn Thủ đô, mang đến sân chơi cho hàng trăm nghìn lượt vận động viên. Các Ban tổ chức đã mang lại những gì cho người yêu chạy bộ, theo ông?
– Hiện nay thành phố Hà Nội có 7 giải marathon và half marathon quy mô lớn, thu hút hàng trăm nghìn vận động viên. Đây là những sân chơi lành mạnh góp phần thúc đẩy phong trào rèn luyện sức khỏe cho người dân Hà Nội nói riêng cũng như cả nước nói chung.
Ngoài ra, các giải chạy còn là sự kiện thu hút không chỉ các vận động viên trong nước mà còn có cả các vận động viên nước ngoài và bạn bè quốc tế cùng tề tựu về đây. Với cung đường đi qua nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thành phố, đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá văn hóa phong phú và vẻ đẹp hiện đại của Thành phố Hà Nội đến với thế giới.
Không những vậy, việc thu hút các runner từ các tỉnh thành và quốc tế tham gia đã mang lại giá trị kinh tế, thúc đẩy tiêu dùng, lưu trú, ẩm thực, ăn uống, quà tặng, góp phần chung vào phát triển kinh tế của Thủ đô.
– Để nâng cao chất lượng các giải đấu cũng như thúc đẩy phong trào marathon, quy trình tổ chức và cấp phép các giải chạy trong năm 2024 có những điểm mới, cải tiến gì, thưa ông?
– Mới đây, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định về việc công bố thủ tục hành chính nội bộ lĩnh vực văn hóa và Thể thao. Trong phạm vi của Quyết định này có nhiều điểm mới về thẩm định và cấp phép giải, được thực hiện theo một quy trình thống nhất, chặt chẽ.
Theo đó, Sở Văn hóa và Thể thao là đơn vị chủ trì, thẩm định về chuyên môn, giá trị, hiệu quả mà giải mang lại, các tiêu chí, tiêu chuẩn của giải thể thao, các nội dung về quảng cáo, truyền thông.
Sở Giao thông vận tải thẩm định về phương án phân luồng giao thông. Công an Thành phố thẩm định về phương án đảm bảo an ninh, an toàn. Sở Y tế thẩm định về phương án Y tế. Khi các nội dung đảm bảo, UBND Thành phố sẽ quyết định.
Thời gian cấp phép được làm ngay từ đầu năm, trước khi các đơn vị tổ chức công khai và mở bán vé.
Phải nhấn mạnh là quy trình này không gây khó khăn hơn, mà là chặt chẽ hơn. Trước đây, Thành phố kiểm soát cuối cùng, sau khi Ban tổ chức làm việc với các Sở ban ngành có liên quan và chuẩn bị đi vào vận hành sự kiện. Còn hiện nay, Thành phố đưa ra yêu cầu kiểm soát trước khi mở bán vé, để đảm bảo những hạng mục chưa được chuẩn bị chu đáo hay các thiếu sót trước đây được khắc phục ngay từ đầu, đảm bảo cho chất lượng giải được tốt hơn.
Khi đó, các yêu cầu về mặt chuyên môn sẽ cao hơn, tính đặc sắc của giải sẽ hay hơn. Giải sẽ không thuần túy chỉ là một sự kiện thể thao, chạy xong là xong. Chúng tôi yêu cầu cao hơn, ngoài thể thao ra còn có yếu tố văn hóa như thế nào, quảng bá những giá trị đó ra sao.
Mỗi giải sẽ mang một nét riêng, không giải nào giống giải nào từ cung đường, thông điệp truyền thông, đặc biệt là hình ảnh quảng bá về những giá trị văn hóa – lịch sử của Thủ đô và hình ảnh một Thủ đô hiện đại đang phát triển mạnh mẽ.
Sở Văn hóa và Thể thao không khuyến khích phát triển giải mới sao chép cung đường của các giải đã có, không đưa đến những giá trị xã hội lớn và không có nét đặc sắc riêng.
– Ông nhận định các vận động viên sẽ hưởng lợi như thế nào từ các điểm mới này?
– Các giải tại Thủ đô sẽ ngày càng phát triển về quy mô. Số lượng các vận động viên từ các tỉnh và đặc biệt là các vận động viên quốc tế sẽ tham gia nhiều hơn. Để thu hút các vận động viên, các đơn vị tổ chức sẽ phải đầu tư nhiều hơn về chất lượng chuyên môn, chất lượng phục vụ, đảm bảo an ninh và an toàn. Đây là những điểm mà vận động viên sẽ hưởng lợi.
Bên cạnh đó quyền lợi của các vận động viên sẽ được đảm bảo. Không để tình trạng là ngày race sát đến nơi rồi mà cơ quan quản lý không phê duyệt cấp phép vì những thiếu sót chưa được khắc phục của ban tổ chức, dẫn đến tình trạng hoãn huỷ, dời lịch.
– Theo ông, các Ban tổ chức cần phải cải tiến những gì để đáp ứng những yêu cầu nói trên?
– Hiện nay, các giải đang thiếu nét riêng của mình. Chưa làm nổi bật đóng góp của sự kiện đến các lĩnh vực khác như văn hóa, nhân đạo, kinh tế. Có nơi chỉ đơn thuần đi chạy xong rồi về, thông điệp truyền tải tới cộng đồng và người dân không có. Chưa có nhiều giải được thống kê được hiệu quả kinh tế của giải mang lại cho Thủ đô.
Trong quá trình kiểm tra rà soát lại, Sở cũng nhận thấy có một số ban tổ chức chưa đáp ứng được yêu cầu và yêu cầu bổ sung, ví dụ như chưa đáp ứng được yêu cầu 1,5 đến 2 km có một điểm tiếp nước, hay trung bình 3 đến 6 km một xe cứu thương.
Với những yêu cầu mới này, chắc chắn các Ban tổ chức sẽ phải đầu tư nhiều hơn để nghiên cứu, đưa ra những đường chất lượng và an toàn nhất, đặc sắc nhất có thể.
– Hà Nội đặt mục tiêu gì trong việc vươn tầm khu vực và thế giới trong lĩnh vực marathon, nhằm thu hút không chỉ vận động viên – du khách Việt Nam mà còn từ khu vực và thế giới?
– Thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ lựa chọn một giải chất lượng nhất để xây dựng là giải chạy biểu trưng cho Thủ đô Hà Nội. Nhắc đến chạy ở Việt Nam sẽ phải nhắc đến giải này giống như nhiều giải nổi tiếng của Thủ đô các nước.
Chắc chắn sự kiện này sẽ đưa hình ảnh Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến của chúng ta đến nhiều hơn với các nước trên thế giới.
Anh Minh