Vậy cần làm gì để thời gian nghỉ tết đối với HS thực sự hạnh phúc và có ý nghĩa?
Thời gian nghỉ tết là để HS xả stress, nạp lại năng lượng, cân bằng tâm lý, sum họp gia đình, vui chơi sau khi kết thúc học kỳ 1 (18 tuần) và 3 tuần đầu của học kỳ 2 (19, 20, 21) học tập đầy căng thẳng. Việc HS nghỉ tết ở nhà làm gì trong những ngày nghỉ hiện có hai luồng ý kiến trái ngược nhau: thầy cô cần giao bài tập về nhà (bài tập tết) để các em làm; ngược lại có ý kiến không nên giao bài tập về nhà. Đây là vấn đề được bàn luận trong nhiều năm qua mỗi khi tết đến xuân về, HS được nghỉ tết.
Lý do nên giao bài tập cho HS về nhà vào dịp nghỉ tết đó là thầy cô, phụ huynh lo các em thời gian rảnh rỗi nếu không được kiểm soát tốt thì các em dễ đắm chìm trong game online, các trò chơi có tính cờ bạc, đốt pháo, vi phạm luật giao thông… sẽ quên kiến thức.
Tuy nhiên vẫn có ý kiến không nên giao bài tập về nhà để HS có một cái tết đúng nghĩa, nhiệm vụ học là theo tinh thần học tập suốt đời, những ngày nghỉ tết để các em nghỉ ngơi vui chơi.
Vậy nếu không giao bài tập về nhà HS sẽ làm gì với thời gian rỗi này thì thầy cô có thể giao nhiệm vụ cho các em gắn liền với những câu chuyện, hoạt động liên quan tới tết tùy theo đặc trưng của từng môn học.
Là giáo viên dạy môn lịch sử, giáo dục công dân, thường trước khi nghỉ tết năm nào tôi cũng đều giao nhiệm vụ cho HS là “Hãy kể đặc trưng ngày tết quê em” hay “Tìm hiểu các phong tục, tập quán ngày tết” hoặc “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy có ý nghĩa gì”? Còn giáo viên môn ngữ văn, cho HS tìm hiểu: “Sự tích bánh giầy, bánh chưng”, “Ông thầy đồ”… Giáo viên môn sinh cho các em tìm hiểu về các loài hoa tết; môn công nghệ cho các em tìm hiểu về “ăn tết” các loại thực phẩm nào của người Việt… Nói chung tùy theo đặc điểm mỗi môn học nên cho HS tìm hiểu những giá trị văn hóa của dân tộc ta thông qua nghỉ tết, ăn tết, chơi tết là cần thiết. Nhằm giúp HS tìm hiểu nét đẹp ngày tết, không quên truyền thống văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc ta.
Riêng đối với các bậc phụ huynh, tết là cơ hội để dạy các em biết, trải nghiệm những nét đẹp giá trị truyền thống của gia đình mình như: cúng tiễn đưa ông Công ông Táo (23 tháng chạp), đi tảo mộ, bày mâm ngũ quả, gói bánh tét bánh chưng, dựng cây nêu ngày tết, cúng tất niên… Những điều này giúp các em có trải nghiệm, hiểu về đặc trưng tết cổ truyền của dân tộc ta, nhất là những HS thành phố.
Đó chính là những nét đẹp văn hóa của người Việt được lưu truyền từ đời này sang đời khác, cần được gìn giữ phát huy để những giá trị đó được trường tồn, giúp các em hiểu về cội nguồn dân tộc, không đánh mất bản sắc văn hóa trong thời buổi hội nhập thế giới ngày nay có ý nghĩa hơn việc giao những bài tập với những con số, tính toán khô khan, lý thuyết.
Đừng để học sinh than khổ vì… tết
Nghỉ tết dài ngày nên để các em có dịp đi cùng gia đình du lịch tham quan cảnh đẹp đất nước, được về quê mặc sức chạy băng đồng ruộng để thả diều, bắt dế, được đùa nghịch tắm sông thỏa thích…
Năm ngoái, ngay ngày mùng 1 tết, tôi ghé thăm gia đình người chị, thấy cháu của chị đang học lớp 9 bày sách vở đầy trên bàn học, ngồi đăm chiêu suy nghĩ rồi cặm cụi viết viết cái gì đó trong tập. Tôi lên tiếng hỏi: “Tết mà cháu làm bài tập hay làm gì vậy, sao cháu không đi chơi với bạn cho vui?”. Đứa cháu đáp: “Cháu cũng muốn đi chơi, đi thăm ông bà lắm nhưng không dám vì phải làm mấy bài tập làm văn và bài tập toán mà cô thầy giao làm trước khi nghỉ tết”.
Tết mà thầy cô còn làm khó HS và còn lây lan sang cha mẹ các em khi nghe con than vãn không làm hết bài tập mà thầy cô giao.
Trần Văn Tám (H.Củ Chi, TP.HCM)
Yêu cầu không giao bài tập về nhà dịp tết